Thứ bảy, 7/7/2018, 20h30

Kinh nghiệm: yêu cầu tiên quyết của nhà tuyển dụng?

Thực trạng sinh viên (SV) ra trường không xin được việc làm, hoặc bị nhà tuyển dụng từ chối, dẫn đến thất nghiệp không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội. Nó trở thành vấn đề lớn buộc các cơ quan quản lý, ban/ngành và ngay bản thân người ứng tuyển phải có sự thay đổi theo hướng thích hợp. Theo thống kê của Viện Lao động và Xã hội công bố ngày 26-12-2017, trong quý III năm 2017, tình hình thất nghiệp của nhóm trình độ ĐH trở lên tăng mạnh so với quý trước. Đây thật sự là một báo động cấp thiết đối với cơ quan đầu ngành về quản lý giáo dục.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không có hoặc không xin được việc làm ở những SV vừa ra trường, trong đó kinh nghiệm - yêu cầu từ nhà tuyển dụng là một nguyên nhân quan trọng và phổ biến. Nó đặt ra thử thách lớn, nan giải đối với tân cử nhân. Bên cạnh những nội dung về kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, liên kết các bộ phận, làm việc độc lập..., thì kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trong môi trường làm việc cụ thể ngoài xã hội là một điều kiện mang tính tiên quyết và quyết định của đa phần các nhà tuyển dụng. Theo đó, nhà tuyển dụng luôn đặt ra yêu cầu về kinh nghiệm thực tế tại các đơn vị theo đúng chuyên ngành mà người ứng tuyển theo học. Điểm lại trong quá trình bước vào giảng đường ĐH cho đến khi sở hữu được tấm bằng trong tay, rất ít SV hoặc không có SV đã từng trải qua công việc thực tế khi đang phải hoàn thành chương trình học. Đối với nhà tuyển dụng, họ không thể sử dụng lao động khi người đó còn vướng bận việc học, kiến thức trang bị chưa đầy đủ, kỹ năng thực hành ít và thời gian làm việc thay đổi nhiều. Vì thế, yêu cầu kinh nghiệm đối với SV vừa tốt nghiệp là điều kiện không khả quan và rất ít SV có được.

Hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam đang được thay đổi và phát triển về cả phương pháp dạy học, trình độ của đội ngũ nhà giáo và trang thiết bị phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên, nhìn chung giáo dục của ta vẫn nặng về lý thuyết và chưa được thực hành nhiều. Ngoài ra, việc bố trí chương trình chưa cân xứng giữa lý thuyết và thực hành đã làm cho SV phải tập trung nhiều vào nội dung lý thuyết mà không có thời gian hoặc không đủ thời gian để tiếp xúc thực tế. Điều này vô tình trở thành trở lực đối với người ứng tuyển trước nhà tuyển dụng. Nên chăng nhà tuyển dụng cần tạo cơ hội cho SV vừa tốt nghiệp bằng việc đặt yếu tố kinh nghiệm trong sự ưu tiên giữa các ứng viên thay vào đó là sự ứng phó linh hoạt, kiến thức vững chắc, thể hiện sự hòa nhập vào công việc tốt, biến những điểm hạn chế chung thành những điểm mạnh và phát huy ở từng cá thể.

Nguyn Trng Nghĩa