Thứ tư, 3/2/2016, 11h11

Kình ngư cứu nạn cứu hộ

Với lòng đam mê, yêu nghề, yêu ngành, chàng thanh niên tuổi đời còn rất trẻ đã luôn nỗ lực rèn luyện bản thân, không ngừng phấn đấu, học tập để thể hiện tài sức đóng góp cho xã hội. Anh đại diện cả một thế hệ trẻ “toát lên” tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, là tấm gương tiêu biểu cho bạn trẻ noi theo...

Chiến sĩ Võ Thành Công và vợ tại ngày nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biển TP.HCM 2015

Tôi hỏi anh, nhiều lần vì công việc mà phải đối mặt với lằn ranh sinh - tử, anh có cảm thấy sợ và chùn bước không? Anh đáp lại một cách không do dự: Nếu sợ hiểm nguy tôi sẽ không đến được với nghề! Đó là chia sẻ rất chân tình của chiến sĩ Võ Thành Công (27 tuổi, Phòng Cứu nạn - Cứu hộ - Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM) khi nói về tính chất công việc của mình.

Đối diện với tôi là một thanh niên thân hình cao to, nước da ngăm đen, giọng nói ấm áp làm cho người bên cạnh luôn cảm thấy bình an. Công nói, mỗi lần cùng đồng đội bắt tay làm nhiệm vụ là mỗi lần đối diện với hiểm nguy giữa sự sống và cái chết mà ngay bản thân người làm nhiệm vụ không hề đoán trước được.

Khoảnh khắc bên lằn ranh sinh - tử

Năm 2013, lần cứu nạn vụ cháy nổ của gia đình Phương “khói lửa” (Q.3, TP.HCM), Công và đồng đội luôn ở tình huống sẽ bị thương vì không ai biết chính xác trong ngôi nhà ấy còn bao nhiêu ký thuốc chưa nổ và sức công phá ở mức độ nào. Tính chất hiện trường hết sức phức tạp nhưng người sống sót vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát, trông mong được cứu từng giây phút. Điều này bắt buộc cả đội suốt nhiều giờ trong đêm phải chạy đua với thời gian, khoan dỡ từng khối bê tông vừa tìm người bị thương, xử lý chất cháy nổ, vừa để vụ việc không kéo dài, tránh ảnh hưởng xấu thêm đến người dân, tài sản xung quanh.

Còn câu chuyện năm 2012 cũng đặt anh và đồng đội vào một tình huống hiểm nguy không kém. Đó là trong lúc anh và hai đồng đội đang tham gia cứu nạn tàu Biển Nam 17 (khu vực sông Nhà Bè), một con tàu neo gần đó có dấu hiệu trôi dạt về tàu gặp nạn. Trên cùng địa điểm, hai con tàu va đập vào nhau sẽ tạo ra một áp lực nước vô cùng lớn, gây nguy hiểm đến thợ lặn. Trong tình huống cấp bách, Ban chỉ huy trên bờ chỉ kịp kéo hai đồng đội sau khi phát tín hiệu khẩn. Riêng Công không thấy đâu, bấy giờ ai cũng nghĩ anh đã gặp nạn. Chỉ khi thấy anh lên bờ, mọi người mới tin anh vẫn còn sống. “Vừa nhận được tín hiệu khẩn truyền qua dây, tôi tức tốc ngoi lên bờ thật nhanh mặc dù không hiểu chuyện gì sắp xảy ra bởi nước đục, chảy xiết cản trở tầm nhìn nhưng vẫn không kịp so với yêu cầu khẩn. Tình huống xấu đã không xảy đến, tôi và đồng đội thấy đó là một sự may mắn kỳ diệu”, Công nhớ lại khoảnh khắc nguy hiểm.

Sẵn sàng dấn thân vì sự bình an cho mọi người

Công việc, cứu nạn cứu hộ là hết sức vất vả, nguy hiểm. Trầy xước, bị vật dụng đâm, rơi trúng... là thường xuyên. Trong bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm ngày hay đêm, có hiệu lệnh là người làm nhiệm vụ phải sẵn sàng ra trận. Vì thế người làm công việc này phải có sức khỏe, tinh thần yêu nghề, tuân thủ quy định ngoài kinh nghiệm và may mắn. Còn với anh, tham gia cứu hộ cứu nạn như một tinh thần cao cả được định sẵn từ nhỏ. Hình ảnh các chiến sĩ công an, lính cứu hỏa tham gia nhiệm vụ trong các bộ phim hành động cứ thôi thúc anh lớn lên sẽ phải làm chú công an mặc dù gia đình không ai theo nghề này.

Tốt nghiệp THPT năm 2007, Công đã tham gia nghĩa vụ quân sự. Trước sự linh hoạt, khả năng phán đoán nhanh nhạy, năm 2008 Công được tuyển chọn về Phòng Cứu nạn Cứu hộ công tác sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ. Mỗi lần tham gia là mỗi lần anh đúc rút kinh nghiệm quý báu cho bản thân. “Những ngày đầu mới làm, không ít lần mình bị chảy máu mũi do chưa có kinh nghiệm trong việc lặn xuống ngoi lên, đặc biệt ở những lòng nước sâu, dòng nước xoáy. Thậm chí xử lý các vật dụng cháy nổ như bom mìn gặp trong lúc làm cũng phải có quá trình và học hỏi kinh nghiệm”, Công thổ lộ.

Tám năm làm nhiệm vụ, anh và đồng đội tham gia hàng trăm vụ lặn, cứu sống nhiều người và tìm thấy hơn 100 thi thể nạn nhân, tang vật chứng góp phần cung cấp chứng cứ để lực lượng công an thực hiện điều tra, phá án. Bên cạnh đó, anh còn luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động Đoàn, từ thiện, tuyên truyền kỹ năng an toàn trong phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, công tác cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng phòng chống đuối nước... cho hàng ngàn đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn TP. Bạn bè, đồng đội, người dân vì thế mà yêu mến, cảm phục và luôn gọi Công với biệt danh “kình ngư cứu nạn cứu hộ”.

Mặc dù luôn can đảm trong mọi tình huống, song “kình ngư cứu nạn cứu hộ” không phủ nhận đã có lúc tinh thần lung lay. Nhiều lần ngụp lặn ở các dòng sông ô nhiễm hóa chất, kim tiêm, Công có cảm tưởng đang giao phó sức khỏe cho bệnh tật. Khi cứu vớt người chết đuối, nhiều sự va chạm đã khiến anh không khỏi rùng mình, ám ảnh. Song nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo đã giúp anh vượt qua. Bản thân anh luôn nghĩ đến sự chia sẻ mất mát cùng các gia đình, nghĩ đến tình cảm người dân dành cho làm anh tiếp thêm động lực để bằng mọi giá hoàn thành tốt công việc. “Nhớ có lần anh em lặn cứu nạn tại một đoạn sông ô nhiễm thuộc khu vực quận Bình Tân, sau khi lên bờ, ngoài đôi mắt, toàn thân nhuốm một màu đen bùn ô nhiễm. Bà con xung quanh thấy thương đem cho gói xà bông bột để tắm. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng anh em chúng tôi rất ấm lòng và có thêm động lực”, Công tâm sự.

Với tinh thần làm việc hết mình, nghĩa cử đóng góp cao cả, nhiều lần Công được công nhận thành tích, giấy khen.... của Ban Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, Thành đoàn, Bộ Tư lệnh TP… “Giờ đây trong vai trò là Công dân trẻ tiêu biểu (vừa được TP.HCM trao tặng đầu năm 2016), tôi xem đó là vinh dự và động lực để nỗ lực làm tốt trách nhiệm hơn nữa, đem đến sự bình an cho người dân...”, Công chia sẻ.

Ngọc Trinh