Thứ tư, 21/10/2015, 16h09

Kinh tế khó “cất cánh” vì khoa học công nghệ tụt hậu

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đề xuất phải bảo đảm mức đầu tư cho KHCN tương xứng. Ảnh: I.T

Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt được như mong muốn là do khoa học công nghệ (KHCN) tụt hậu. Đó là nhận định của nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học tại buổi tọa đàm góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Tụt hậu

Đánh giá về ứng dụng KHCN trong thời gian qua, bà Lương Chi Mai, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho rằng nhìn chung chưa thực sự hiệu quả, do hai nguyên nhân chính: Cơ chế quản lý KHCN đã lạc hậu; KHCN chưa trở thành một nhu cầu thực sự trong kinh tế xã hội. Bà Mai cho hay, cơ chế quản lý về khoa học cơ bản nói chung là tạm ổn. Tuy nhiên hoàn toàn chưa có cơ chế cho nghiên cứu phát triển ứng dụng. Lúng túng trong việc triển khai Nghị định 115 đã chứng tỏ sự bế tắc này. Vấn đề chính là chưa có một nghiên cứu quy hoạch tổng thể về KHCN để xác định rõ chức năng, sự phối hợp và phân bổ kinh phí theo mức độ ưu tiên cho 5 lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học cơ bản (và chính sách); Nghiên cứu khoa học ứng dụng; Nghiên cứu phát triển (R&D) ứng dụng KHCN; Triển khai ứng dụng KHCN; Chuyển giao - phổ biến KHCN. Do không có quy hoạch nên các hoạt động KHCN manh mún, không phù hợp với việc giải quyết các vấn đề cụ thể, lớn một cách thấu đáo để đi đến kết quả. Các đề tài nhỏ lẻ chỉ phù hợp cho nghiên cứu cơ bản, phần nào cho các đề tài khoa học hướng ứng dụng. Kinh phí ở nhiều Viện KHCN do Thủ tướng thành lập theo cách khoán biên chế (40 triệu/đầu người). Thực sự là cách chia kinh phí kiểu manh mún, cầm hơi. Do đó các viện đều dặt dẹo so với các viện KHCN của các nước trong khu vực. Đầu tư không tập trung, không đúng địa chỉ, lại xét duyệt khó khăn (2-3 năm) tạo tâm lý tranh thủ mua sắm, gây lãng phí. Rất nhiều thiết bị hàng chục tỷ không được khai thác do: Không có năng lực khai thác; Không có kinh phí vận hành: Điện nước. Không có nhu cầu thực tế.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn, tại sao sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa xây dựng được nền tảng của một nước CNH-HĐH hay “cơ sở nền tảng” của nước công nghiệp, nghĩa là chưa xác lập được “đường băng” thật sự của công cuộc “cất cánh”. Do đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng “tụt hậu phát triển xa hơn” chứ không đơn thuần chỉ “tụt hậu phát triển” của nước ta một khi cách đây 15 năm, Đảng đã xác định đây là “nguy cơ hàng đầu”. “Nguyên nhân ở đâu cần phải được mổ xẻ và chỉ rõ. Dường như dự thảo văn kiện tập trung nhiều hơn cho nguy cơ “diễn biến hòa bình” và xu thế “tự diễn biến” hơn là nguy cơ hàng đầu. Tại sao lại như vậy?” - ông Thiên đặt câu hỏi. Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, Việt Nam ngày càng bị tụt hậu so với các nước ở khắp các lĩnh vực, trong đó có nguyên nhân chưa coi trọng phát triển KHCN. KHCN ở Việt Nam đang dựa quá nhiều vào Nhà nước, đó là sai lầm. Chúng ta cần thay đổi tư duy này. “Tụt hậu về KHCN còn do Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế hội nhập quốc tế. Chúng ta mới chỉ chú ý đến hội nhập thương mại đầu tư mà chưa quan tâm đến hội nhập KHCN, trong khi KHCN mới là động lực để chúng ta phát triển nhanh, bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình. Những chính sách hỗ trợ về đầu ra cho KHCN cần đủ mạnh, như vậy mới thu hút được doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KHCN”, ông Tuấn góp ý.

Phải đảm bảo đầu tư cho KHCN

Đề cập đến vấn đề giải pháp, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự đầu tư và thay đổi chính sách đối với KHCN. GS. Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam nêu câu hỏi tại sao nhiều doanh nghiệp chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nguyên nhân chính là gì? Năng suất lao động phụ thuộc vào đâu, có hay không việc doanh nghiệp không cần KHCN mà vẫn cạnh tranh được vì họ tập trung sử dụng lao động giá rẻ? Những vấn đề này phải làm cho rõ. Cuối cùng là vấn đề cơ chế, chính sách, kinh phí cho KHCN phát triển. Như vậy, khi rõ được chuỗi vấn đề về phát triển KHCN chúng ta sẽ có được câu trả lời rõ ràng cho đường hướng phát triển KHCN trong những năm tới. Qua tọa đàm cho thấy, để phát triển KHCN cần phải đổi mới về thể chế, có cơ chế đầu tư đúng mức để gắn kết các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong phát triển KHCN.

Còn Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thì cho rằng Bộ KHCN đã xác định, KHCN Việt Nam đã hướng tới 3 nội dung tất yếu: KHCN phải hướng tới thị trường (cơ chế vận hành, thị trường KHCN); KHCN phải hướng đến doanh nghiệp; phải hướng đến hiệu quả. Ông Quân cũng khẳng định có tình trạng DN chưa mặn mà với KHCN trong nước. Người đứng đầu ngành KHCN cũng thừa nhận là do cơ chế, do cách thực hiện của chúng ta. Doanh nghiệp thiếu thông tin, không biết các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra được ứng dụng gì, có chất lượng hay không, vì vậy để chắc ăn, doanh nghiệp mua công nghệ của nước ngoài. Chúng ta cũng chưa nuôi dưỡng được nguồn thu, vì thế hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đầu tư cho KHCN. 90% đầu tư cho KHCN của Hàn Quốc là từ phía doanh nghiệp; Trung Quốc là trên 50%; còn Việt Nam mới chỉ trên 30%. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay KHCN phải hướng tới hiệu quả. Hiện nay vẫn đang nói rất chung chung. Tính chung hiện nay đầu tư cho KHCN là 1,5 tỷ USD thì mang lại 4 tỷ USD cho GDP. Đầu tư cho các nhà khoa học rất ít nhưng đòi hỏi lại rất nhiều, mới chỉ đạt mức 10 USD/đầu người, bằng 1/100 của Hàn Quốc, bằng 1/6 của Trung Quốc. Do đó, Bộ trưởng đề xuất phải bảo đảm mức đầu tư cho KHCN tương xứng. Hiện nay, dù Đảng, Nhà nước xác định chi đầu tư cho KHCN là 2% GDP nhưng chưa bao giờ đạt được. Năm 2014 chỉ 1,36%; năm nay 1,52%; năm 2016 muốn 1,7% nhưng chắc cũng chỉ 1,5%.

“Phải thay đổi tư duy đầu tư. Việt Nam đang bị bệnh sính của người giàu. Việt Nam nghèo nhưng cứ lấy chuẩn thế giới. Nghèo nhưng nghỉ làm 2 ngày/tuần; nghèo nhưng lại lấy mục tiêu chiến lược là phát triển dòng ô tô 4 chỗ trong khi máy móc nông nghiệp rất thiếu, rất cần. Nghèo nhưng chưa thực hiện nghiêm kỷ cương xã hội, phép nước; nếu thực thi nghiêm thì hiệu quả sẽ cao hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Nghiêm Huê