Thứ bảy, 24/4/2010, 09h04

Kỳ 7: Cả dân tộc cùng hướng về ngày giỗ tổ

Ngày giỗ Tổ (10/3 ÂL), cả dân tộc cùng hướng về Đền Hùng như là đến với hồn đất nước, là cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Với ý thức "trăm con một bọc", biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc, mỗi chúng ta - dù Nam hay Bắc, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam…
Có lẽ trên thế giới này hiếm có nơi nào lại có được hình thức tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam khiến chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống thờ gia tiên trong từng gia đình, thờ tổ họ của dòng họ, thờ Thành Hoàng của làng và thờ Tổ chung của đất nước ở Đền Hùng. Ngày Giỗ Tổ đang đến gần; người dân Việt Nam ta ở mọi miền đất nước và ở xa Tổ quốc, đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc với lòng biết ơn công lao các Vua Hùng và với niềm tin vào sự trường tồn và sức mạnh của dân tộc. Nhân dịp này, báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng giới thiệu đến độc giả tập sử thi “Quốc Tổ Hùng Vương” của tác giả Huỳnh Uy Dũng.
 
SỬ THI QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG
(tiếp theo kỳ 6)
 
… Bèn tụ tập nghĩ bài trả đũa
Lẻn vào kinh khoắng của nhà vua
Ngọc, vàng, mã não, san hô
Rồi gieo tang vật đổ thừa Thạch Sanh.
 
Bấy giờ gã Lý huynh bất nghĩa
Được vua giao xử lý việc này (930)
Nỗi mừng cờ đã đến tay
Nên đem khép tội Sanh mây tử hình.
 
Trong ngục tối oan tình khó nỗi
Thạch Sanh bèn đem nỗi lòng đau
Phổ lên mấy sợi tơ sầu
“Bổn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”.
 
Tiếng đàn khóc những ngày côi cút
Phận nhà nghèo heo hút cháo rau
Lại than cái cuộc bể dâu
“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. (940)
Lại tiếc nỗi tình sâu nghĩa biển
Quỳnh Hoa ơi chân thiện mỹ này
Mới vừa Trúc gặp Mai đây
Chưa sum họp đã chia tay sao đành.
 
Tiếng đàn suốt năm canh trầm bổng
Cao ngàn tầng lại rộng ngàn khơi
Nó lênh đênh cái phận người
Nó hắt hiu cái nghiệp đời lầm than.
 
Sao thống thiết tiếng đàn trong ngục
Nó nỉ non chín khúc đoạn trường (950)
Vượt qua trăm dặm tiền đường
Rồi len lỏi tận bên giường Quỳnh Hoa.
 
Tiếng công chúa nghe qua chợt tỉnh
Chợt nhớ ra chính chuyện mình quên
Chuyện mình bị cắp bay lên
Bởi con Tinh Đại Bàng trên chín tầng.
 
Rồi chuyện gặp ân công họ Thạch
Với mũi tên hiển hách diệt tà
Rồi thì tới chuyện “Người Ta”
Xông vào huyệt cứu mình ra… rồi… rồi (960)
Ôi! những chuyện một lời khôn kể
Chỉ biết rằng “thôi thế thì thôi ”
Một cơn ác mộng tan rồi
Quỳnh Hoa tỉnh dậy nụ cười nở hoa
 
Chuyện như thế nghĩa là hết chuyện
Nghĩa là nàng tìm đến vua cha
Kể đầu đuôi tự sự và
Thạch Sanh liền được tha ra khỏi tù
 
Và được thành trượng phu Công Chúa
Với công hầu áo mũ xênh xang (970)
Còn tên họ Lý gian tham
Thì được Phò Mã thả ngay cho về
 
Chỉ một nỗi đường quê chẳng tới
Vì người ta tha tội nhưng trời
Lại thương thiên võng khôi khôi
Nên bị sét đánh chết tươi giữa đường
 
Ở hiền thì hương hỏa dài lâu
Thế mới biết đạo trường nhân quả
Ở ác rồi chuyện rồi lâu
“Sơ nhi bất l?u” ấy câu răn đời (980)
Lại nói về chuyện ngôi Phò Mã
Chẳng bao lâu vua lại băng hà
Và vì công chúa Quỳnh Hoa
Là con độc nhất. Vậy là ngôi vua
 
Đương nhiên được truyền thừa Phò Mã
Đúng như ngôi giáng hạ sinh thành
Với lòng dân đã quang minh
Để cho trăm họ thái bình Âu ca
 
Tích xưa kể còn qua đoạn cuối
Ấy là khi cả hội chư hầu (990)
Những người vừa mới không lâu
Đã từng phen “bước qua cầu tiểu phu”
 
Nhưng chẳng được mắt thu lóng liếng
Cho đôi tròng chuyển trắng thành xanh
Bấy giờ nghe tiếng Thạch Sanh
Tự dưng lại được yên lành nối ngôi
 
Bèn một dạ tức ơi là tức
Bèn một lòng dấy cuộc đao binh
Họp thành một hội đồng minh
Ầm ầm vạn mã thiên binh tiến vào (1000)
Chính nghĩa lại phất cao cờ nghĩa
Khí thế thù ầm ỉ trống thù
Rực trời lửa cháy biên khu
Khiến cho xã tắc bây chừ rung rinh
 
Chàng họ Thạch với tình yêu lớn
Ghét chiến tranh chỉ chuộng hòa bình
Mặc dù bản lĩnh chiến binh
Vẫn tâm nguyện chữ nhân sinh dĩ hòa
 
Bèn cùng với Quỳnh Hoa công chúa
Đi đón đầu cơn lũ xâm lăng (1010)
Bằng bằng một khúc đàn tràng
So lên dây vũ dây văn tuyệt vời
 
Tiếng chi như tiếng cười con trẻ
Tiếng chi như tiếng hé canh sương
Tiếng chi như tiếng yêu thương
Tiếng chi như tiếng Tiên Long ngọt ngào
 
Tiếng chi như tiếng cao ngất núi.
Tiếng chi như tiếng gọi rất lòng
Tiếng chi tan tản hừng đông
Tiếng chi lừng lẫy cánh đồng hoàng hôn (1020)
Tiếng chi thêm nỗi buồn nhân thế
Tiếng chi vươn cành quế Tâm Linh
Tiếng chi Bát Nhã Tâm Kinh
Tiếng chi dạ tạc phong hiền lung linh.
 
Ôi! Cái tiếng tình yêu vô lượng
Ẩn bên trong thịnh vượng Tâm Đài
Bi mà hùng một láng lai
Vững mà từ một không hai Việt Thường.
 
Đẹp như nét Hùng Vương dựng nước
Xinh như hoa Thược Dược hai mùa (1030)
Khéo ôi! Cái tiếng cung tơ
Xôn xao như vạn bài thơ quê mình.
 
Cái tiếng nói gợi tình trắc ẩn
Nó gọi niềm lay mẫn mênh mông
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
 
Cái tiếng nó hòa tan chủng tộc
Lại hòa tan đẳng cấp nhân sinh
Khiến nghe ai cũng nhà mình
Khiến nghe ai cũng là kinh Thúy Kiều. (1040)
Cái tiếng nói của điều lớn nhất
Rằng ai không có Phật trong lòng
Phật là niềm sạch niềm trong
Niềm yêu niềm dấu niềm không hận thù.
 
Là cái niềm thiên thu tịch mặc
Là cái Tâm tịnh lạc ngã thường
Và tia sáng của vừng dương
Và hương thơm của mười phương trăng rằm.
 
Ôi! cái tiếng đàn căng vĩ đại
Chở tròn Tâm vô ngại Đại Bi (1050)
Tiếng đàn từ cõi lưu ly
Được Thạch Sanh chở chuyên về trần gian.
 
Nay giữa chốn xa tràng máu lửa
Như đôi bên sắp sửa tranh hùng
Để cùng vâng dạ để cùng
Chợt tìm ra tiếng nói chung của lòng.
 
Đi là lẽ Đại Đồng nhân loại
Lẽ tượng sinh tồn tại bên nhau
Lẽ bí bầu lẽ trầu cau
Lẽ muôn xưa lẽ muôn sau vạn đời. (1060)
Tiếng đàn làm vạn người tham chiến
Thoắt đều buông tay kiếm tay cung
Và trong một nỗi niềm chung
Nhìn nhau như thể tay chân ruột rà.
 
Và như thế nghĩa là cuộc chiến
Cáo chung từ khởi điểm lành thay
Và thế là kể từ đây
Các lân bang sẽ bắt tay họp quần.
 
Và để mừng mùa xuân hữu nghị
Thạch Sanh bèn dở trí thần thông (1070)
Nhóm lên một bếp lửa hồng
Và bắc lên một nồi đồng tí hon.
 
Rồi mời cả ba quân tướng sĩ
Thử dùng chơi chút vị Văn Lang
Nồi cơm xới mãi vẫn tràn
Vị cơm càng nếm lại càng hương thơm.
 
Như Mười Tám Đời Vương vinh hiển
Để ngàn đời có “chuyện đời xưa”
Nằm trên nhịp võng đơn sơ
Con nghe mẹ hát bài thơ Vua Hùng (1080)   Hết
Nguyễn Điệp (thực hiện)