Thứ ba, 23/5/2017, 15h05

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị giám sát các dự án thua lỗ

Kiến nghị để có nghị quyết về chính sách đặc thù cho TP.HCM

Ngày 23-5, ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, sáng 23-5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, 2 trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã thực hiện giám sát rồi. Vì thế nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn. Ông đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA. Bởi việc sử dụng vốn ODA đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý. 

Về giám sát cổ phần hóa DNNN, theo ông Hiển, phải mở rộng hơn và nên giám sát việc đổi mới hoạt động của DNNN, trong đó có cả DN 100% vốn Nhà nước, có cả DN cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới DNNN. Ngoài ra, cũng có thể giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. 

Đề cập đến việc giám sát các dự án đầu tư công, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lưu ý hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ? Theo đó, ông đề nghị đối với các dự án BOT hay sử dụng vốn ODA có những vấn đề nổi cộm, nếu tiến hành giám sát sẽ có lợi cho dân nhiều hơn.

Đồng tình với ý kiến đề xuất của Tổng kiểm toán, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng đặt ra câu hỏi: Ngoài 12 dự án thua lỗ ra, còn bao nhiêu dự án khác như vậy? Theo đại biểu Cầu, giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát, thua lỗ là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm. Ông đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát này vào chương trình.

Còn đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) thì nhấn mạnh cần quan tâm đến việc thực thi quy định pháp luật đất đai. Vừa qua nhiều vụ “nóng” xuất phát từ bất cập trong giải quyết về đất đai, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp cũng cho thấy 60-70% tranh chấp đất đai phát sinh ngày càng phức tạp, nhưng chưa có chương trình giám sát...

* Tại phiên họp tổ của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM sáng 23-5, ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP) cho biết, Thành ủy TP.HCM đã bàn và sẽ tập trung làm một kiến nghị để có nghị quyết của Quốc hội về chính sách cơ chế đặc thù cho TP và sẽ trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 10-2017.

Theo đó, nội dung của kiến nghị là tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của TP.HCM, phát huy tốt tất cả tài nguyên trên địa bàn TP để phục vụ phát triển, từ đất đai, con người, hạ tầng; tăng trách nhiệm và đóng góp của TP cho phát triển vùng, khu vực, tăng phần đóng góp ngân sách cho Trung ương.

“Tức là chính sách thì đặc thù nhưng về tổng thể sẽ góp phần phát triển tốt hơn cho đất nước, cho TP”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng tại cuộc họp này, các đại biểu của đoàn ĐBQH TP.HCM đã bỏ phiếu đồng ý 100% bầu ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn. Trước đó, tại phiên họp thứ 10, căn cứ quy định tại điều 74, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Điều 38, điều 54, Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 35 quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở xem xét đơn xin chuyển sinh hoạt đoàn ĐBQH của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt đoàn ĐBQH đối với ông Nhân từ đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đến đoàn ĐBQH TP.HCM.

Nhóm PV