Thứ năm, 27/4/2017, 20h32

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2017): Ước nguyện người cán bộ tập kết

Chân dung ông Nguyễn Văn Tòng tại Bia tưởng niệm chiến thắng Long Thạnh

Mặc dù đã ra đi cách đây 8 năm nhưng hình ảnh ông Nguyễn Văn Tòng - nguyên cán bộ Ty công an Tiền Giang vẫn không bao giờ phai nhạt trong ký ức của bà Vũ Thị Tuyết Lan và những người đồng chí, đồng đội từng gắn bó với cuộc đời người cán bộ trung kiên của 2 cuộc kháng chiến.

Đó là hình ảnh của người chiến sĩ tài ba, dũng cảm từng chỉ huy trận đánh Long Thạnh, thuộc xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Sắc sảo trong chỉ huy chiến đấu

Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 3, bà con nhân dân xã Long Bình đều tề tựu về khoảng đất rộng trước Bia tưởng niệm chiến thắng Long Thạnh để thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã tường lập chiến công để làm nên chiến thắng lẫy lừng từng khiến cho kẻ thù khiếp vía suốt một thời gian dài. Trong những con người làm nên lịch sử đó không ai quên được người chỉ huy trưởng trận đánh là ông Nguyễn Văn Tòng - một cán bộ của Ty công an Tiền Giang vào năm 1947. Có thể coi đây là trận đánh có một không hai trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ tô đậm hơn một mốc son lớn trong lịch sử Đảng bộ địa phương.

 Trong lúc thực dân Pháp có một lực lượng tinh nhuệ, súng ống hiện đại thì bộ đội, du kích ta còn quá thiếu thốn và thô sơ về vũ khí. Tuy nhiên với tinh thần chiến đấu dũng cảm và tài bày binh bố trận của lực lượng chỉ huy mà quân và dân Tiền Giang đã bẻ gãy những đợt tấn công ồ ạt của kẻ thù một cách mau lẹ. Từng tham gia trận đánh lịch sử này, ông Đỗ Tấn Huỳnh - nguyên cán bộ của Ty công an Tiền Giang kể lại: “Khi bọn Pháp huy động 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi gần 500 tên nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến với 3 gọng kìm thì chúng ta bị tấn công bất ngờ vì chưa chuẩn bị kịp. Tuy nhiên nhờ sự chỉ huy sắc sảo và bản lĩnh của các đồng chí trong Ban quân sự, Ban công an, Đoàn Thanh niên cứu quốc mà sau 1 ngày quân và dân ta đã giết chết gần 100 tên và bị thương 30 tên địch”. Nhắc đến lực lượng chỉ huy trận đánh, ông Tư Huỳnh không thể nào quên tới người bạn chiến đấu của mình với một sự kính phục trân trọng: “Anh Ba Tòng cùng quê Gò Công với tôi vào làm việc chung tại Ty công an Tiền Giang khi tuổi đời còn trẻ. Tánh tình hiền lành ít nói nhưng anh Ba là con người kiên định, dứt khoát vì thế nên sau đó được cấp trên giao cho nhiệm vụ chỉ huy trận đánh Long Thạnh”. Cũng theo lời kể của ông Tư Huỳnh, sau trận đánh này tiếng tăm của ông Nguyễn Văn Tòng càng nổi hơn vì được anh em và cấp trên tin tưởng. Tuy nhiên ông bị địch bắt sau đó và giam ngay nhà lao Gò Công. 4 năm sống trong bóng tối của ngục tù nhưng đòn roi và những lời mua chuộc của kẻ thù không lung lay được ý chí của người Cộng sản kiên cường.

Học để trở về cống hiến

Bà Tuyết Lan cùng con trai về thăm địa chỉ đỏ

Theo lời kể của bà Tuyết Lan - vợ đồng chí Ba Tòng, do không kết tội được nên ông không bị còng tay và nhốt riêng như một vài tù chính trị khác. Khát khao được sống tự do và trở về hoạt động lại đã thôi thúc ông và các bạn tù đào hầm vượt ngục. Tuy nhiên cuộc tẩu thoát sau đó không thành nên ông bị bắt lại do có người trong hàng ngũ đầu hàng và chỉ điểm. Để đề phòng cảnh giác bọn cai ngục đã còng nốt hai tay để ông ngồi một chỗ không làm được gì cả. Sau 4 năm không thấy ánh mặt trời ông mới được trả tự do bởi chẳng tìm ra chứng cứ nào rõ ràng để buộc tội. Năm 1954 cuộc đời ông bắt đầu sang bước ngoặt mới khi theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.

Khi tập kết ra Bắc dù trình độ văn hóa còn hạn chế trong lúc tuổi không còn trẻ nhưng anh bộ đội Nguyễn Văn Tòng quê ở xã Đồng Sơn, Gò Công Tây và sau đó là Giám đốc công ty xây dựng vẫn lao vào học tập để có 2 tấm bằng kỹ sư xây dựng với mong muốn khát khao trở về phục vụ quê hương khi nước nhà thống nhất. Thế nhưng, mãi đến mùa xuân 1975 khi miền Nam giải phóng cả nước hát trọn bài ca thống nhất, ước nguyện của ông mới trở thành hiện thực.

Tuy tuổi cao sức yếu nhưng vào những dịp kỷ niệm chiến thắng Long Thạnh, bà Vũ Thị Tuyết Lan đều về dự để có thêm dịp gặp lại bạn bè của chồng mình. Theo lời kể của bà, khi còn sống ông Ba Tòng thường đưa vợ con về tận quê nội Gò Công để thăm lại nơi mình sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm không thể nào phai nhạt. Đây cũng là dịp để bà Lan đưa con cháu đến ngắm lại bức hình của ông được treo trang trọng trong khu nhà tưởng niệm chiến thắng Long Thạnh với niềm xúc động dâng trào rơi nước mắt.

Bài, ảnh: Hương Thủy