Thứ ba, 23/5/2017, 19h30

Kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Trường Sư phạm Tây Nam bộ (1961-2017): Sáng mãi những tấm gương nhà giáo đức độ!

Sau khi nước nhà thống nhất, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên Trường Sư phạm (SP) Tây Nam bộ mới có dịp gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm một thời dạy chữ trong vùng địch với bao buồn vui.

Chân dung NGƯT Hồ Thế Thương 

Người “khai sơn phá thạch” cho trường SP

Đối với cựu HS Trường SP Tây Nam bộ, khi ngày hội truyền thống của trường tổ chức là mỗi lần gặp gỡ thân tình những gương mặt tràn đầy cảm xúc và kỷ niệm. Đây cũng dịp để thầy trò nhớ lại hình ảnh người thầy đức độ và tài năng từng giữ cương vị Hiệu trưởng của ngôi trường sinh ra và lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là NGƯT Hồ Thế Thương với tên thường gọi thân mật là chú Hai Hành.

Những đồng chí cùng thời với NGƯT Hồ Thế Thương vẫn không quên căn cứ Làng Rừng do Đảng bộ huyện Duyên Hải (nay là huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) ra đời sau ngày Bến Tre đồng khởi để hoạt động bí mật. Lo tự túc sản xuất để cải thiện đời sống vẫn là công việc của anh em lúc đó. Tuy nhiên nhìn lại trình độ học vấn của anh em phần đông vẫn nghèo chữ nghĩa vì sớm thoát ly gia đình. Với cương vị Phó ban Tuyên huấn Làng Rừng, sau nhiều đêm suy nghĩ, nhà giáo Hồ Thế Thương đã đưa ra sáng kiến mở lớp học BTVH để nâng cao dân trí. Từ đề xuất “ngẫu hứng” của người cán bộ vốn là một nhà giáo yêu nước, các lớp học bình dân được mở ra ngay trong Làng Rừng ở vùng đất cuối Tổ quốc.

Là người có nhiều kinh nghiệm đứng trên bục giảng nên NGƯT Hồ Thế Thương được cử dạy lớp 4 và phụ trách phần chuyên môn SP. Sau mỗi buổi dạy dù vất vả nhưng thầy giáo Thương thật sự mãn nguyện khi đem con chữ đến từng học viên giữa chốn rừng sâu còn nhiều thiếu thốn. Học viên thích nhất là những giờ thảo luận với thầy Thương để vỡ ra nhiều vấn đề. Có thể coi NGƯT Hồ Thế Thương là người đặt viên gạch đầu tiên cho lớp học Làng Rừng - tiền thân của Trường SP Tây Nam bộ sau này.

Vốn sinh ra trong dòng tộc họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An có cụ tổ là Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) dù gia đình nghèo khó nhưng đến năm 12 tuổi cậu bé Hồ Thế Thương sinh ra ở Bình Thuận được cha đưa ra học Trường Quốc học Huế. Sau một thời gian đi làm thuê kiếm sống, năm 1937, Hồ Thế Thương vào học tiếp Trường CĐSP Sài Gòn rồi về Bạc Liêu đi dạy. Cách mạng thành công, thầy giáo trẻ tham gia du kích, làm công an rồi về công tác tại Sở Giáo dục Nam bộ. Sau ngày đình chiến ông trở về Cà Mau dạy học và hoạt động cách mạng. Năm 1956 bị địch bắt trong một trận càn nhưng sau đó nhờ sự đấu tranh quyết liệt của HS, ông được thả tự do. Để tiếp tục được hoạt động cách mạng ông phải về Năm Căn dạy học mặc dù nhiều lần kẻ thù vẫn tìm cách truy lùng. Chính tại nơi đây ông đã vận động phong trào “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” và thành lập Trường SP Tây Nam bộ.

Trong bề dày ký ức cuộc đời đi dạy vùng kháng chiến, nhà giáo Phạm Kim Yến vẫn không quên hình ảnh đức độ, thanh cao của NGƯT Hồ Thế Thương: “Mỗi khi nhắc đến ngôi trường SP Tây Nam bộ, không ai không nhắc đến chú Hai Hành như chúng tôi gọi thân thương ngày ấy. Chú Hai chính là người khai sơn phá thạch đặt nền móng cho trường SP và là hiệu trưởng đầu tiên. Chú là tấm gương sáng về đạo đức của một nhà giáo tận tụy, mẫu mực, đôn hậu vị tha về lòng trung thành của một đảng viên hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Sau khi nghỉ hưu, NGƯT Hồ Thế Thương vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu tài liệu, tra từ điển và học thêm tiếng Việt vì theo ông dù ở độ tuổi nào cũng phải nâng cao kiến thức để biết mình biết ta. NGƯT Hồ Thế Thương mất năm 2005 tại Cần Thơ. Trái tim của người cha là trường học của những đứa con. Ông chính là người thầy đầu tiên dạy những đứa con của mình nên người để Hồ Thế Thủy và Hồ Thế Dân trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu kế tiếp sự nghiệp cha. Những năm cuối đời sinh hoạt trong Câu lạc bộ Người cao tuổi TP.Cần Thơ, NGƯT Hồ Thế Thương thường giới thiệu các vị thuốc nam để chữa bệnh cho người già như một sự cống hiến sau cùng. Đã 12 năm trôi qua nhưng mọi người vẫn nhớ câu nói: “Học tập cũng là liều thuốc quý để rèn luyện trí tuệ thêm minh mẫn” mà vị Hiệu trưởng Trường SP Tây Nam bộ năm xưa vẫn thường căn dặn.

Tấm ảnh 4 mẹ con nhà giáo Nguyễn Thị Mai gửi cho chồng ở chiến trường là nhà giáo liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

Vẻ vang người thầy liệt sĩ

Trong ký ức của nhà giáo Hồ Thị Mỹ Huê (nguyên giáo viên Trường SP Tây Nam bộ), cuộc đời nhà giáo Hà Văn Hiếu - nguyên Trưởng ban Giáo dục tỉnh Cà Mau - chính là tấm gương người chiến sĩ quả cảm, hy sinh thân mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng giải phóng. Cũng giống như NGƯT Hồ Thế Thương, nhà giáo Hà Văn Hiếu (Tư Nhẫn) là người đặt nền móng đầu tiên cho lớp cán bộ giáo dục khóa 1 tại rạch Lô Ráng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (tên gọi lúc đó). Trong 9 năm miệt mài dạy chữ vùng kháng chiến, có biết bao mồ hôi của thầy giáo Hà Văn Hiếu đã vương trên bục giảng lớp học ở rừng để nuôi dưỡng trí tuệ cho con em cán bộ vùng Tây Nam bộ. Thế nhưng bom đạn của kẻ thù đã cướp đi cuộc đời của thầy khi lý tưởng cống hiến đang độ sung sức.

Nhà giáo Mỹ Huê kể lại trong hồi tưởng: “Năm 1970 chú Tư Nhẫn và ba đồng chí trong Ban Tuyên huấn Cà Mau được Tỉnh ủy về học tập chỉ thị của TW cục tại Văn phòng Tỉnh ủy. Thế nhưng không may bọn địch đã đổ quân gần đó để giăng bẫy. Trong lúc này những chiếc xuồng chở cán bộ vẫn âm thầm lặng lẽ hướng về trong bóng đêm. Chiếc xuồng chở chú Tư và cô Hai Hồng bơi trước, khi đi qua nhà của tổ in tay nhà in trên con rạch Bù Mắt, xã Năm Căn. Trăng 14 chiếu ánh sáng lỗ chỗ dưới tán rừng đước, mọi người nhìn thấy chiếc xuồng của cơ quan đã bị kéo lên bờ mà không hay biết. Nghe người nói giọng Bắc, nhóm của chú Tư cứ tưởng là quân của trung đoàn bộ đội chủ lực miền. Đến lần thứ 3, thấy có người xách súng ra biết là gặp địch, cô Hồng liền đạp xuồng phóng qua bên kia rạch. Theo lời kể của cô Hồng, chú Tư Nhẫn nhảy qua bên này rạch liền bị lính bắn thẳng vào đầu và chú đã hy sinh tại chỗ”. Nỗi đau chất chồng nỗi đau, do địch chiếm nhà in nhiều ngày nên lực lượng của ta tìm mọi cách lấy xác thầy giáo Hiếu mà không được. Mãi đến 3 ngày sau vượt qua bao hiểm nguy đồng đội mới tìm được thì thi thể lúc này bắt đầu đã thối rữa. Thầy giáo Hà Văn Hiếu sau đó được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Bù Mắt (Năm Căn) trong niềm thương tiếc của đồng nghiệp.

Cũng giống như tất cả người dân Việt Nam, biết bao niềm vui đã dâng trào trong lòng nhà giáo Nguyễn Thị Mai - một nữ cán bộ quê Quảng Ngãi tập kết ra Bắc khi đất nước thống nhất trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đó cũng là ngày bà và 4 đứa con nhỏ mong đợi hình bóng người chồng, người cha sau 11 năm xa cách biền biệt. Thay vì được vòng tay người chồng ôm trọn trong ngày đại thắng thì bà lại khóc hết nước mắt khi biết tin chồng là nhà giáo Nguyễn Văn Hiền (Bảy Minh) đã nằm lại chiến trường Tây Nam bộ. Từ đó trở đi đêm nào hình ảnh người chồng cũng hiện về trong giấc ngủ chập chờn của người vợ liệt sĩ với niềm thương tiếc vô tận. Sinh năm 1932, Nguyễn Văn Hiền sớm tham gia cách mạng và 22 tuổi tập kết ra Bắc. Công tác cùng ngành giáo dục nên ông đã kết duyên cùng với cô giáo cùng quê vào năm 1958. Thầy giáo Hiền lên đường đi B để lại hậu phương người vợ trẻ và 3 đứa con thơ dại trong khi đứa lớn đầu lòng mới 5 tuổi. Ở chiến trường, ông là một thầy giáo luôn được các học viên yêu quý vì coi các em như con đẻ của mình với một tình yêu thương bao la rộng mở.

Phan Ngọc Quang