Thứ năm, 23/2/2017, 21h02

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Bài 2: Chuyên gia đầu ngành về tiết niệu

39 năm công tác với ngành y nhưng có đến 36 năm gắn bó với Khoa Tiết niệu B (BV Bình Dân TP.HCM), có thể nói PGS.TS Đào Công Oánh - nguyên Trưởng khoa Tiết niệu B - đã trở thành chuyên gia đầu ngành về tiết niệu với nhiều kinh nghiệm và thành công trong cuộc đời thầy thuốc vẻ vang của mình.

PGS.TS Đào Công Oánh vẫn miệt mài cống hiến cho chuyên ngành tiết niệu

Ca mổ tạo hình bàng quang đầu tiên ở Việt Nam

Mặc dù đã nghỉ hưu từ 14 năm nay nhưng tại Khoa Tiết niệu B của BV Bình Dân, mọi người vẫn thấy hình ảnh người BS mái tóc pha sương dù tuổi đã cao nhưng vẫn bận rộn với việc cứu chữa bệnh nhân với một tinh thần của tuổi trẻ. Khi gặp được ông tôi mới hiểu được phần nào sức làm việc đầy năng lượng vì cách trò chuyện nhiệt tình và hứng khởi của vị BS già thường đem lại cho mọi người nhiều thiện cảm. Trước đó qua giới thiệu của BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học (BV Bình Dân TP.HCM) tôi đã biết đến những “chiến công thầm lặng” của một BS tay nghề cao về lĩnh vực nội tiết.

Y giới Việt Nam vẫn còn nhớ năm 1992 được coi là dấu mốc đáng nhớ tại Việt Nam về ca mổ đầu tiên đã thành công vang dội về phẫu thuật tạo hình bàng quang. Vinh dự đã dành cho BS Đào Công Oánh vì ông là người đầu tiên dày công nghiên cứu những bước đột phá mới mẻ về “sáng tạo” bàng quang mới và sau đó đã ứng dụng thành công ngoài sự mong đợi của đồng nghiệp. BS Oánh chia sẻ, trước đây những bệnh nhân bị ung thư bàng quang sau khi cắt bỏ phải đeo lủng lẳng cái bịch nước tiểu ở bên ngoài rất bất tiện và ảnh hưởng đến tâm lý suốt cuộc đời họ. Không những thế việc đi tiểu liên tục ở bên ngoài cái “chai” di động rất dễ biến chứng thận về sau. Mong muốn của mọi thầy thuốc không chỉ đem lại sự sống cho bệnh nhân mà còn giúp họ trở lại cuộc sống bình thường để hòa nhập với xã hội. Vì thế phải bằng mọi cách để mày mò, nghiên cứu tạo hình bàng quang cho các bệnh nhân ung thư bàng quang là nguyện vọng của người thầy thuốc chuyên khoa tiết niệu. BS Oánh trao đổi: “Có thể coi đây là bước đột phá vì ca mổ khó phức tạp nhất thường kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Đoạn ruột để chọn tạo hình dài từ 40 đến 60cm phải phù hợp với việc tạo bàng quang mới cũng là một thách thức. Cắt bỏ một cơ quan là một phẫu thuật nặng nề cho bệnh nhân nhưng nếu tạo hình thì gian nan gấp bội cho kíp mổ vì yêu cầu phải tỉ mỉ bởi nhiều thao tác chi tiết cần chính xác và đòi hỏi đức tính kiên trì nhẫn nại”. Thế nhưng tất cả mọi khó khăn đó BS Oánh và tập thể kíp mổ đều quyết tâm tìm cách vượt qua vì sự sống của người bệnh. Cũng theo BS Oánh, việc tái tạo bàng quang mới từ ruột chính bệnh nhân trước đây ở nước ngoài đã làm nhưng ở trong nước vẫn còn xa lạ.

An tâm với đội ngũ hậu duệ về tiết niệu

Tuy nhiên, trong thời điểm đó có biết bao nhiêu khó khăn mà đã có những ca ghép nối thành công về bàng quang là một bước tiến mới của y học Việt Nam nên rất đáng trân trọng. Tại BV Bình Dân hiện nay mỗi tuần có 1 ca được tạo hình bàng quang thì thời điểm đó mỗi tháng may mắn chỉ có một người nhưng cũng rất đáng tự hào và mãn nguyện. Mỗi lần nhìn thấy từng bệnh nhân khỏe mạnh không phải đeo túi nước khó chịu ở bên ngoài, BS Oánh như cũng vui lây và thấy lòng thanh thản. Không chỉ sức khỏe của họ được bình phục mà cách tái tạo này còn giúp bảo vệ thận một cách tốt nhất để họ tránh khỏi lưỡi hái tử thần về suy thận hay ung thư bàng quang cuối đời. 

Như có thêm nền tảng và động lực mới, tái tạo bàng quang trở thành đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thành công trong BV để vị BS trưởng khoa đi sâu vào địa hạt này để tiếp tục làm chuyên khoa 2 và nghiên cứu sinh. Bên cạnh những bài học lý thuyết, chính những kinh nghiệm hay từ tay nghề giỏi của vị BS tài đức đã giúp ông hoàn thành luận án tiến sĩ để có thêm nhiều cống hiến cho chuyên ngành. Đây là thời điểm tuổi tác cũng đã lớn nên ngoài những bài học bổ ích trong phòng mổ là những kiến thức phong phú từ bên ngoài mà ông tự nghiền ngẫm qua sách vở tài liệu. Cánh cửa tri thức lại mở rộng để ông bước tiếp thành công trên con đường nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư các bộ phận tiết niệu như thận, tuyến tiền liệt của nam giới.

Nay tuy tuổi đã cao nhưng BS Oánh thật sự an tâm vì đã có một đội ngũ hậu duệ là các BS trẻ vừa hồng vừa chuyên kế tục công việc của mình đã từng “khai sơn phá thạch” ở những năm cuối thế kỷ trước. Không chỉ giỏi về tạo hình bàng quang mà BV Bình Dân còn giỏi về mổ nội soi thay mổ hở, có những bước tiến đột phá về vi phẫu hiện đại và đi đầu trong việc phẫu thuật bằng robot các bệnh lý về nam khoa. Niềm vui của PGS.TS Đào Công Oánh như được nhân đôi khi trong nhà có thêm cậu con trai Đào Quang Minh cũng là BS trẻ đang công tác tại BV quận Thủ Đức đang nối gót đi theo “con đường” tiết niệu như ba mình.

Bài, ảnh: Ngọc Quang