Thứ hai, 26/7/2010, 16h07

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7: Hát mãi khúc quân hành

Bài 2:Những chặng đường gian nan

Thương binh Nguyễn Văn Quý dù thương tật 85% vẫn hăng hái làm việc ở tiệm sửa xe của gia đình

Nói tới chiến tranh, thế hệ trẻ ngày nay chỉ có thể hình dung qua những bài giảng trong sách vở, hay qua lời kể lại của người đi trước. Nhưng ít ai trong số đó biết được mức độ nghiệt ngã của nó ngoài những người trực tiếp tham gia chiến trận…
Muôn vàn khó khăn
Trong chiến tranh, thiếu quân trang, lương thực là điều mà các chiến sĩ thường gặp phải. Đại tá Huỳnh Công Hùng không quên trận lụt lớn nhất miền Đông Nam bộ vào năm 1952. “Hồi đó, thóc gạo để nuôi bộ đội thường được chôn dưới hầm đề phòng bọn Pháp phát hiện. Trận lụt kéo dài hơn một tháng đó đã khiến cho lúa gạo bị ngâm lâu ngày trương phình, bốc mùi hôi thối. Thế nhưng, bộ đội vẫn phải nấu những thứ gạo đó vì ngoài nó ra không còn bất cứ loại lương thực nào khác. Hơn một năm trời, quân ta phải ăn thứ gạo đó độn chung với rau, củ trong rừng. Quần áo vô cùng thiếu thốn, có những lúc chúng tôi phải cắt bao bố, làm thành quần đùi để mặc”, ông Hùng bùi ngùi nhớ lại.
Không riêng gì kháng chiến chống Pháp mà ngay cả những năm tháng đóng quân cầm cự giữa chốn núi rừng bao la, anh bộ đội thời kì chống Mỹ cũng chẳng may mắn hơn. Họ thường xuyên phải ăn cháo trắng kèm với rau rừng. Thậm chí không ít người nhường cả bát cháo duy nhất của mình cho đồng đội đang bị bệnh, bị thương nặng. Phần mình thì ăn rau, củ hái được trên rừng. “Tôi còn nhớ trận đói khi bị địch càn quét ở Móc Câu năm 1970 (thuộc 4 tỉnh Bình Long, Phước Long, Lôc Ninh, Dầu Tiếng ngày xưa). Lúc đó, địch huy động lực lượng quyết xóa sổ hoàn toàn chiến trường miền Đông Nam bộ, đốt toàn bộ kho lương thực của ta ở nơi ấy. Để bảo toàn lực lượng, quân ta buộc phải dạt sang đất bạn Campuchia. Hơn bốn tháng liền, mọi hướng chi viện lương thực bị cắt đứt, bộ đội ta phải lấy rau, trái cây, măng trong rừng ăn lót dạ, lấy muối trắng hòa cùng nước sôi để chấm. Không nói ra nhưng nhìn ai lúc ấy cũng như người bị sốt rét rừng lâu ngày, xanh như tàu lá chuối. Nhưng anh em luôn động viên nhau cố gắng vượt qua cơn hoạn nạn, thế nào rồi cũng được tiếp tế, chi viện. Cũng nhờ trận đó mà bộ đội Việt Nam thiết lập tình cảm biên giới với nước bạn Campuchia. Thỉnh thoảng, khi bộ đội mang quân trang vào trong các bản làng người Khmer đổi lương thực, đồng bào còn thương tình cho thêm gạo, muối”, ông Nguyễn Văn Quý bồi hồi nhớ lại.
Bên cạnh những trận đói, các chiến sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ bệnh dịch luôn hoành hành. Sốt rét là căn bệnh trở thành nỗi ám ảnh của những ai từng đóng quân, hành quân trong rừng. “Cơn sốt rét rừng thường bắt đầu từ cái lạnh run người. Lúc đó, người bệnh dù đắp bao nhiêu chăn vẫn cảm thấy lạnh. Hơn một tiếng sau lại chuyển sang nóng, nóng rồi lại lạnh. Với người bệnh nhẹ, cơn sốt thường kéo dài khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, trong khi người bị nặng có khi phải mất đến 5 tiếng mới dứt cơn. Có những lúc, đoàn quân có hơn một nửa người bị “dính”, người bị nhẹ vừa mang ba lô hơn 30kg đựng quân trang, quân dụng vừa cáng người bị nặng hơn. Trung bình mỗi người bị sốt rét phải uống 6 viên thuốc kí ninh một ngày, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ thuốc để uống. Có những lúc, anh em phải chia nhau từng viên thuốc hoặc nhường cho những người bị nặng hơn”, ông Quý rùng mình nhớ lại. Ông cũng là một trong số những người lính tham gia chiến trường mắc phải căn bệnh quái ác này.
Đối mặt với tử thần
Trong thời kì chiến tranh, đế quốc Mỹ thường sử dụng đội quân biệt kích để thăm dò, phát hiện hướng hành quân của bộ đội. “Chúng thường cài sẵn bom mìn trên đường hành quân của ta hoặc báo lại cho đội quân máy bay Mỹ bằng pháo sáng. Từ những “chốt” pháo sáng đó, Mỹ sẽ cho máy bay ném bom tọa độ vào một thời gian nhất định trong ngày. Cùng trên một chặng đường hành quân, nhưng đoàn quân chỉ cần chậm 5-10 phút là những người đi sau dễ dàng rơi vào tọa độ ném bom của địch. Có những lúc tốp đi trước tới trạm dừng chân, ngoảnh lại thấy tốp sau bị ném bom. Lại có những lần, đội quân được phép nghỉ ngơi một ngày để lấy lại sức. Một số anh em tranh thủ đi săn bắn, kiếm thêm lương thực cải thiện cho bữa ăn lại rơi vào ổ biệt kích thám báo của địch, hoặc vướng phải mìn được cài sẵn, vậy là mất tích, quân số cứ hao hụt dần”, ông Thân Quang Vinh kể lại trong sự xúc động. Nén lại cảm xúc của mình, ông kể tiếp “Cũng có khi, để vượt suối trong những ngày dông bão, lũ quét, bộ đội ta phải bám vào những sợi dây rừng được kéo từ bên kia suối qua do đoàn quân đi trước để lại. Khi ra đến giữa dòng, những sợi dây do được buộc sơ sài, lâu ngày, không chịu được sức nặng nên bị đứt. Người bám trên sợi dây đó rơi xuống giữa lúc dòng nước cuồn cuộn chảy, thác đá gập ghềnh. Đồng đội chỉ biết nhìn bạn mình chơi vơi giữa dòng, bị nước cuốn trôi ba hồi chìm, ba hồi nổi, rõ ràng thấy bạn mình chết mà không cách nào cứu được”.
Rời quân ngũ đã gần 25 năm, nhưng trong tâm trí của ông Dương Bá Hào, kí ức về cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Iêng Xari trên đất nước Campuchia vẫn vẹn nguyên như thuở nào. “Một ngày không biết được có bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu người nằm xuống. Đến ngay cả bước chân đi cũng phải để ý, giấc ngủ cũng phải chập chờn. Cứ hễ nghe tiếng súng, tiếng pháo từ xa, không ai bảo ai đều lăn mình từ trên võng xuống đất, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những lúc như thế, chúng tôi lại tự trấn an mình rằng: chiến tranh đòi hỏi phải có bản lĩnh của người cầm súng, cứ bình tĩnh, tự tin sẽ có ngày về”, ông Hào lặng mình nhớ lại.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Với những người từng tham gia chiến trận, không gì sợ bằng cái chết diễn ra ngay trước mắt mình. Có người vừa mới bước chân lên đường hành quân chưa được bao lâu đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi chốn rừng thiêng nước độc do đau ốm, bệnh tật hay vướng phải bom mìn.