Thứ sáu, 6/11/2015, 09h36

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Cải tiến đồng thời phần thi và xét tuyển

Thí sinh xem lại đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: N.Anh

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trong khâu kỹ thuật, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm tổng thể những gì mà kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ 2015 đã không lường trước được, làm sao cho kỳ thi năm 2016 gọn nhẹ, đảm bảo chất lượng hơn…

Đây có thể coi là một lời hứa của Bộ GD-ĐT không chỉ đối với các thí sinh và phụ huynh mà còn đối với cả xã hội, bởi những gì trải qua trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 thực sự khiến xã hội bức xúc.

Khách quan mà nói, kỳ thi THPT quốc gia 2015 là khá gọn nhẹ, tiết kiệm và hiệu quả, cho đến trước khi tiến hành xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, sự rườm rà, phức tạp, khó lường cũng như các vấn đề phát sinh không hay chủ yếu nằm ở khâu xét tuyển. Muốn kỳ thi THPT quốc gia 2016 gọn nhẹ hơn thì phải cải tiến đồng thời cả phần thi và phần xét tuyển, trong đó, phần xét tuyển phải có những tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của thí sinh và giúp các trường thuận lợi trong việc tiếp nhận cũng như xử lý hồ sơ. Ở phần thi, không nên chia thành 2 loại cụm thi như năm 2015 mà nên bỏ cụm thi địa phương các địa phương tiết kiệm kinh phí và có thêm thời gian phối hợp với các trường ĐH trong công tác tổ chức thi. Xét cho cùng, tổ chức loại cụm thi địa phương thì có thể chưa bảo đảm tính khách quan cũng như khó bảo đảm tính chuyên nghiệp. Do đó, nên để các trường ĐH (theo sự phân chia hợp lý của Bộ GD-ĐT) chủ trì việc tổ chức thi, các địa phương tham gia phối hợp thì sẽ bảo đảm an toàn, minh bạch hơn.

Ở phần xét tuyển, đây là phần quyết định đến sự gọn nhẹ hay không, có một số vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, xem xét rút ngắn thời gian tuyển sinh. Năm 2015, thời gian tuyển sinh kéo đến 4 đợt, trong đó đợt 1 chiếm 20 ngày là quá dài. Trên thực tế, vào đợt cuối, một số thí sinh có tâm lý phải vào ĐH bằng mọi giá cho dù ngành học, trường học đó không đúng như mong muốn, từ đây có thể khiến các em “chọn đại” rồi sau đó phải bỏ học sau 1-2 năm. Do đó, năm 2016 chỉ nên có 3 đợt tuyển sinh, mỗi đợt kéo dài khoảng 15 ngày.

Năm 2016 chỉ nên có 3 đợt tuyển sinh, mỗi đợt kéo dài khoảng 15 ngày.

Thứ hai, xem xét cho phép mỗi thí sinh được tối đa 3 nguyện vọng của cùng một trường ĐH. Năm 2015, mỗi thí sinh có đến 4 nguyện vọng vào cùng một trường là quá nhiều, khiến các em có tâm lý “rải nguyện vọng” để trượt nguyện vọng này còn nguyện vọng khác, cũng có thể khiến việc đăng ký không theo sở thích, khả năng, điều kiện cụ thể mà chủ yếu để được trúng tuyển. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, bởi có thể hướng nghiệp một đàng nhưng các em đăng ký nguyện vọng một nẻo. Có ý kiến đề nghị nên để thí sinh đăng ký nguyện vọng cùng lúc với đăng ký môn thi tốt nghiệp, tuy nhiên, cách này có thể gây khó khăn cho thí sinh, bởi khi đó các em chưa thực sự biết thế mạnh của mình là gì hoặc không có điểm số tốt nhất.

Thứ ba, phải tạo điều kiện để học sinh và giáo viên làm quen với các điểm mới. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ các điểm đổi mới trong việc tổ chức thi, xét tuyển và các vấn đề liên quan rồi công bố sớm để học sinh và giáo viên chuẩn bị. Các sở GD-ĐT nên tổ chức nhiều đợt thi thử để giáo viên, học sinh có điều kiện cọ xát, tiếp cận với những điểm mới của kỳ thi, qua đó sẽ giúp giáo viên, học sinh (cả phụ huynh) đỡ lúng túng khi vào kỳ thi chính thức.

Tóm lại, đã đề ra mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả từ kỳ thi chung năm 2015 thì kỳ thi năm 2016 phải thực sự gọn nhẹ để đạt yêu cầu đó. Do đó, cần tính toán kỹ quá trình tổ chức thi và xét tuyển, trong đó khâu xét tuyển cần có nhiều cải tiến mạnh mẽ. Dĩ nhiên, các cải tiến phải dựa trên yêu cầu đổi mới giáo dục thực sự chứ không phải là các thử nghiệm nhất thời!

Trúc Giang

Bộ GD-ĐT đừng “ôm” nhiều quá

Theo chúng tôi, Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn phân quyền cho các sở, các trường ĐH. Bộ GD-ĐT chỉ nên “điều hành” kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp cho thống nhất và công bằng trong phạm vi cả nước, còn công tác tuyển sinh nên để các trường tự chủ, tự quy định hình thức, điều kiện… theo quy định chung của bộ. Các sở GD-ĐT cũng nên được trao quyền nhiều hơn để phối hợp với các trường trong việc xét tuyển, công bố điểm… thay vì bộ “ôm” nhiều quá khiến trở nên quá tải không cần thiết.