Thứ ba, 24/11/2015, 22h33

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Được quyền chọn cụm thi

Thí sinh xem lại tài liệu sau buổi thi THPT quốc gia 2015 tại TP.HCM. Ảnh: N.Anh

Để kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức chặt chẽ và chất lượng cao hơn, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, xung quanh vấn đề này.

PV: Kỳ tuyển sinh 2015 có nhiều điểm mới, trong đó điểm mới rõ nét nhất là các nguyện vọng dành cho thí sinh. Vấn đề này tạo cho thí sinh nhiều cơ hội nhưng dư luận cũng cho rằng, đã có một tỷ lệ ảo rất khó lường khi 1 thí sinh có đến 4 nguyện vọng với 16 ngành để lựa chọn. ĐH Đà Nẵng đã “lọc” tỷ lệ ảo này thế nào, thưa ông?

- Theo quy định của việc đăng ký xét tuyển trong năm 2015, ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường duy nhất. Ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường đồng thời. Với quy định này, không có hiện tượng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Hiện tượng thí sinh ảo chỉ xảy ra ở các đợt xét tuyển bổ sung (do thí sinh được nộp vào nhiều trường đồng thời) hoặc ở các trường xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học tập THPT. Để thí sinh có thể tự xác định được khả năng trúng tuyển vào một trong các nguyện vọng đã đăng ký, quy chế tuyển sinh quy định các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký theo từng ngành và thứ tự nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào ngành. Thực hiện quy định này, ĐH Đà Nẵng đã cập nhật hằng ngày toàn bộ thông tin nói trên trên trang web tuyển sinh. Trong thời gian đăng ký xét tuyển, ĐH Đà Nẵng công bố điểm trúng tuyển tạm thời theo từng ngành. Nhờ vậy, thí sinh có thể căn cứ điểm trúng tuyển tạm thời này để quyết định chọn ngành, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển hoặc đổi ngành phù hợp kết quả thi của mình để có xác suất trúng tuyển vào các ngành đã lựa chọn lớn nhất. Với những thông tin đầy đủ đã công khai, hầu hết thí sinh biết được ngành sẽ trúng tuyển trước khi ĐH Đà Nẵng chính thức công bố kết quả xét tuyển.

Theo ông, có nên tổ chức lại việc đăng ký nguyện vọng hay không?

- Trong đợt xét tuyển vào ĐH, CĐ 2015, tình trạng rút - nộp hồ sơ gây biến động lớn ở tất cả các trường, các ngành (ngoại trừ các trường có ít thí sinh đăng ký dự thi) là do một số nguyên nhân: Thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng không giới hạn thời gian, số lần (trong đợt xét nguyện vọng 1); thông tin xét tuyển được cập nhật liên tục đã kích thích nhu cầu thay đổi nguyện vọng liên tục của thí sinh. Vì vậy, bên cạnh đa số thí sinh trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng của mình, nhiều thí sinh cảm thấy bị rớt ngành, rớt trường oan uổng vào những phút cuối.

Thiết nghĩ, cần tổ chức lại việc đăng ký nguyện vọng như sau: Chỉ tổ chức đăng ký nguyện vọng trực tuyến qua tài khoản đã cung cấp cho mỗi thí sinh. Các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận hệ thống mạng có thể đăng ký xét tuyển tại trường THPT. Sau khi đăng ký, thí sinh sẽ nhận được xác nhận từ hệ thống; thí sinh được quyền đăng ký nhiều hơn 4 ngành (năm 2015) vào cùng một trường hoặc các ngành ở nhiều trường khác nhau; hạn chế số lần thay đổi nguyện vọng, tốt nhất chỉ được thay đổi một lần; thí sinh có thể truy cập hệ thống dữ liệu chung để biết thông tin đăng ký xét tuyển vào từng ngành, từng trường chứ không phụ thuộc vào cách mỗi trường công bố; rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển.

Ông có thể cho biết Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm gì cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như quy định xét tuyển vào ĐH, CĐ 2016?

- Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên điều chỉnh ở một số nội dung sau: Chỉ nên tổ chức thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì; thí sinh được phép điều chỉnh môn đăng ký dự thi trong khoảng thời gian cho phép. Việc điều chỉnh do thí sinh thực hiện trực tiếp trên hệ thống; thí sinh được quyền lựa chọn cụm thi tại địa điểm phù hợp với nơi sinh sống. Bên cạnh đó cần rà soát lại chính sách ưu tiên theo đối tượng, ưu tiên theo khu vực. Cần có hệ thống bảng tra dữ liệu chung để khi điền đầy đủ các thông tin, thí sinh sẽ biết thuộc đối tượng ưu tiên nào.

Xin cám ơn ông!

Phan Vĩnh Yên (thực hiện)