Thứ năm, 12/11/2015, 22h07

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Không hợp lý khi dùng đề thi “1 cho 2”

Chúng ta không thể phủ nhận kỳ thi THPT quốc gia 2015 với mục tiêu “2 trong 1” đã mang lại nhiều tác động tích cực trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục. Tôi hoàn toàn đồng ý với phương thức thi THPT quốc gia 2016 giống kỳ thi 2015.

Tuy nhiên, theo tôi, thay đổi thứ nhất là những tỉnh đã có cụm thi do các trường ĐH đủ năng lực chủ trì thì không nên thành lập thêm cụm thi địa phương. Thực tế cho thấy rằng kết quả tốt nghiệp của các cụm địa phương quá cao vì học sinh chỉ có nguyện vọng tốt nghiệp, trong khi đó thực tế là các em có nguyện vọng thi tốt nghiệp phần lớn đều có học lực không cao. Nếu chúng ta chỉ dựa trên kết quả thi, thì thay vì 80% tốt nghiệp, có thể chỉ có khoảng 40% tốt nghiệp, dù kết quả thấp nhưng đánh giá đúng thực tế. Thứ hai, việc dùng một đề thi vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ như kỳ thi 2015 là chưa hợp lý, vì đề thi năm vừa qua, mốc điểm từ 1 đến 6 quá đơn giản cho tất cả các môn, cả phần bắt buộc và tự chọn. Như vậy, muốn có một kết quả vào ĐH có chất lượng, nên có đề thi có nhiều câu hỏi phân hóa cao hơn. Một thực tế khác cho thấy phần nào đó cách thức xét tốt nghiệp THPT lại có ảnh hưởng tiêu cực vì theo cách tính điểm xét tốt nghiệp này, có rất nhiều trường điểm trung bình lớp 12 của học sinh đều được nâng cao so với năm học trước (số liệu thấy được tại các phòng khảo thí của Sở GD-ĐT). Điều này dẫn đến một bộ phận học sinh không cố gắng trong học tập mà có tâm lý chờ đợi thầy cô nâng điểm, trong khi đó, tâm lý giáo viên dạy lớp 12 cũng muốn cho học sinh mình thi đậu nhiều… Có thể nói kết quả thi THPT quốc gia 2015 tuy có tác động đến việc dạy học của nhà trường trong việc chuẩn bị tâm thế, lên kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức nhưng chưa có tác động nhiều đến việc đổi mới phương pháp dạy học vì đề thi chưa có thay đổi so với các năm học trước về nội dung.

Vấn đề còn lại, mong Bộ GD-ĐT công bố sớm quyết định về quy chế thi để giáo viên và học sinh ổn định tâm lý dạy học, đạt kết quả cao hơn.

Nguyễn Thành Hảo

(Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng)