Chủ nhật, 8/11/2015, 09h23

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nên tổ chức thi vào đầu tháng 6

Trên quan điểm của một nhà quản lý, tôi ủng hộ phương án tiếp tục duy trì phương thức thi THPT quốc gia năm 2016 giống như kỳ thi 2015. Sự thay đổi liên tiếp các phương án thi không phải là một sự lựa chọn phù hợp, thậm chí nó còn gây sốc cho giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận cái mới quá nhanh, đột ngột.

Bất cứ một sự áp dụng mới nào cũng gặp phải ít nhiều hạn chế, vì vậy, trong năm tới, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần phát huy mặt đã làm được, kịp thời có những điều chỉnh nhằm hợp lý hơn về các mặt hạn chế để kỳ thi đạt hiệu quả, giảm áp lực không chỉ cho thí sinh mà cả phụ huynh.

Thứ nhất, về thời gian thi, thiết nghĩ nên bắt đầu kỳ thi ngay sau khi các em học sinh kết thúc chương trình học ở trường khoảng 1 tuần. Có thể tổ chức vào đầu tháng 6 thay vì vào đầu tháng 7 như kỳ thi vừa qua. Việc để học sinh có một khoảng thời gian nghỉ trước kỳ thi quá lâu sẽ khiến các em gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng về kiến thức cũng như tâm lý. Các vấn đề còn lại thuộc về khâu tổ chức là do sự chuẩn bị thấu đáo, vận hành nhanh của các đơn vị chủ trì cụm thi, chứ không ảnh hưởng gì.

Nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 1 tuần và mỗi thí sinh chỉ cần 2 nguyện vọng.

Thứ hai, nên chăng vẫn tổ chức hai cụm thi (cụm địa phương và cụm do trường ĐH đủ năng lực chủ trì) để giảm bớt áp lực cho học sinh đồng thời giảm chi phí đi lại không cần thiết với các thí sinh chỉ có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp. Vấn đề nữa là nên rút ngắn quy định xét tuyển nguyện vọng vào ĐH, CĐ. Cụ thể là nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 1 tuần và mỗi thí sinh chỉ cần 2 nguyện vọng, bởi nếu vẫn cứ duy trì 4 nguyện vọng với 16 ngành học thì sẽ dẫn đến tình trạng thí sinh bằng mọi giá nộp hồ sơ vào một ngành mình có thể đỗ ĐH chứ không phải là ngành mình yêu thích hoặc có khả năng học tốt được.

Thứ ba, trong quá trình xét tuyển, các trường ĐH, CĐ cũng như ngay tại các trường THPT cần có một phần mềm CNTT khoa học, hệ thống nhằm giải quyết vấn đề đăng ký nguyện vọng một cách nhanh nhất, chính xác và khoa học cho thí sinh, hạn chế tình trạng cả thí sinh lẫn phụ huynh tất bật chạy ngược chạy xuôi để nộp, rút hồ sơ gây tốn kém và bất an như năm vừa qua. Đơn cử như có nhiều trường hợp, đến giờ “G” nhưng cả thí sinh và phụ huynh vẫn rất hoang mang khi đã lỡ đăng ký nộp nguyện vọng 1 vào một trường ĐH khác, nhưng khi không đủ điểm, các em rút ra đi nộp vào trường khác thì gặp phải vấn đề hồ sơ đã rút nhưng thông tin trên hệ thống chưa xóa, gọi điện đến bộ phận thu nhận, nhập dữ liệu hồ sơ trường đó thì máy liên tục bận.

Kết quả thi THPT quốc gia năm 2015 cũng là dữ liệu tin cậy để hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá, định hướng cũng như điều chỉnh phương pháp dạy học, tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức chắc chắn cho các em. Để khắc phục những hạn chế, bất cập như kỳ thi vừa qua, chuẩn bị tâm thế cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi tới với kết quả cao, cũng như giúp phụ huynh có đầy đủ thông tin, ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm cần phân tích những tình huống cụ thể để thí sinh và phụ huynh không bị mơ hồ, hoang mang, lo lắng. Điều còn lại là chờ đợi vào quy chế mới chính thức càng sớm càng tốt để nhà trường và học sinh có sự chuẩn bị tâm thế, nhằm hướng đến một kỳ thi đạt kết quả cao hơn.

Trần Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng)