Thứ ba, 19/10/2010, 17h10

Lạc hậu phí bán trú: Trăm dâu đổ đầu... trò

Mức phí bán trú vài chục ngàn đồng mỗi tháng đã tồn tại 12 năm qua tại TPHCM. Sự lạc hậu này không thể đảm bảo chất lượng chăm sóc học sinh trong thời buổi giá cả tăng liên tục. Thầy và trường chịu khổ là chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng người lãnh hậu quả cuối cùng chính là học sinh bởi “tiền nào của nấy”.

Bữa ăn của trẻ teo tóp vì mức học phí quy định đã lạc hậu.
Phí gửi con rẻ hơn gửi xe máy!
Phí tổ chức và phục vụ bán trú từ năm 1998 đến nay vẫn giậm chân ở mức 25.000 - 30.000 đồng/tháng/học sinh, thêm học phí buổi thứ 2 khoảng 30.000 đồng/tháng/học sinh. Mỗi học sinh đi học bán trú sẽ trả phí tối đa là 60.000 đồng/tháng, vậy bình quân mỗi ngày phụ huynh chỉ mất 2.000 đồng gửi con ở lớp bán trú, rẻ hơn một lần gửi xe gắn máy ở trung tâm TP! Trong khi đó, khoản tiền ít ỏi này dùng để trả lương cho giáo viên dạy bán trú và bộ phận phục vụ như bảo mẫu, cấp dưỡng, lao công…
Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1, làm một phép tính: “Với mỗi lớp bán trú chừng 45 em, số tiền thu được là 1.350.000 đồng/tháng và nếu phải trả lương cho 1 bảo mẫu và 1/3 cấp dưỡng (theo quy định 3 lớp/cấp dưỡng), mỗi người được chừng 1 triệu đồng mà phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều rất vất vả. Thu nhập còn kém xa người giúp việc ở gia đình chỉ thuần lao động chân tay không cần trình độ trong khi muốn làm phục vụ bán trú phải ít nhất tốt nghiệp THPT”.
Bài toán kinh tế eo hẹp khiến các bảo mẫu, cấp dưỡng thường xuyên bỏ nghề. Mỗi đầu năm học, các trường lại phải tất tả tìm bảo mẫu mới về đào tạo gấp rút để kịp đảm đương công việc. Nhưng cái khó đó không chỉ là chuyện của các trường mà người thụ hưởng trực tiếp chính là học trò. Theo ThS Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, mức phí quá thấp không đủ đảm bảo những điều kiện thiết yếu để dạy và chăm sóc trẻ an toàn. Học sinh học 2 buổi đã trải qua 2/3 ngày ở trường, chất lượng cuộc sống của trẻ không đơn thuần chỉ có ăn mà còn phụ thuộc vào cô giáo, bảo mẫu, trang thiết bị… Thiếu một yếu tố cũng ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy.
Đã vậy, tổ chức càng nhiều lớp bán trú, nhà trường càng thêm vất vả và chịu lỗ. Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) phải gánh trên 90% học sinh học bán trú. Nhu cầu rất lớn trong khi điều kiện cơ sở vật chất của trường lại có giới hạn. Phòng học “3 trong 1”, vừa là phòng học, phòng ăn kiêm phòng ngủ. Để đảm bảo đủ điều kiện dạy và chăm sóc học sinh, trường phải cải tạo từng bước trong khi mức thu cơ sở vật chất cho bán trú chỉ dừng lại ở mức 80.000 - 100.000 đồng/năm. Với số tiền quá thấp, học sinh phải ngủ chiếu, ăn ở hành lang là chuyện bình thường...
Hoạt động bán trú dựa trên sự thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh. Nhưng việc thỏa thuận theo kiểu xin – cho là con dao 2 lưỡi khiến ban giám hiệu các trường phải tránh xa. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 lý giải: Khảo sát đầu năm học, hơn 90% phụ huynh đều đồng tình hỗ trợ thêm các cô phục vụ bán trú để chăm sóc các cháu tốt hơn nhưng nhà trường vẫn còn phân vân. Lỡ 100 người chịu mà 1 người không thì khó tránh khỏi mang tiếng. “Ở những khu vực dân nhập cư đông thì xã hội hóa tăng thu là chuyện khó. Giải pháp này kém hiệu quả vì phải phụ thuộc vào lòng hảo tâm của phụ huynh. Chúng tôi cần một cách làm căn cơ và công khai, nhất là quy định rõ ràng hợp lý. Cần thay đổi mức phí bán trú đã lạc hậu nhiều năm nay và khoản tiền ăn đã không thể kham nổi trong thời bão giá” - cô Phạm Thị Bạch Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, đề xuất.
Học sinh gánh phần thiệt
Dường như ngành giáo dục đang tự làm khó mình khi quy định mức trần tiền ăn bán trú không quá 20.000 đồng/ngày. Thầy Trần Mậu Minh chỉ ra nghịch lý: Rất nhiều phụ huynh có nhu cầu đóng tiền ăn nhiều hơn để cung cấp thêm dinh dưỡng cho học sinh nhưng gặp phải trở ngại là mức trần quy định tối đa 20.000 đồng/ngày. Thử hỏi, với mức sống hiện nay tại TPHCM, 20.000 đồng phải lo cho 2 bữa ăn trưa và xế thì đáp ứng được lượng dinh dưỡng theo quy định đã là mừng, khó tính đến chuyện chất lượng cao cấp.
Lắng nghe nỗi lòng của một phụ huynh ở Bình Thạnh trước bữa ăn của đứa con trai học lớp 6: “Nhìn vào phần cơm trưa của con mà thấy xót ruột. Vài miếng thịt kho nghèo nàn, thêm một tô canh toàn những nước, ít rau dền băm nhỏ và thỉnh thoảng bắt gặp 1 mảnh thịt tôm lạc giữa “đại dương” mênh mông…”. Thực đơn “mềm” có khi thêm được quả chuối, miếng dưa là toàn bộ khẩu phần bữa ăn trưa ở lớp học bán trú. Và vị phụ huynh này thắc mắc: “Bữa ăn nghèo nàn như thế có liệu đảm bảo cho trẻ đủ no, đủ năng lượng để học hay không? Đó là chưa kể đến chuyện ngon dở hay chất lượng bữa ăn”.
Một cô giáo chia sẻ, tiền ăn tối đa là 20.000 đồng/ngày đã được quy định từ 3 năm nay và nó chỉ đáp ứng nguồn năng lượng 900 - 1.200 kcalo/ngày/học sinh cách đây… 3 năm. Dẫn chứng cụ thể, vào thời điểm đó, bình gas 12kg giá chừng 160.000 đồng nhưng giờ đã hơn 200.000 đồng, chưa kể mọi thứ đều tăng giá vùn vụt. Tiền chợ thường xuyên bội chi buộc cấp dưỡng phải cố gắng bóp hầu bao cho vừa giá. Với một số trường đặt suất ăn công nghiệp thì bữa ăn của học sinh còn bị teo tóp vì những khoản chi phí khác.
Nhiều năm qua, đứng trước thực tế nói trên, nhiều trường đã đề xuất với các cấp quản lý điều chỉnh mức thu hợp lý hơn nhưng các nhà quản lý, với phương châm… nghiêm túc thực hiện nguyên tắc nên đã lắc đầu “không biết, không nghe, không thấy”. Các trường đành quay lại kêu gọi phụ huynh cùng chia sẻ những khó khăn để đảm bảo dinh dưỡng và điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của trẻ dù biết đó là giải pháp chẳng đặng đừng. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con học bán trú lại cho rằng, họ chấp nhận những khoản thu được quy định hợp lý để đảm bảo chất lượng học tập, dinh dưỡng cho con em hơn là thụ hưởng một chất lượng giá rẻ. Hơn nữa, sự thỏa thuận đôi khi lại nảy sinh tiêu cực.

Tiêu Hà / SGGP