Thứ năm, 3/12/2009, 09h12

Lắc vòng có bị sa tử cung?

Một số bạn đọc nữ gửi thư về toà soạn biết về việc các bạn không dám tập thể dục bằng phương pháp lắc vòng, vì nghe có người nói “con gái lắc vòng về sau sẽ có một số tác hại như sa dạ con (tử cung), khó sinh... (?)”.

Tử cung được bảo vệ chắc chắn
Về khía cạnh này, bác sĩ Dương Phương Mai - Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM) cho biết như sau: tử cung là một cơ quan sinh dục nữ nằm trong tiểu khung, dưới phúc mạc, phía trước có bàng quang, và phía sau có trực tràng. Tử cung được giữ chắc chắn trong tiểu khung là nhờ các tổ chức bám chắc từ tử cung đến các bộ phận xung quanh, các dây chằng như dây chằng tròn, dây chằng rộng, dây chằng tử cung cùng giúp cho tử cung không bị tuột ra khi đứng. Ngoài ra tử cung còn được nâng đỡ bởi các cơ đáy chậu.
Mô hình tử cung (bên trong, dưới bàn tay)
được giữ chắc chắn bởi các bộ phận xung quanh  - Ảnh: T.Tùng
Lắc vòng có ảnh hưởng?
Ở người phụ nữ sinh nhiều lần, liên tục, trọng lượng thai nhi quá to khiến khi sinh phải rặn nhiều, hoặc phải can thiệp bằng thủ thuật khi giúp sinh làm cho các bó cơ đáy chậu bị tổn thương không nâng đỡ được chắc chắn tử cung thì sẽ có hiện tượng sa dạ con (sa tử cung), hoặc sa bàng quang, trực tràng...
Còn việc tập thể dục bằng phương pháp lắc vòng sẽ giúp chị em có được vòng hai săn chắc, tiêu bớt mỡ thừa khi bị tăng cân, hoặc sau khi sinh đẻ, cải thiện tình trạng các cơ bụng bị chảy xệ, bị chùng da sau khi sinh... Phương pháp lắc vòng không ảnh hưởng gì đến tình trạng sa tử cung, hay gây sinh khó như một số bạn gái lầm tưởng “rỉ tai” nhau.
Tuy nhiên, việc lắc vòng cần có thời gian tăng từ vòng nhỏ lên vòng lớn, không nên quá nóng vội, tập thời gian kéo dài, hay vòng quá nặng sẽ làm tổn thương đến lớp cơ mỡ thành bụng...
Thanh Tùng/TNO