Thứ sáu, 17/11/2017, 18h30

Làm anh ở trường nghề

Nghề giáo đã vất vả, giáo viên dạy nghề lại vất vả hơn, nhất là dạy các em vừa tốt nghiệp THCS xuất thân từ những hoàn cảnh khá đặc biệt.

Thầy Nguyễn Duy Xuyên hướng dẫn học sinh tiếp cận thiết bị lạnh

Xem học sinh chưa ngoan là đối tác

Với học sinh chưa ngoan, thầy Nguyễn Duy Xuyên (Khoa Kỹ thuật lạnh, Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) không liệt kê vào danh sách “đối tượng” mà xem là đối tác, bởi như thế mới có thể giáo dục các em hiệu quả.

Thầy Xuyên chia sẻ: Được làm nghề giáo với tôi là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Là giáo viên, chúng tôi nhận thức rằng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn. Nghề giáo không đơn giản là dạy chữ, dạy nghề mà còn dạy người. Các em còn rất trẻ, cả một tương lai phía trước cần lắm những người thầy có tâm, có đức và là một tấm gương sáng về học tập, lao động, sáng tạo.

Học sinh trường nghề vừa rời ghế phổ thông, hay vì hoàn cảnh nào đó phải sớm học nghề ngay sau tốt nghiệp THCS nên còn bỡ ngỡ, lạ lẫm lắm. Ngoài giờ học, các em còn làm thêm từ giữ xe, bảo vệ, bốc vác… may mắn thì phụ việc cho nghề mà mình đang theo học. Vì phải bươn chải mưu sinh nên các em thường xuyên đi học trễ, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thầy nhớ lại: “Tìm hiểu mới biết một nhóm có 3 em đang khuân vác cá thuê ở chợ Bình Điền lấy tiền đóng học phí. Việc làm thêm kiếm tiền để đi học là bình thường nhưng tôi lặng người vì các em còn nhỏ, sức khỏe không đảm bảo”.

Với tôi, biện pháp mạnh không phải là cách giải quyết tốt mà phối hợp giữa nhà trường và gia đình để cùng quản lý các em. Không xem các em là “đối tượng” mà xem là “đối tác” phối hợp mềm mỏng nhẹ nhàng mà kiên quyết. (thầy Nguyễn Duy Xuyên)

Được biết, thầy Xuyên từng là giáo viên chủ nhiệm các lớp học nghề hệ 3 năm (tốt nghiệp THCS), việc quản lý và dạy dỗ học sinh không đơn giản. Vào vai người anh, thầy Xuyên lắng nghe chia sẻ, tâm tư của các em và tự nhủ mình không được phép quên trách nhiệm của một người thầy trên lớp và là người anh trong gia đình. Mỗi giờ lên lớp, từ ngoài cửa, học trò đã đồng thanh “đại ca” tới và nghiêm nghị chào với sự kính trọng tuyệt đối. “Không ít học sinh chưa ngoan nhưng chỉ sau một thời gian gần gũi, nhẹ nhàng chỉ bảo, suy nghĩ và hành động các em thay đổi tích cực. Tôi thật sự xúc động khi nhận được thư tay của một học sinh trong ngày tốt nghiệp cũng là ngày Nhà giáo Việt Nam. Vui vì trò đã vượt qua mọi cám dỗ, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi”, thầy Xuyên nhớ lại.

Bên cạnh những học sinh ngoan, nỗ lực học tập vượt qua nghịch cảnh, còn một bộ phận các em còn ham chơi, việc giáo dục không dễ dàng. Ở tuổi ấy, các em đang muốn chứng tỏ, muốn làm những gì mà người khác cho mình là người lớn. “Bản thân phải gương mẫu về giờ giấc, tác phong, lời nói, cử chỉ, thái độ… để các em thấy rằng thầy có khó tính nhưng đằng sau đó là tình thương vô bờ”, thầy đúc kết.

Thầy Xuyên nhắn nhủ: Học là nhiệm vụ suốt đời, các bạn trẻ hãy học ngay khi có thể, học mọi lúc mọi nơi. Hành trang vào đời chính là những gì các bạn góp nhặt được trên hành trình tìm kiếm tri thức. Hành trình càng lắm chông gai thì thành công mới rực rỡ, là “liều thuốc” thử thách bản lĩnh. Trân trọng kiến thức, kỹ năng chuyên môn có được hôm nay, đồng thời liên tục trau dồi, lao động sáng tạo và khát khao vươn lên, không tự mãn.

Thầy Lê Minh Bằng (bìa phải) trong giờ dạy thực hành

Từ trường nghề ra thế giới

“Không thể quên ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của thầy khi tôi báo tin vui trong học tập và công việc. Cũng từ đó, tôi muốn nghe những câu: “em đã thành công” từ học trò của mình”.

Thầy Lê Minh Bằng, hiện công tác tại Khoa Cơ khí, Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương tâm sự như vậy. Để đền đáp công ơn thầy cô đã dạy dỗ, tôi đã quyết tâm theo đuổi nghề nhà giáo, tiếp bước thầy cô dìu dắt các em.

Thầy Bằng kể lại: “Không trúng tuyển Đại học ở mùa tuyển sinh năm 2004 và quyết định đi làm để tự lo cho bản thân. Sau thời gian làm công nhân vận hành tại một doanh nghiệp, tôi nhận thấy cần trang bị cho mình một cái nghề để có thể bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị và đồng thời có thu nhập cao hơn. Nghĩ là làm, năm 2006 tôi nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Cơ điện tử Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương”.

Thầy Lê Minh Bằng (thứ hai từ phải qua) tại kỳ thi tay nghề ASEAN tổ chức ở Malaysia năm 2016

Sau 2 năm học tập cùng với sự giúp đỡ, giảng dạy tận tình của thầy cô, thầy Bằng tự tin tham gia các hội thi tay nghề. Để không phụ lòng mong mỏi của quý thầy cô và nhà trường, thầy đã nỗ lực rèn luyện và giành giải nhất hội thi tay nghề trẻ cấp thành phố; cấp Quốc gia và trở thành thành viên của đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam tham gia hội thi tay nghề ASEAN tại Malaysia vào tháng 11-2008.

Với thành tích huy chương đồng tại hội thi tay nghề ASEAN lần này, thầy Bằng được xét tuyển vào khối K, ngành Kỹ thuật điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thời gian này, thầy được huấn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi Tay nghề thế giới tại Canada vào 9-2009 và vinh dự nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc. Lúc bấy giờ, Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương tạo điều kiện ở lại giảng dạy và huấn luyện cho học sinh tham gia các hội thi tay nghề và tiếp tục học ĐH.

Xuất phát điểm là học sinh trường nghề, thầy Lê Minh Bằng đã gặt hái những thành tích nhất định. Song với thầy, kết quả lớn nhất mà thầy đạt được chính là đã tạo tâm lý thoải mái trong học tập, rèn luyện và đặc biệt là truyền cho thế hệ trẻ cảm hứng và niềm đam mê nghề. Có được kết quả này, theo thầy Bằng chính là nhờ sự gần gũi, lòng yêu thương, cảm thông và sẻ chia của người thầy, người anh và là người cha trong gia đình.

Thầy Bằng cũng là một trong số ít giáo viên nghề tham gia khóa đào tạo 12 nghề trọng điểm quốc tế tại Úc để giảng dạy chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế tại trường. Được biết, thầy từng được chọn làm trưởng tiểu ban giám khảo nghề tự động hóa công nghiệp, chuyên gia kỹ thuật, giám khảo, chuyên gia trực tiếp huấn luyện tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, cấp quốc gia… các năm 2014, 2016.

“Trong quá trình học tập và rèn luyện, chúng ta cần thật sự nghiêm túc tiếp thu những kiến thức được giáo viên truyền đạt, bản thân không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề. Có sự đam mê với ngành nghề mà mình đang theo học thì chắc chắn các bạn sẽ có một con đường tiến thân, lập nghiệp bền vững”, thầy Bằng gửi gắm.

Trần Anh