Thứ tư, 26/9/2012, 14h09

Lạm dụng bài giảng điện tử

Khi bài giảng điện tử (BGĐT) sử dụng chương trình Powerpoint được triển khai, nó làm thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên (GV), tạo được sự hấp dẫn cho học sinh (HS) qua bài dạy của thầy cô. Những ưu điểm của BGĐT ai cũng đã rõ. Thế nhưng, qua một thời gian thực hiện, không phải BGĐT nào cũng mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy. Dễ dàng nhận thấy nhất là các tiết dạy môn tiếng Việt có sử dụng BGĐT.
Ở một tiết tập đọc, phần đọc mẫu, thay vì GV đọc thật thì đã được thu sẵn, cài vào chương trình, giọng đọc phát ra từ máy trên nền hình ảnh mô tả nội dung bài tập đọc. Trong khi đó GV chỉ đứng như “bức tượng vô hồn”, bởi nếu GV đọc trực tiếp, cảm xúc truyền tải của bài không chỉ biểu hiện qua giọng đọc mà còn qua ánh mắt, gương mặt, cử chỉ… của thầy cô. Lúc ấy, HS vừa nghe đọc, vừa theo dõi trang sách và thỉnh thoảng ngước nhìn thầy cô để cảm nhận cảm xúc từ thầy truyền sang trò. Phần tìm hiểu bài, GV nhấn phím cho câu hỏi hiện ra, HS trả lời, GV nhận xét, rồi nhấn phím cho câu trả lời hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp hiện lên trên màn hình… Dự tiết dạy tập đọc như thế, cảm nhận của nhiều thầy cô là GV đứng lớp chỉ là “thợ dạy” vì công việc chủ yếu chỉ là nhấn phím rất nhẹ nhàng.
Ở phân môn luyện từ và câu, với dạng bài “Đặt câu với từ vừa tìm” chẳng hạn, HS đặt câu, GV nhận xét rồi nhấn phím, hàng loạt câu chuẩn xác do GV làm sẵn xuất hiện trên màn hình để các em xem. Nếu so với dạy bằng bảng đen, phấn trắng thì sử dụng BGĐT như thế không đạt hiệu quả. Bởi nếu dạy bình thường, HS đặt câu, sau khi nhận xét, nếu câu sai hoặc chưa hay, các em tự sửa chữa lại hoặc HS khác sửa chữa giúp bạn. Khi ấy, những câu hoàn thiện đúng yêu cầu, GV ghi bảng, HS sẽ ghi nhớ kĩ hơn vì đó chính là câu mình làm, mình sửa.
BGĐT ở phân môn tập làm văn càng đáng nói hơn, ở tiết lập dàn ý, thực tế mỗi HS có sự quan sát, có cách dùng từ, diễn đạt… khác nhau vì thế GV phải dựa vào từng ý của các em để sửa chữa, bổ sung và chốt ý hay từ ý của chính các em. Với BGĐT, khi chốt ý, dàn ý của GV đã được lập sẵn trình chiếu làm cho HS có suy nghĩ là ý của mình, từ ngữ của mình chưa hay, không đúng… cần phải theo các ý trên màn hình.
Ngay cả trong môn khoa học, nhiều thí nghiệm đơn giản, GV có thể thực hiện hay cho HS thí nghiệm theo nhóm tại lớp thì thí nghiệm ấy thực hiện trên màn hình với lời thuyết minh minh họa của GV. Thí nghiệm như thế chỉ hơn dạy thí nghiệm khoa học bằng tranh vẽ ỡ chỗ là màn hình động. Tại sao không cho HS nhìn thấy thí nghiệm thực tế từ GV làm hay tự bản thân các em làm? Như thế HS sẽ thích thú hơn, yêu khoa học hơn.
Một lần, sau khi dự giờ một GV, tôi đã nói thẳng rằng BGĐT hôm nay không đạt hiệu quả cao bằng các tiết dạy bình thường của cô mà tôi đã từng dự. GV này trả lời là cô cũng tự nhận thấy như vậy nhưng nếu không dạy như thế, cô sợ ban giám hiệu, thanh tra viên, đồng nghiệp… đánh giá là không ứng dụng CNTT trong giảng dạy như chủ trương hiện nay.
Thực tế, những hiệu ứng chữ bay, chữ chạy, chữ ẩn, chữ hiện; trò chơi ô chữ, trúc xanh... của BGĐT hiện không còn lạ lẫm với HS như thời gian đầu. Sự hấp dẫn, gây thích thú học tập về hình thức đối với HS đã không còn. Vậy việc thực hiện BGĐT chỉ nên sử dụng khi cần thiết thì mới tạo được hiệu quả cao trong dạy và học. Không phải bài nào, tiết nào cũng dạy bằng giáo án điện tử, và có nhất thiết sử dụng Powerpoit trong tất cả các phần của tiết dạy? Phải chăng chúng ta đang quá lạm dụng BGĐT.
Lê Phương Trí