Thứ ba, 21/3/2017, 22h09

Lạm dụng tai nghe coi chừng bị điếc

Hiện nay headphone (tai nghe) được coi là công cụ trợ lực cho việc nghe nhạc, nghe điện thoại, thu âm rất tiện lợi. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nếu dùng headphone không đúng cách và quá lạm dụng thì người sử dụng gặp không ít rắc rối về thính lực trong đó có cả điếc vĩnh viễn.

Không nên lạm dụng headphone quá nhiều để tránh bị rắc rối về thính lực (ảnh minh họa)

Vật bất ly thân

Thời công nghệ hiện đại vào tận mỗi gia đình nên bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng tai nghe như một lá bùa hộ mệnh để mở to volume khi nghe nhạc, coi phim hoặc học bài. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc và phim ảnh công nghệ tăng nên bất cứ chỗ nào cũng gặp cảnh các bạn trẻ đeo headphone một cách điệu nghệ để nghe nhạc dù đang đi trên đường hoặc ngồi hóng mát trong công viên. Trên giảng đường tại các trung tâm ngoại ngữ có nhiều SV dùng headphone để nghe bài giảng. Vào phòng thu âm cũng dễ thấy các ca sĩ luyện giọng cũng nhờ đến headphone trợ giúp. Có thể nói gắn tai nghe vào người đã trở thành mốt thời thượng cho những ai luôn coi dụng cụ này là vật bất ly thân.

Bạn Mai Văn Thỏa - SV Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM cũng đã sắm cho mình một chiếc headphone để phục vụ việc học. Thời gian đầu, công cụ hiện đại này đã giúp Thỏa học bài, nghe nhạc có hiệu quả hơn khi giải trí. Tuy nhiên, sang năm thứ 3 việc dùng headphone đã bắt đầu có “phản ứng phụ” khi chàng trai mới 20 tuổi luôn cảm thấy ù tai, nhức đầu và mệt mỏi. Trong một lần đi khám sức khỏe, Thỏa mới biết mình đã bị giảm thính lực mà theo BS headphone vừa là người bạn tốt bụng nhưng đồng thời cũng chính là “thủ phạm” gây ra hậu quả này.

Giảm “tuổi thọ” thính lực

Huân Vinh - một ca sĩ ở Q.3 cho biết: “Dù có biết tác hại lâu dài của việc dùng headphone nhưng do công việc thu âm nên tôi thường xuyên dùng mỗi ngày. Chính vì thế bây giờ tai cũng bị ảnh hưởng dù chưa bị điếc nhưng nghe không rõ hơn trước đây”. Theo chàng ca sĩ 30 tuổi này, do có thói quen mở volume lớn khi thu âm nên bây giờ rất khó tiếp cận với những âm thanh nhỏ. Thế nhưng lâu ngày quen với âm thanh càng to thì càng ảnh hưởng đến tuổi thọ của 2 lỗ tai.

Headphone không chỉ là “kẻ sát thủ” ngầm của những thanh niên lớn tuổi mà còn tìm cách tấn công vào đối tượng học trò mê chơi game điện tử. Cũng vì ghiền headphone ở mọi nơi mọi lúc mà nhiều game thủ áo trắng vào lớp chểnh mảng, nghe không rõ lời thầy cô giảng bài, chép bài sai nhiều lỗi chính tả, tiếp thu chậm. Thính lực bị ảnh hưởng nên nói chuyện lớn tiếng thì các em mới nghe được. Nếu trước đây, tình trạng lão thính chỉ có ở người lớn tuổi thì nay đang được trẻ hóa một cách nhanh chóng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Tại các phòng khám tai mũi họng của các BV trong TP, các bệnh nhi đến khám tai càng đông do liên quan đến việc lạm dụng headphone thiếu sự kiểm soát của cha mẹ. Nếu không phát hiện sớm và có cách cai nghiện headphone kịp thời thì con đường dẫn đến điếc trẻ chắc chắn được rút ngắn khoảng cách.

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Khoa Tai mũi họng - BV Quốc tế Thành Đô (Q.Bình Tân, TP.HCM) khuyên, nên nghe nhạc, nghe giảng bằng loa ngoài, nếu cần dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn. Không nên nghe trong môi trường quá ồn ào vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn. Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì làm cho viêm tai dễ tái phát. Chỉ nên đeo tai nghe khoảng dưới 2 giờ/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe bằng tai nghe khi ngủ. Khi thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đi đến các BV lớn có chuyên khoa tai mũi họng với các trang thiết bị đo thính lực để khám và hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Theo BS Đỗ Hồng Giang, Khoa Thính học BV Tai Mũi Họng TP.HCM, trong cấu trúc tai người, tế bào lông rất dễ bị tổn thương nếu chịu tác động bởi âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Trong lúc đó tế bào lông ở tai trong là bộ phận quan trọng nhất để nhận, truyền tín hiệu âm thanh vào não. Việc thường xuyên nghe nhạc, chơi game... với cường độ âm thanh dồn dập rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương. Đáng báo động hơn, do não bị tác động mạnh về lâu dài còn dẫn đến rối loạn thần kinh như suy nhược tế bào thần kinh tai trong, chấn thương âm thanh cấp tính, giảm thính lực. Bệnh nhân lúc đó không chỉ suy nhược, trầm cảm, mất ngủ mà còn có thể điếc vĩnh cửu.

Thông thường, tai người có thể tiếp nhận được cường độ âm thanh tối đa 90 dB (decibel). Nếu có tác động âm thanh lớn đột ngột từ 120 dB đến 140 dB thì tai có thể bị điếc ngay lập tức. Một khảo sát của BV Tai Mũi Họng TW cách đây chưa lâu cho thấy trong số bệnh nhân bị điếc đột ngột có hơn 40% là thanh niên (tuổi từ 16 đến 30). Theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ điếc sớm, nên kiểm soát thói quen nghe headphone. Âm lượng khi nghe headphone nên điều chỉnh nhỏ hơn 2/3 mức cho phép, tức khoảng 60-70 dB. Nếu nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) sẽ làm tổn thương ốc tai.

Bài, ảnh: Quang Phan