Thứ năm, 12/11/2015, 22h37

Lạm dụng thuốc kháng sinh: Nguy hiểm khó lường!

Lạm dụng kháng sinh sẽ gây lờn thuốc

Chỉ cần “kê đơn” bằng miệng không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh vẫn có thể mua đủ các loại thuốc kháng sinh ở bất kỳ nhà thuốc nào.

Thuốc kháng sinh - mua là có

Khi bệnh tật kéo dài gây ra các triệu chứng nặng hơn, người bệnh không thể tự chữa trị ở nhà mà phải vào trạm y tế, bệnh viện thăm khám và mua thuốc theo chỉ định của y bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta đang có tình trạng bệnh nhân tự ý đi mua thuốc để tự điều trị tại nhà mà không cần có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa chị T. ngụ ở P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thường bị viêm họng, khó nuốt và ho kéo dài. Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng chị T. rất ít khi vào Bệnh viện Gia Định xin cấp thuốc mà tự ý chạy ra tiệm thuốc bên hông chợ Bình Lợi hoặc dọc phố mua vài liều về uống. Không chỉ đối với người lớn mà ngay cả với hai đứa con của chị dù đang dưới 10 tuổi nhưng khi bị viêm phế quản, sổ mũi nhức đầu một chút cũng được cha mẹ cho uống thuốc mua sẵn ngoài mấy tiệm thuốc tây vừa nhanh gọn vừa tiện lợi. Thế nhưng, theo cảnh báo của ngành y tế, việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi và lạm dụng đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trong đó có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh do bị “lờn” thuốc. Nhiều người vẫn có cách nghĩ sai lầm là thuốc kháng sinh chữa được trăm thứ bệnh, nhức đầu sổ mũi viêm họng cứ uống vài viên trụ sinh là sẽ khỏi. Thế nhưng, hậu quả sau đó như đề kháng thuốc, phản ứng mẫn cảm, suy thận, suy tủy... thì không thể nào lường được. 

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh không chỉ có nguyên nhân từ phía người bệnh thiếu kiến thức y tế mà còn có lý do từ phía các nhà thuốc “tiếp tay” cho họ. Điều này tưởng như vô lý nhưng thực tế lại xảy ra như vậy. Mặc dù không có toa thuốc chỉ định của bác sĩ trong tay nhưng vào ngày 10-11 khi chúng tôi đến nhà thuốc tây P. trên đường Lê Đức Thọ, P.17 hỏi mua thêm thuốc kháng sinh Amoxicilin để điều trị viêm họng mạn thì vẫn được đáp ứng đầy đủ. Trước đó tại nhà thuốc tây B. trên quốc lộ 13 thuộc P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức khi khách hàng hỏi mua thuốc chữa trị mụn nhọt thì được người bán hàng giới thiệu một số loại thuốc mỡ bôi và kháng sinh toàn thân như: Penicilin M, Roxithromycin viên 150mg, Acid fucidic viên 250mg... Mặc dù không có “toa” của bệnh viện nhưng việc mua bán thuốc ngoài “chợ trời” như hiện nay không quá khó khăn. Rõ ràng nhân viên nhà thuốc không phải không biết tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh mà do “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và quan trọng hơn là lợi nhuận khi kinh doanh mà đã bỏ qua tất cả các quy định của ngành. Có thể thấy, mua thuốc kháng sinh cũng dễ như mua rau không cần phải có điều kiện gì cả, ngoài điều kiện là phải có tiền. Vì thế, việc uống thuốc này tùy tiện đã đến mức báo động do “mạnh ai nấy dùng”.

“Con dao hai lưỡi”

Có thể thấy, mua thuốc kháng sinh cũng dễ như mua rau không cần phải có điều kiện gì cả, ngoài điều kiện là phải có tiền. Vì thế, việc uống thuốc này tùy tiện đã đến mức báo động do “mạnh ai nấy dùng”.

Tại các quầy thuốc, ngay cả chính người bán sau khi nghe bệnh nhân kể sơ triệu chứng bệnh cũng chưa kịp xác định chính xác loại vi khuẩn nào hay dùng kháng sinh nào cho thích hợp, nhưng do sợ khách hàng phải chờ đợi lâu và tên thuốc đã được “mặc định” trước nên họ đành đáp ứng đúng nhu cầu theo kiểu mua hàng tự chọn. Đây là điều hết sức nguy hại nhưng vẫn diễn ra bình thường vì đã thành thói quen trong kinh doanh.

Có tác dụng diệt trực tiếp và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn nhưng do uống liên tục và uống quá nhiều thì thuốc kháng sinh sẽ mất dần tác dụng do vi khuẩn quay đầu “đánh” trả  lại. Đến lúc đó bệnh nhân sẽ bị nhiễm khuẩn nên càng khó cứu chữa hơn do không đáp ứng được kháng sinh đặc hiệu. BS Nguyễn Anh Cường - Bệnh viện Nhân dân Gia Định khuyên: “Khi dùng kháng sinh, bệnh nhân cần có sự chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không chỉ đủ liều mà phải đúng thời gian mới có hiệu quả và không quên theo dõi kịp thời tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn. Có như vậy mới giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và bệnh tật mới chữa trị khỏi”. Cũng theo bác sĩ Cường, dùng kháng sinh để chữa các bệnh không cần đến thuốc kháng sinh sẽ gây lãng phí và gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh vì làm lu mờ các triệu chứng bệnh. Nguy hại hơn dùng kháng sinh nhiều và ở liều cao dễ có khả năng suy tủy (chloramphenicol), suy thận và điếc (streptomycine, kanamycine). Dị ứng penicillin có thể gây mẩn đỏ nếu sau đó bị sốc phản vệ thì có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng. Lúc đó, bệnh nhân không chỉ đầu hàng với bệnh tật mà còn tự mình lao vào chỗ chết do thiếu hiểu biết. Cẩn tắc vô ưu, chúng ta phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh có thể coi là “con dao hai lưỡi” để chữa bệnh. Có như vậy mới hạn chế và ngăn chặn được những hậu quả ngoài ý muốn.

Bài, ảnh: Quang Phan

Trước tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đến mức báo động, từ năm 2001 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” nhằm ngăn chặn việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Gần đây hơn, năm 2015 WHO lại tiếp tục công bố báo cáo, trong đó nhấn mạnh việc các quốc gia cần tăng cường kế hoạch hành động để chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh.