Thứ ba, 26/7/2016, 21h28

Làm gì khi trẻ chậm nói?

Sắm vai trong những câu chuyện cũng là cách kích thích trẻ giao tiếp và biết diễn đạt ý tưởng của mình với người khác

Đây là vấn đề được chú trọng tại Hội thảo tập huấn công tác giáo dục hòa nhập trong trường mầm non do Ban Chỉ đạo giáo dục khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức ngày 26 và 27-7. Tại đây, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1) lưu ý có đến 5% trẻ trong tuổi đi học mắc chứng chậm nói, với các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận và diễn đạt (hiểu khó khăn điều người khác nói, diễn đạt khó khăn ý nghĩ của bản thân), không phù hợp với mốc phát triển ngôn ngữ theo tuổi thật (13-18 tháng không nói được từ đơn, 15 tháng tuổi không nói được 15 từ, 18 tháng không biết gọi “ba” hay “mẹ”, 25 tháng không có ít nhất 25 từ…), trả lời không đúng nội dung câu hỏi của người đối diện, dùng cử điệu thay cho lời nói, ngôn ngữ thể hiện không phù hợp với ngữ cảnh… Bên cạnh các biểu hiện trên, khi ở trường trẻ tự cô lập, không kết bạn thuận lợi, bị bắt nạt. Ngoài ra, kết quả học tập cũng bị giảm sút vì hạn chế từ vựng và văn phạm, không thể diễn đạt ý tưởng khi viết cũng như khi nói.

Theo bác sĩ Trang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng chậm nói ở trẻ, như rối loạn ngôn ngữ, khiếm thính, chậm phát triển, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ… Do đó, khi thấy trẻ có các biểu hiện chậm nói, giáo viên cần thông báo với phụ huynh về tình trạng trên để sớm đưa trẻ đến với những dịch vụ can thiệp sớm ở các trung tâm, phòng khám, bệnh viện nhằm có những chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Mặt khác, nhà trường và gia đình cũng cần có sự phối hợp trong quá trình hỗ trợ giúp trẻ khắc phục. Chẳng hạn như giúp trẻ luyện phát âm, tập nói (từ đơn, từ ghép, câu 2 đến 3 từ…), tập diễn đạt (nói câu đơn giản, câu phức tạp, biết đặt câu hỏi…), tập cho trẻ vận động thô và vận động tinh qua các trò chơi, kích thích giao tiếp với trẻ trong những bữa cơm gia đình hoặc cho trẻ sắm vai trong những câu chuyện kể…

Bài, ảnh: Bích Vân