Thứ ba, 4/7/2017, 20h53

Làm giàu từ nuôi cá lồng

Đang là một kỹ sư xây dựng có việc làm ổn định ở thành phố, Lê Văn Công rời bỏ con đường đã chọn, trở về quê để nuôi cá lồng bên cửa biển. Hai năm ròng chinh phục từng trở ngại, chàng trai miệt biển này đã chứng minh, khi có quyết tâm thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Lê Văn Công mạnh dạn với mô hình nuôi cá lồng bên cửa biển 

1.Về khu phố 4, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) hỏi Lê Văn Công, không ai là không biết. Trong câu chuyện của người đưa đường, Công là một chàng trai dám nghĩ, dám làm, thậm chí còn khá… liều! Công nói: “Người ta nghĩ cũng đúng, vì cách đây 2 năm về trước, con sông Thạch Hãn chảy ngang qua làng rồi đổ trực tiếp ra cửa biển, chỉ có những con tàu đánh cá neo bờ sau mỗi chuyến vươn khơi. Chuyện nuôi cá lồng trên sông chưa hề có”. 6 năm trước, rời giảng đường Trường CĐ GTVT Đà Nẵng, chàng kỹ sư trẻ giàu nhiệt huyết nhanh chóng tìm được một công việc khá ổn định ở một công ty xây dựng tại Đà Nẵng với thu nhập trên dưới chục triệu đồng. “2 năm làm việc ở vị trí kỹ thuật kể ra cũng không đến nỗi vất vả nhưng bản thân em cảm thấy không thoải mái. Những ngày đó em thường nghĩ về quê mình, nghĩ đến một công việc khác có thể tự làm giàu mà không phải tha hương làm thuê. Em nhớ đến con sông chảy ngang trước mặt nhà với tiềm năng lớn chưa được sử dụng. Nghĩ đến vấn nạn thực phẩm bẩn tiềm ẩn đâu đó trong đời sống hàng ngày. Với khát khao làm được điều gì đó cho bản thân, góp chút ít công sức nhỏ bé của mình vì người tiêu dùng thế là em nảy ra ý tưởng về để nuôi cá lồng trên sông”.

Công sinh ra từ làng biển, thuở nhỏ từng theo cha trên những chuyến đò ra sông đánh cá nhưng sau nhiều năm lên phố trở về, chèo chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi cũng phải học lại từ đầu. Việc nuôi cá lại càng khó hơn. Nhiều đêm trăn trở, Công ôm áo nhảy xe đò vào Nha Trang. “Lên xe, bác tài xế hỏi đi đâu, em chỉ biết trả lời là cháu đi Nha Trang. 3 giờ sáng nhà xe bảo đến nơi rồi, em ôm ba lô áo quần xuống đường phố vắng tanh. Đợi mãi mới thấy vài bóng người đi tập thể dục. Mừng hơn bắt được vàng, em bắt chuyện làm quen. Tờ mờ sáng em thấy một quán bún mở cửa, chuẩn bị nhóm lò, chần chừ một lúc rồi đánh bạo hỏi thăm và cùng làm bếp với cô chủ quán. Xong bữa sáng, em sang ngồi ở quán cà phê. Ở đó may mắn gặp một chủ tiệm bánh bao từng có thời trai trẻ xông pha nên chú rất cởi mở, giới thiệu cho em đến học nuôi cá lồng ở vịnh Vân Phong”. Cơ duyên tình cờ đó đã gắn bó Công với nghề. Theo học cách nuôi cá ở đó được hai tuần, Công vẫn chưa chắc chắn mình chọn nghề vì bao nhiêu khó khăn trước mắt chưa được chuẩn bị kỹ về tinh thần để vượt qua. Công lại về quê để… suy nghĩ tiếp! Rồi mọi khó khăn dần được Công tìm câu trả lời. Công tiếp tục trở lại Nha Trang rồi sau đó đi các nơi khác như Huế, Vũng Tàu để học hỏi, chắt lọc thêm kinh nghiệm cho phù hợp. Suốt 8 tháng trời như thế.

2.Đầu năm 2016, Công trở về quê, gom góp hết chút vốn liếng dành dụm được, vay mượn thêm bạn bè đầu tư 250 triệu đồng để nuôi 5.000 con cá vược. “Ngày đầu bắt tay vào cũng khó khăn lắm. Khi xin cấp phép diện tích mặt nước hay làm thủ tục vay ngân hàng, em đều nhận được cái lắc đầu vì lâu nay chưa ai thành công với mô hình cá lồng ở miệt biển này. Xin được phép rồi, em gom góp hết chút vốn liếng dành dụm được, vay mượn thêm bạn bè đầu tư 250 triệu đồng, đi mua lưới, phao và 5.000 con cá vược. Thời gian đầu gần như không ngày nào trọn giấc ngủ ngon”, Công kể.

Mỗi ngày, Công dậy từ sáng sớm, ra tận cảng chọn từng mớ cá tươi về làm thức ăn cho cá nuôi. 7 tháng trời thấp thỏm, đối mặt với tình trạng cá rớt giá do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra nhưng không chán nản, Công thu lại vốn và lãi được một ít. Thành công đó, đầu năm 2017, Công lại mạnh dạn nới rộng diện tích lồng, thả 1 vạn con cá vược và cá hồng. “Cá đã được 5 tháng rồi, tầm tháng 9 là thu hoạch. Trung bình mỗi con từ 8 lạng đến 1kg, với giá 120 ngàn đồng/kg, tạm tính lãi khoảng trên dưới 200 triệu đồng”. Công chia sẻ, nuôi cá lồng không khó nhưng phải kỹ lưỡng trong khâu chọn thức ăn phải tươi sạch, nguồn nước cá sinh sống đảm bảo không ô nhiễm. Bên cạnh đó cần tạo ra những âm thanh quen thuộc mỗi khi cho cá ăn để tạo sự thân thiện, không khiến cá hoảng sợ làm chậm tiến trình phát triển.

3.Không dừng lại ở việc nuôi cá, Công vẫn luôn đau đáu với đầu ra cho nguồn hải sản của mình. Công nói: “Muốn phát triển, không gì quan trọng hơn mức độ ưu tiên của người tiêu dùng. Hải sản sạch mình đã làm ra rồi, cái cần là sự ủng hộ của người tiêu dùng thông minh để đầu ra ổn định”.

28 tuổi đời, Lê Văn Công đã khẳng định được sự lựa chọn nghề nghiệp của mình bằng công việc mà theo công không chỉ có khả năng làm giàu thông minh mà còn mang tính nhân bản, giúp người tiêu dùng tránh được hậu quả thực phẩm bẩn. Công bảo, đấy cũng là một cách làm từ thiện khi em góp một chút công sức mình vì sức khỏe người tiêu dùng!

Bài, ảnh: Hàn Giang