Thứ năm, 29/9/2016, 20h29

Lạm thu và niềm tin bị xói mòn

Cứ vào mỗi đầu năm học thì nhiều nơi lại rộ lên tình trạng lạm thu trong nhà trường. Truyền thông tiếp tục phản ánh sự bức xúc của các phụ huynh.

Trước sức ép của dư luận, năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản quy định tăng cường công tác quản lý thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục (GD). Văn bản quy định 6 loại phí và hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thu chi 6 loại phí đó, gồm: học phí; những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS (như áo quần đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu HS...); những khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS (tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống...); bảo hiểm y tế; phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS (trong đó có nói rõ, không sử dụng phí này để hỗ trợ các hoạt động dạy học và GD, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường); đóng góp tự nguyện cho nhà trường.

Nhưng tình trạng lạm thu tạm lắng xuống để rồi năm sau lại bùng lên với mức độ không hề giảm. Tình trạng lạm thu không còn là vấn đề của nội bộ ngành GD mà trở thành vấn đề xã hội. Còn nhớ vào tháng 10-2015, thời điểm năm học mới vừa bắt đầu cũng là thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội năm đó. Vấn đề lạm thu trở thành vấn đề nóng. Đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng lạm thu trong các cơ sở GD dưới hình thức “đóng góp tự nguyện” của hội cha mẹ HS, gây bức xúc, khó khăn cho người dân.

Những cuộc tranh luận nảy lửa của các đại biểu Quốc hội rồi cũng qua đi và tình hình lạm thu lại vẫn rộ lên chỗ này chỗ kia từ đầu năm học 2016-2017 này. “Con bệnh” lạm thu trong nhà trường hầu như không thể trị dứt. Những người quan tâm theo dõi tình hình GD trong nhiều năm qua chắc có lẽ cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng vì sao tình hình lạm thu chưa chấm dứt?

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy các khoản thu trong nhà trường bao gồm 3 khoản: các khoản bắt buộc (như học phí, lệ phí thi…), các khoản thỏa thuận (như phí phục vụ bán trú, học buổi thứ 2…) và các khoản thu tự nguyện (như quỹ cha mẹ HS...). Trong đó, rắc rối nhất là các khoản thu tự nguyện. Chỉ cần vào Google gõ từ “khoản thu tự nguyện” sẽ hiện ra hàng loạt khoản thu thoạt nghe đã thấy buồn cười, tự hỏi sao mà người ta sáng tạo ra lắm chữ nghĩa thế. Chẳng hạn như “tiền tự học”, “chi phí câu lạc bộ”, “tiền trông trưa”, “tiền khăn ướt”… Phụ huynh nào không bức xúc mới là lạ!

Thật ra, tình trạng lạm thu xảy ra ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống chứ không phải là “độc quyền” của ngành GD. Chẳng hạn, lạm thu phí ở các chợ, chung cư; việc đẻ ra các loại phí, quỹ ở cấp phường, xã… Tuy nhiên, ở các nơi này khi bị phát hiện thì chính quyền các cấp làm khá mạnh tay. Dư luận cũng lên án mạnh mẽ, rằng cần phải dẹp ngay tình trạng nhũng nhiễu người dân, vì nếu không có thể dẫn tới cả hệ thống bắt tay cho tham nhũng trong tương lai.   

Trong khi đó, tuy cùng có bản chất giống nhau nhưng trong khu vực nhà trường người ta không cho lạm thu là một hình thức nhũng nhiễu, một bước đệm của tham nhũng mà cho là một hiện tượng xã hội nên việc xử lý có phần du di. Bằng chứng là từ trước đến nay ít có lãnh đạo trường nào bị xử lý vì lạm thu.

Có lẽ đã đến lúc nhìn nhận lại vấn đề lạm thu trong nhà trường một cách nghiêm túc. Vì một khi lòng tin của phụ huynh vào nhà trường bị xói mòn thì họ sẽ tìm một con đường đi khác cho sự phát triển của con em họ, như du học chẳng hạn. Thiệt hại mà ngành GD nói riêng và đất nước nói chung hứng chịu sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tận thu hôm nay.

Từ Nguyên Thạch