Thứ ba, 6/12/2016, 21h50

Làn gió mới từ thị trường sách nấu ăn

Được đầu tư nghiêm túc từ nội dung đến hình thức, những cuốn sách nấu ăn (cookbook) của các đầu bếp tên tuổi đã làm phong phú thêm thị trường sách hiện nay.

Độc giả tìm mua sách nấu ăn tại đường sách Nguyễn Văn Bình

Chinh phục độc giả

Dạo một vòng quanh các nhà sách, không khó để nhận ra dòng sách về nấu ăn có một vị trí nhất định trên kệ sách. Nhiều cuốn sách nấu ăn đã chinh phục độc giả bởi hình thức bắt mắt và nội dung lôi cuốn.

Những ai quan tâm đến dòng sách này không còn xa lạ với tên tuổi của những tác giả cũng là người nổi tiếng từ các chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực. Những nhân vật “2 trong 1” ấy có thể kể đến như top 3 Vua đầu bếp Việt Nam 2013 Phan Thắng Thái Hòa, top 3 Vua đầu bếp mùa thứ 2 - Đoàn Thị Thu Thủy, Christine Hà - nữ đầu bếp khiếm thị lên ngôi Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ ba hay Nguyễn Bảo Anh Thư - “công chúa bánh ngọt” cũng trưởng thành từ cuộc thi Vua đầu bếp mùa đầu tiên… Gần đây, siêu đầu bếp Alain Nghĩa cũng đã gửi gắm rất nhiều yêu thương và kỳ vọng dành cho ẩm thực Việt trong buổi giới thiệu sách Ngày mai cưng ăn gì? trong buổi ra mắt sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

Những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực giúp cho nhiều đầu bếp tài năng có cơ hội được thể hiện mình và góp phần làm phong phú, đa dạng thêm ẩm thực Việt. Dù không giành ngôi quán quân nhưng ngay sau chương trình Vua đầu bếp nhưng Thái Hòa vẫn nhận được nhiều lời đề nghị viết sách. Ngẫu hứng vào bếpNgẫu hứng nướng của Thái Hòa được sự đón nhận của độc giả bởi triết lý của chị là tận dụng những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm để sáng tạo ra những món ăn ngẫu hứng, dễ làm nhưng không kém phần ngon miệng.

Với Cô Ba và hành trình món Việt, top 3 Vua đầu bếp mùa thứ 2 - Đoàn Thị Thu Thủy lại cho người đọc cảm nhận nét văn hóa, con người và cả những hương vị thân thuộc ở nhiều nơi, được chắt lọc thể hiện qua những món ăn tưởng như quen mà lạ. Cuốn sách được ra đời sau một năm chuẩn bị và thực hiện với những hình ảnh đẹp của các vùng miền trải dài từ Nam ra Bắc, cùng công thức các món ăn đặc trưng của những nơi chị đã đi qua.

Có thể thấy, chủ đề trong những cuốn sách này cũng khá đa dạng, từ những món ăn truyền thống cho đến món ăn Âu, Á, bánh ngọt hay những đồ uống, đồ nhậu… đều được các tác giả đưa vào trang sách. Thậm chí, cuốn sách Những mùa Wagashi của tác giả Phương Nguyễn là cuốn sách về Wagashi bằng tiếng Việt lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam. Wagashi là kiệt tác của bánh ngọt Nhật Bản. Wagashi được dùng với các lễ trà trong năm, tùy mùa mà loại Wagashi cũng khác biệt. Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản không thể trọn vẹn nếu thiếu Wagashi. Chính sự phong phú của dòng sách ẩm thực này đã tạo nên một điểm sáng cho thị trường sách hiện nay.

Giá thành còn cao

Nhiều cuốn sách về ẩm thực được thiết kế đẹp mắt từ trang bìa cho đến hình ảnh chụp lại cách bài trí từng món ăn thật sự cuốn hút, khơi gợi niềm đam mê bếp núc cho người xem. Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều đầu bếp được biết đến với lượng người theo dõi khá cao. Đây cũng chính là một trong những thuận lợi để khi họ ra mắt sách sẽ có một lượng độc giả cố định. Bakingfun - Hành trình bếp bánh (Vũ Ánh Nguyệt), No-baked, Mật mã yêu thương - Vị yêu (Phan Anh - Esheep) là những cuốn sách đã được tái bản được viết nên bởi các tác giả nổi tiếng về tài ẩm thực trên các trang mạng xã hội.

So với các dòng sách như ngôn tình, sách kỹ năng..., dòng sách nấu ăn tại Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển nhưng sức hút trong thời gian qua đã cho thấy những cuốn sách dạy nấu ăn đang tăng lên nhanh chóng theo từng năm.

Giá thành của nhiều cuốn sách nấu ăn hiện nay lại khá cao so với mặt bằng chung của thị trường sách. Đây cũng chính là một trong những rào cản để dòng sách này được phổ biến đến độc giả.

Điểm nhấn của dòng sách này làm độc giả thích thú chính là những công thức mới và hấp dẫn, những mẹo bếp từ những đầu bếp họ ngưỡng mộ. Không chỉ đơn thuần là ẩm thực, độc giả còn tìm thấy những câu chuyện nhỏ về cuộc sống, về tình yêu được gửi gắm qua những cuốn sách ẩm thực. Alain Nghĩa đã không hướng cuốn sách của mình theo một trường phái hay khoa giáo nào, mà đơn giản, những công thức món ăn mà anh mang đến ai cũng có thể làm được, chỉ cần có tình yêu. Theo Alain Nghĩa, “Đối với tôi, cảm xúc nó sẽ thăng hoa cao nhất, ấy là khi biết được người thân thương của mình họ thích và muốn ăn cái gì, thì mình dựa trên cái đó để chế biến ra món ăn theo sở thích của họ”.

Tuy nhiên, giá thành của nhiều cuốn sách nấu ăn hiện nay lại khá cao so với mặt bằng chung của thị trường sách. Đây cũng chính là một trong những rào cản để dòng sách này được phổ biến đến độc giả. Nguyên nhân của việc dẫn đến giá thành cao cũng là điều dễ hiểu bởi để làm nên một cuốn sách ẩm thực đòi hỏi nhiều công đoạn từ việc tác giả phải soạn công thức, thực hiện món, chụp hình… cho tới khâu biên tập, thiết kế, in ấn, chế bản… Một “cơn sốt” nhè nhẹ của những cuốn sách ẩm thực cho thấy dẫu “đắt xắt ra miếng” nhưng dòng sách này đã chiếm được cảm tình của một lượng độc giả nhất định.

Bài, ảnh: Yên Hà