Thứ năm, 16/2/2017, 21h40

Lan tỏa tình yêu sách

Những đôi mắt rạng ngời hướng về phía cô giáo, thi thoảng những tiếng trầm trồ cất lên khi nghe tên một cuốn sách hay. Dường như với những cô cậu học trò vùng đất nghèo Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị), niềm đam mê đọc sách vẫn âm ỉ cháy trong muôn vàn thiếu thốn…

Cô Lê Nam Linh đang giới thiệu sách tại Trường THCS Triệu Sơn

Hào hứng với sách

Giữa giờ học buổi chiều ở Trường THCS Triệu Sơn, khi tiếng trống hết tiết vang lên, từ các lớp học, học sinh ùa ra sân nhanh như ong vỡ tổ. “Hôm nay trường mình được tặng sách”, câu nói đầy niềm vui lan tỏa đến từng bạn, ai cũng nhanh chóng lấy ghế xếp hàng ngay ngắn giữa sân trường. Tất cả lặng im khi cô giáo Lê Nam Linh - người truyền lửa niềm đam mê văn hóa đọc, thành viên chương trình ủng hộ sách hóa nông thôn Quảng Trị - bước ra với những cuốn sách trên tay cùng lời giới thiệu cuốn hút. Điểm qua những đầu sách kinh điển từng đi vào tiềm thức bao thế hệ học trò như Không gia đình, Bông hồng vàng và Bình minh mưa, Túp lều bác Tôm…, cô Linh dừng lại ở quyển sách còn nguyên mùi giấy mới, mang tên Oska và bà hoa hồng, một cuốn sách kể về 12 ngày cuối cùng trong cuộc đời của một cậu bé bị bệnh máu trắng với niềm tin yêu mãnh liệt dành cho cuộc sống, sự lạc quan cho dù ngay cả khi cậu lâm bệnh nặng. Sân trường như lặng đi khi lời giới thiệu vừa dứt. Nguyễn Đăng Nhật Ánh (học sinh lớp 8) bộc bạch: “Em rất thích đọc sách, dù thư viện nhà trường không có nhiều sách. Hôm nay em rất vui vì nhà trường được chương trình Sách hóa nông thôn tặng hàng trăm đầu sách quý cho chúng em có thêm cơ hội để đọc sách”.

Thầy Phan Ngọc Vũ (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết Triệu Sơn là một vùng đất hiếu học nên tinh thần đọc sách ở các thế hệ học sinh luôn được nêu cao. Tuy vậy, tủ sách của nhà trường chưa được phong phú, chủ yếu là sách phục vụ dạy học. Được chương trình Sách hóa nông thôn tặng hàng trăm đầu sách, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng rất vui. Văn hóa đọc sách là mấu chốt cần thiết hỗ trợ cho việc rèn nết người, trau dồi nhân cách, tâm hồn.

Đổi sách lấy cơm cho học sinh

Cô Lê Nam Linh (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị) có một tình yêu sách đặc biệt. Trong chuỗi hành trình 16 điểm trường trên địa bàn tỉnh được nhận hàng ngàn đầu sách từ chương trình Sách hóa nông thôn, cô đóng góp một phần không nhỏ. Cô Linh rất cẩn trọng trong từng đầu sách đến tay học sinh. “Sách phải gần học sinh nhất nhưng đồng thời đó phải là cuốn sách đáng đọc nhất”, cô nói. Trước kế hoạch tặng sách cho mỗi điểm trường, cô đều bỏ thời gian đọc sách để tự mình kiểm định chất lượng, chọn đầu sách, rồi chọn cả tác giả dịch sách, nơi cung cấp sách cô mới an tâm đưa về lớp cho học sinh. Trước mỗi buổi tặng sách, cô đều dành thời gian giới thiệu, khơi gợi niềm yêu sách trong học sinh.

Những cô cậu học trò mê mẩn với sách được tặng 

Vừa kêu gọi các cựu học sinh thành đạt tặng sách cho thế hệ học sinh mới, cô Linh vừa tìm kiếm những đầu sách quý trong tủ sách ở nhà mình rồi rao bán trên facebook. Khi bắt gặp những dòng chữ giới thiệu mong muốn bán cuốn sách Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức để đổi lấy phiếu cơm cho học sinh, chính nhà văn này đã liên lạc để tặng thêm một bộ sách của ông gồm 5 cuốn có kèm chữ ký tặng để cô Linh có thể hỗ trợ thêm nhiều học sinh nghèo khác. Cô Linh nói: “Hạnh phúc nhất của người giáo viên là được nhìn thấy học sinh của mình no ấm để được đến trường”.

Còn nhớ hôm đầu tiên, khi cô xuất hiện cùng hai phiếu cơm (mỗi phiếu trị giá 136 bữa cơm miễn phí tại căng tin nhà trường) không chỉ hai cậu học sinh nghèo Nguyễn Đình Tráng Kiệt và Bùi Tiến Dũng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) rơm rớm nước mắt mà đông đảo học sinh, nhân viên cùng ăn trưa hôm đó đều xúc động.

Chia sẻ về dự định của mình, cô Linh bộc bạch: “Cùng với hành trình lan tỏa tình yêu sách, đưa sách hóa nông thôn đến gần nhất với học sinh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tôi mong muốn chương trình bán sách ủng hộ học sinh nghèo được nhiều mạnh thường quân quan tâm để ngày có càng nhiều hơn các em học trò nghèo được tiếp sức đến trường”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên