Thứ năm, 17/4/2014, 22h04

Làng gà “tiến vua”

Chị Thu Lý và chú gà trống “khổng lồ”
Cái tên làng Lạc Thổ hay còn gọi làng Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm bên cạnh dòng sông Đuống thơ mộng mang nghĩa là Đất Vui. Hàng trăm năm trước, giống gà khổng lồ thịt ngon đặc biệt của làng chỉ dùng để dâng lên các bậc vua chúa. 
Chạm mặt gà “vua”
Vừa đến đầu làng, chúng tôi đã nghe tiếng gà gáy vang. Tiếng gáy thật hùng dũng như mời gọi khiến người nghe phấn chấn tinh thần hẳn lên. Ô kìa! Trên bờ tường gạch, một chú gà trống cao lớn dễ đến hơn sáu kí lô, bàn chân to bè rất dị thường, màu lông đỏ tía rực rỡ đang ngửa cổ gáy trông hết sức uy nghi.
Vẻ tự hào, chị Thu Lý (con gái ông Nguyễn Đăng Chung, Hội trưởng Hội Bảo tồn Gà Hồ ở làng Hồ) - người dẫn đường cho chúng tôi - khoe chú gà trống đầu đàn này đã từng mấy lần giật giải cao trong các hội thi của làng. Chị cho biết: Gà làng Hồ hơn nhau bởi vóc dáng đẹp khác thường chứ tính trọng lượng thì trong làng còn nhiều con nặng hơn nhiều. Ông Nguyễn Đăng Chung kể: Trong làng từng có những con gà làng Hồ trên chục kí lô có thể đứng dưới đất vươn cổ mổ thóc trên cối xay cao cả thước.
Muốn nuôi “thúc” một chú gà Hồ để đạt trọng lượng trên chục kí lô cũng không khó nhưng dáng gà sẽ không đẹp và thịt cũng không săn chắc, chỉ mang ý nghĩa kinh tế.
Không ai biết giống gà này xuất hiện khi nào, chỉ biết gà làng Hồ luôn gắn liền với tranh dân gian Đông Hồ từ lâu lắm rồi. Theo các cụ trong làng, ngày xưa sau Tết (tháng hai âm lịch) dân làng thường tổ chức các hội thi để chọn ra cặp gà to và đẹp mã nhất mang về kinh thành tiến vua thưởng lãm. Nhà nào nuôi được cặp gà này sẽ nhận nhiều đặc ân vua ban và rất hãnh diện với xóm làng.
Các hội thi ngày trước gọi là “gà chín” (gà luộc sẵn) rồi mang ra đình làng để các bô lão nhiều kinh nghiệm chấm điểm. Ông Nguyễn Đăng Chung cho biết: Giật giải tuy phần thưởng không cao nhưng vinh dự cho thôn xóm lắm nên các làng “ém” gà trong nhà rất kĩ, chỉ đến khi mở mâm ra mới biết trọng lượng, vóc dáng chú “gà chín” đẹp mã và ngon lành ra sao.
Trải qua những thăng trầm của chiến tranh, giống gà làng Hồ bị lai tạp rất nhiều, nhất là sau mấy trận dịch cúm gia cầm, suýt nữa giống gà đẹp đẽ này hoàn toàn biến mất.
Mang danh “vương quốc gà tiến vua” nhưng hiện tại cả làng chỉ mới khôi phục lại được khoảng vài trăm con nên mọi người trong làng quyết định bảo tồn bằng cách chuyển sang thi gà dáng đẹp do các bô lão đưa ra tiêu chí.
Em Lan Anh (một học sinh THCS ở thị trấn Hồ) tiết lộ: Mỗi lần tới hội thi, ông bà, con cháu trong làng ôm gà đi thi tưng bừng rộn rã như tranh tài ở các cuộc thi… nhan sắc.
Tuyển chọn như thi… hoa hậu
Một chú gà trống muốn giật giải phải đạt đủ các tiêu chuẩn vô cùng gian nan. Gà càng to càng “oách”, dưới năm kí lô thì xin mời mang về nhà nuôi tiếp. Đầu gà phải là đầu gộc (xù xì như gộc tre), màu xích (chim xích hai bên cánh có lông màu đỏ) hoặc màu nụ (hoa). Mã lông màu mận chín hoặc đen tuyền, chân phải cao, ngực nở, đuôi xòe đều… Riêng gà mái thì phải có mã lông màu đất thó (như đất sét) hoặc màu nhãn chín, dáng săn chắc bảo đảm mắn đẻ…
Ông Chung tiết lộ: Nuôi được chú gà “tiến vua” thuần chủng trưởng thành đã khó, tìm ra được một cặp trống mái như ý để tranh tài “hoa hậu” khó bội phần. Ấy vậy mà cả làng này từ người già đến con nít đều say mê chăm chút từng chú gà Hồ xem đó như là niềm vui bậc nhất ở làng này.
Để có được bốn bộ gà trưởng thành (mỗi bộ bốn mái, một trống) mấy chục con được xem là đông đảo nhất làng hiện nay, ông Chung cùng các con cháu phải thay nhau theo dõi chăm chút chúng “trên từng cây số”. Muốn tạo ra chú gà “đúng chuẩn” người nuôi phải dùng thóc ngon, trong nhà phải “thủ” các loại thuốc phòng khi gà đổ bệnh nhưng “căng” nhất là khi gà đẻ.

Ông Chung và đàn gà cưng từng giành nhiều giải thưởng của mình
Không chỉ đẻ ít, mỗi năm hai đến ba lứa (từ 12 đến 14 trứng) vì thân xác quá khổ nên gà mái rất “vụng” thường đạp bể trứng. Chưa nói khi thời tiết quá nóng thì xem như tiêu tùng ổ trứng. Máy ấp công nghiệp cũng “bó tay” với sự khó tính của giống gà này.
Con gái ông Hội trưởng “bật mí” thêm: Dù vụng trong cách ấp con nhưng tình mẫu tử của giống gà này thì chẳng loài nào sánh được, đặc biệt là gà trống. Hình ảnh gà bố suốt ngày sục sạo kiếm thức ăn ngon rồi “tục tục” mớm mồi cho bầy con trông thật cảm động.
Gà bố cũng sẵn sàng nghênh chiến bọn chim cắt, diều hâu để bảo vệ “gia đình”. Em Lam Anh kể đã không ít lần trông thấy cảnh chú gà “tiến vua” uy dũng vươn móng vuốt đánh trả bọn chim dữ hết sức oai phong. Chính vì thế giống gà lạ lùng này từ xa xưa được ví với năm phẩm chất bậc quân tử: Văn, vũ, dũng, nhân, tín chẳng sai chút nào.
Gần đây, giống gà đặc biệt này được Nhà nước dành cho chính sách bảo tồn gien quí bằng cách cất giữ mẫu gien và bảo tồn tại từng hộ gia đình tránh tùy tiện lai tạo các giống gà khác hoặc phối giống đồng huyết để duy trì tính thuần chủng. Tiếng tăm gà làng Hồ càng vang xa hơn nữa sau khi được chọn làm biểu tượng của Đại hội Thể thao trong nhà châu Á Indoor Games (AIGs) tổ chức tại Việt Nam năm 2009.
Từ dạo đó, mọi người đổ xô về làng để mong sở hữu cho bằng được chú gà oai dũng dù rằng giá chẳng “mềm” tí nào. Một chú gà con hiện có giá dăm ba trăm ngàn nhưng phải đặt mua nhiều tháng mới may ra có được, nhiều gia đình bán lứa gà trưởng thành thu nhập vài chục triệu đồng.
Không chỉ là niềm vui, nét đẹp văn hóa tinh thần gìn giữ vốn quí của quê hương, giống gà này đang mang lại nguồn thu nhập tốt cho rất nhiều gia đình vùng quê Kinh Bắc này nuôi con ăn học.
Xa hơn nữa, ai ở vùng này cũng tự hào với giống gà quí lắm vì nhờ nó mà tên tuổi ngôi làng vang xa ra tận thế giới…
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
Không chỉ là niềm vui, nét đẹp văn hóa tinh thần gìn giữ vốn quí của quê hương, giống gà này đang mang lại nguồn thu nhập tốt cho rất nhiều gia đình vùng quê Kinh Bắc này nuôi con ăn học.