Thứ năm, 22/11/2012, 16h11

Lặng lẽ những chuyến đò

Luôn tâm huyết với nghề, nặng lòng với những học trò thân yêu của mình, họ - những “kỹ sư tâm hồn” - không chỉ biết giảng dạy trên bục giảng mà còn “sát cánh” với từng học trò như người thân trong gia đình để tìm ra phương pháp dạy học tốt, mang lại hiệu quả cao nhất. Bao nhiêu năm lặng lẽ với nghiệp đưa đò, họ đã đưa biết bao thế hệ học trò cập đến bến bờ tri thức. Và họ đã vinh dự được ngành GD-ĐT TP.HCM trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2012.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Mầm non 7A, Q.Bình Thạnh: Tiền bạc không thể mua được nghề

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Giáo viên mầm non chúng tôi không sống bằng lương mà sống bằng… tình cảm của học trò và phụ huynh trao tặng. Ấn tượng không quên với tôi, đó là dịp đi chơi Tết Nguyên đán năm 2010, khi đang ngắm hoa trên đường hoa Nguyễn Huệ, bất chợt ngớ người ra khi có một thiếu nữ nghiêm trang đứng chào. Cố lục lại trí nhớ, tôi cũng không nhớ ra em là ai nhưng sau được em cho biết trước đây là cô bé hay khóc nhè mỗi khi mẹ đưa tới lớp, hay quậy phá ngầm trong giờ học tôi mới nhận ra em. Ngoài ra, trong ngăn bàn làm việc của tôi cũng còn lưu giữ rất nhiều bức tranh học trò vẽ tặng. Có bức vẽ nhân Ngày Nhà giáo, có bức vào dịp năm mới... Những tình cảm quý báu đó đã níu giữ chúng tôi hàng ngày vẫn bám trường, bám lớp để trao cho các em tất cả tình yêu thương. Đã quyết tâm đi theo nghề giáo thì thu nhập cao hay thấp không còn là vấn đề quá quan trọng, chừng nào phụ huynh còn thương, học trò còn cần chúng tôi nâng bước, dạy dỗ thì chúng tôi vẫn dạy học.
Cô Lê Thị Hoàng Trang, Trường TH Kỳ Đồng, Q.3: Học trò đã giúp tôi đứng vững trong cuộc sống

Cô Lê Thị Hoàng Trang

Trên 20 năm đứng lớp giảng dạy và làm công tác Đoàn, bây giờ là Chủ tịch Công đoàn trường, chủ nhiệm lớp 5/7, tôi cũng không nhớ hết đã có bao nhiêu lứa học trò gọi mình bằng mẹ, chỉ biết hai tiếng “mẹ Trang” mà học trò âu yếm trao tặng đã trở thành động lực thiêng liêng nhất giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đứng vững trên bục giảng.
Nhiều năm đảm trách vai trò giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc truyền đạt kiến thức, tôi còn được các em chia sẻ nhiều về gia đình, cuộc sống và những vui, buồn trong suy nghĩ hồn nhiên, non nớt của lứa tuổi tiểu học.
Cô Phạm Thị Xuân, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1: Hài lòng với những gì mình đang có

Cô Phạm Thị Xuân

23 năm “trồng người”, lối sống giản dị, tâm huyết với nghề đã cho tôi được nhiều hơn mất. Tôi luôn trăn trở và đặt câu hỏi với chính mình: Làm thế nào để học trò năng động, tìm thấy đam mê thực sự trong mỗi tiết học? Các em biết yêu thương nhau và quan tâm tới tất cả mọi người… Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra được phương pháp cho riêng mình: Tạo cho học sinh (HS) sự hứng thú trong học tập bằng cách đặt vị trí của mình vào vị trí của các em, trong mỗi tiết học tôi đều cố gắng lồng ghép những câu chuyện xảy ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh các em. Sự gần gũi đó đã được các em tín nhiệm!
Không ngừng phấn đấu, sáng tạo phương pháp giảng dạy, tôi đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp lãnh đạo, thế nhưng, niềm vui lớn nhất của tôi lúc này là được “sát cánh” cùng những “đứa con” trong tập thể lớp 9A9 chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10: “Người cha” của những trẻ em khiếm thị

Thầy Nguyễn Phi Hùng

Đối với thầy cô Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thì hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy HS của mình phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. Môi trường làm việc đặc biệt ấy không chỉ đòi hỏi ở người thầy một tấm lòng cao cả mà còn cần phải có tình thương yêu, lòng nhân ái mới thấu hiểu được những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn, khát khao hòa mình vào cuộc sống của các em kém may mắn. Thầy Hùng tâm sự: “Cách đây khá lâu, cũng vào dịp 20-11, hai em HS, một khiếm thị, một mắt kém dắt nhau đến trường thăm thầy cô khi ra về lúc sang đường, bất chợt một xe tải chạy tới với tốc độ cao. Em mắt kém hoảng sợ, vụt chạy vào lề còn bạn khiếm thị do không có gậy chỉ đường đã bị xe cán qua. Quá đau xót trước nỗi bất hạnh của em và những bạn cùng hoàn cảnh, dù đã 24 năm trôi qua, tôi vẫn tâm niệm quyết không bỏ nghề. Tôi thấy mình còn có ích và cả trách nhiệm với những em khiếm thị”.
Cô Nguyễn Xuân Thảo, TTGDTX Q.11: Giúp những người “bạn quậy” trưởng thành

Cô Nguyễn Xuân Thảo

Có thể nói cô Nguyễn Xuân Thảo, giáo viên TTGDTX Q.11 là niềm tự hào của của ngành GDTX Q.11. Tốt nghiệp sư phạm ra trường, được phân công về TTGDTX Q.11, ngay từ buổi đầu cô Thảo đã gặp không ít “chướng ngại vật” bởi “học trò ở trung tâm có nhiều đối tượng: HS đầu vào thấp, HS quậy…”. Nhưng với lòng nhiệt huyết, cô Thảo đặt ra phương châm “Mỗi HS không chỉ là học trò của mình, mà còn là người bạn, người con” nên ngoài việc truyền đạt kiến thức trên bục giảng, cô Thảo còn là người bạn luôn chia sẻ, động viên và đôi lúc còn hóa thân vào một người chị rất nghiêm khắc với từng HS của mình.
Dù đạt được nhiều giải thưởng nhưng với cô Thảo niềm hạnh phúc, vinh dự lớn nhất là có nhiều thế hệ HS được cô dày công chăm sóc, vun trồng nay đã trưởng thành với nhiều nghề nghiệp khác nhau.
Thầy Đồng Văn Ninh, Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3: “Duyên tiền định” với nghề

Thầy Đồng Văn Ninh

Như “duyên tiền định” mỗi ngày được bước lên bục giảng “đắm” mình với các em HS và tôi đã yêu cái nghề này từ khi nào không biết, chỉ thấy tình yêu thương dành cho các em ngày một lớn hơn. Nếu ngày nào đó không được truyền thụ kiến thức cho các em, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của các em tôi thấy như mình mất đi ý nghĩa của ngày đó.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, đạt được giải thưởng này tôi thực sự xúc động và tự hào, còn ba năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, đây chính là “giải thưởng trọn đời” của tôi!
Bài, ảnh: Lê quang huy