Thứ sáu, 1/2/2013, 16h02

Làng nghề “ông Táo” vào mùa

Bà Nguyễn Thị Lan với sản phẩm ông Táo được lấy ra từ khuôn. Với khuôn đúc bằng nhôm, hình “ông Táo” sẽ bóng, đẹp hơn

Những ngày giáp Tết, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) lại tất bật với nghề làm “ông Táo” (bếp lò). Từ lúc gà gáy canh ba, các lò nung đã hồng than lửa, tiếng cười nói rộn rã, tiếng bàn xoay đất sét ken két đều đặn…
Biểu tượng ấm no
Nhắc đến Tết cổ truyền của người Việt, hẳn không ai là không nhớ đến phong tục trước những ngày cận kề thời khắc chuyển giao hai mùa của đất trời. Đó là lễ tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp. Đối với người dân miền Trung, tục tiễn ông Táo luôn được bà con chú trọng, cứ đến ngày ấy dẫu người giàu sang hay nghèo khó đều thắp nén hương thơm tiễn ông Táo ra tận ngã ba đường nhằm giúp ông tiện tàu xe hơn để về trời báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình của gia đình trong năm cũ cũng như nguyện ước một năm mới sung túc hơn.
Người Việt quan niệm ba vị thần Táo định đoạt phước đức ấm no cho gia đình, nhờ vào những việc làm đúng đạo lý của gia chủ. Bàn thờ thường đặt trên đầu bếp. Đến ngày lễ Táo quân, người dân lại thay “ông Táo” - ba hòn đất sét dùng làm bếp để đun, nấu thức ăn. Bếp của người Việt truyền thống là ba hòn đất sét to được gọt đẽo cẩn thận có hình thù như những con ếch ngồi châu đầu vào nhau tạo thế ba chân để đỡ cái nồi nấu. Vì quan niệm như thế nên khi đẽo “ông Táo”, nhất thiết phải có một ông to tượng trưng cho “bà Táo”, đặt ở phía sau, còn hai ông thì được nặn nhỏ hơn và đặt trước bà tạo thành lối cho củi vào.
Cuộc sống hiện đại những chiếc bếp đất giờ chỉ còn là dĩ vãng, trong kí ức của những người từng trải qua tuổi thơ sau lũy tre làng, hoặc đâu đó ở vài vùng nông thôn nghèo khó. Người ta đã chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện... Cách thờ ông Táo vì thế cũng đổi khác. Bây giờ người ta lập bàn thờ, có hương hoa vào ngày rằm, mồng 1 âm lịch. Đến ngày tiễn ông Táo về trời, thay vì đổi chiếc bếp mới, mỗi gia đình mua “ông Táo” được in tượng trưng lên miếng đất sét về thờ. Và mỗi năm lại thay “ông Táo” một lần vào ngày 23 tháng chạp.
Giữ “lửa nghề”
Dẫu con tạo xoay vần, hình tượng ông bà Táo bây giờ được đặt lên ban thờ chứ không còn trực tiếp làm vai trò của những chiếc trụ bếp nấu nướng vững chãi như trước. Người dân miền Trung vẫn cộng cảm với hai đầu đất nước, thay vì tiễn Táo về trời theo tục thả cá chép thì họ vẫn lặng lẽ với việc tiễn tượng ông Táo ra ngã ba đường. Ngay từ những ngày giữa tháng chạp, từ chợ nghèo vùng quê hẻo lánh cho đến hàng phố tấp nập, đâu đâu cũng thấy bày bán tượng ông Táo. Lạ một điều là, thứ hàng này bán chỉ rộ lên khoảng dăm ba ngày nhưng người làm nghề thì làm quanh năm mới đủ cung ứng.
Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (khu phố 5, phường Thanh Hà) bận rộn với hàng mớ công việc đóng thùng gửi “ông Táo” ngược xuôi cho bạn hàng khắp Đà Nẵng, Huế… thậm chí là vào đến tận TP.HCM, Nam Định… “Từ lúc lên 10 tui đã theo cha mẹ làm nghề. Đến bây giờ đã 50 năm làm nghề rồi. Cái tay quen với đất, không cần nhìn cũng có thể hình dung ra nó trên tay mình méo hay tròn, mỗi ngày tui nặn được khoảng 300 ông”. Ở tuổi 96, bà Lan không còn đủ sức khỏe để nhào đất, nhưng đôi tay của bà vẫn đủ khéo và tinh anh để “sửa nguội” cho “ông Táo” thêm sắc sảo, cân đối.
Bà Lan bấm đốt ngón tay, ở Thanh Hà, hiện còn độ năm, bảy gia đình chuyên về đúc “ông Táo”. Hỏi ra mới biết, cái nghề làm quanh năm mà chỉ bán được dăm ba ngày cận Tết nên phần nhiều gia đình chuyển sang làm gốm hoặc theo nghề khác. “Vậy sao bà không chuyển nghề như người ta?” - chúng tôi hỏi. Bà Lan cười móm mém: “Sống với đất, nhờ đất thành quen, cái tình đôi khi khó dứt lắm chớ. Tuy không có của ăn của để nhưng nó đưa cả gia đình đi qua cái eo túng thiếu rồi con cái dựng vợ gả chồng đều từ đó, dứt nó răng được?”. Theo thời giá hiện tại, mỗi “ông Táo” bà Lan bán cho bạn hàng chỉ với giá khoảng 1.000-1.500 đồng/bộ. Mỗi năm, gia đình làm độ khoảng 30.000-40.000 “ông Táo”. Tính sơ sơ, trừ chi phí đất sét, củi nung, thu nhập của cả gia đình với 4 lao động chính cũng được tầm hơn 30 triệu/năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, những gia đình chuyên sản xuất “ông Táo” ở Thanh Hà chuyển sang dùng khuôn nhôm nên chất lượng, độ sắc nét vì thế cũng bắt mắt hơn, năng suất cũng cao hơn.
Đi một lượt quanh khu vườn nhà bà Lan, chúng tôi thấy hàng ngàn “ông Táo” đang được xếp lớp đẹp mắt phơi chút nắng hiếm hoi giữa mùa đông. Gương mặt bà Lan rạng ngời sau một ngày lao động vất vả, nhìn sản phẩm của mình nhào nặn. Ánh mắt bà nhìn tượng ông Táo bằng cả niềm đam mê hơn 80 năm sống với nghề nặn Táo. Có lẽ chính cái niềm đam mê ấy đã giúp cho nghề nặn Táo tồn tại, không lụi tàn. Nghề nhắc đến Tết, gợi Tết đã về, cũng đủ làm cho tiết xuân ngày Tết thêm hương sắc, đậm đà chút bản sắc văn hóa của một vùng quê. Có lẽ đối với những người con xa xứ, hình tượng Táo gợi lên trong họ nỗi nhớ quê nhà, sự gắn bó không thể tách rời như núm ruột mang nặng đẻ đau, để rồi mỗi năm dẫu đang sống và làm việc ở hai đầu đất nước, họ vẫn tranh thủ một ngày cuối tuần, lặn lội lùng sục đầu chợ để mua về cái tượng ông Táo làm lễ tiễn Táo về trời thay vì dùng chú cá chép rồng hay một vật gì đó đang là phong tục nơi họ sinh sống.
Vĩnh Yên - Nguyên An
Theo thời giá hiện tại, mỗi “ông Táo” bà Lan bán cho bạn hàng chỉ với giá từ 1.000-1.500 đồng/bộ. Mỗi năm, gia đình làm độ khoảng 30.000-40.000 “ông”. Tính sơ sơ, trừ chi phí đất sét, củi nung, thu nhập của cả gia đình với 4 lao động chính cũng được tầm hơn 30 triệu/năm.