Thứ ba, 2/8/2016, 20h27

Lặng thầm bên Thành cổ

Đến Thành cổ, bao giờ cũng nhìn thấy những tháp bút, bệ thờ, bậc thềm trong Thành cổ đều được giữ gìn sạch sẽ, linh thiêng. Ít ai biết rằng, đằng sau đó có bóng dáng của một người dân suốt 10 năm lặng thầm lau dọn không lương. Với anh, việc giữ gìn, chăm nom ngôi nhà của các anh hùng liệt sĩ là thể hiện sự tri ân người đã anh dũng ngã xuống, nhường lại sự sống ấm no cho mình…

Anh Lê Văn Tương lặng thầm lau dọn vệ sinh trong khu tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

Anh là Lê Văn Tương (50 tuổi), khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).

1.Tại khu hành lễ, từng đoàn người trở về nghiêm trang dâng những nén hương thơm, bó hoa tươi lên tượng đài tháp bút cổ Thành. Sau mỗi cuộc hành hương của người thân trên mọi miền đất nước, anh lại lặng lẽ sắp đặt, lau dọn khu hành lễ, nhặt những chiếc lá vàng rơi trên lối đi. Câu chuyện về 10 năm tự nguyện làm việc trong ngôi nhà chung của các anh hùng liệt sĩ ở Thành cổ chứa chan tình cảm và niềm tri ân tái hiện qua chất giọng trầm trầm của anh Tương. “Hơn 10 ngàn người lính tuổi 18, đôi mươi mãi nằm lại nơi này. Hơn 40 năm họ chưa về, còn đó bao nhiêu người mẹ, người vợ, người yêu, bao nhiêu đứa con thơ ngày đêm mong ngóng… Các anh ở lại đây, đã chiến đấu, đã anh dũng hy sinh để nhường sự sống hòa bình, no ấm cho mình. Vì vậy, mình phải có trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn ngôi nhà của các anh. Điều đó thể hiện niềm tri ân, cũng như ấm lòng hơn cho thân nhân của các anh mỗi khi trở về”.

Với nghĩa cử ấy, ngày 20-7-2016 vừa qua, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Anh bảo, tấm bằng khen của Thủ tướng là động lực giúp anh vững tâm hơn với những việc mình đang làm.

2.Anh Tương không phải là người sinh ra ở mảnh đất Thành cổ một thời ác liệt. Quê anh ở huyện vùng trũng Hải Lăng, cách Thành cổ vài chục cây số. Ngày giải phóng, gia đình anh chuyển đến thị xã Quảng Trị sinh sống. “Ngày ấy, nơi đây còn hoang tàn lắm. Đi đâu cũng vấp hố bom, mảnh đạn. Ban đầu mẹ tôi cũng ái ngại nhưng bố tôi bảo, được sống trong hòa bình đã là hạnh phúc lớn, gia đình mình ở đó thì có thể chia sẻ những công việc nhỏ tri ân người đã cho mình cuộc sống bây giờ. Thế là cả nhà cùng dọn ra đây”. Cả nhà anh đã dọn ra dựng một ngôi nhà nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng mưu sinh, gia đình anh đều tranh thủ dành thời gian thu dọn, tập kết bom, mìn chưa nổ sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nghĩa cử của người cha lay động tình cảm của anh. Anh tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung kích địa phương để bảo vệ bình an khu phố. Hơn 20 năm làm đội trưởng lực lượng này. Chưa hết, 15 năm nay anh đảm trách thêm nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ an ninh số 6, khu vực phường 1 - khu vực một thời rất phức tạp về tình hình trị an. Bằng sự tận tụy của mình, anh đã góp phần đưa khu phố trở lại bình yên. Anh kể: “Thực ra đảm nhiệm nhiệm vụ này không hề đơn giản. Phải thực sự biết lắng nghe, chia sẻ cộng thêm những lời khuyên răn chí tình mới cải thiện được những đối tượng chưa tiến bộ”. Hỏi anh về kỉ niệm trong công tác. Anh cười hiền: “Nhiều lắm, nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là lần tiếp cận với những người vừa mãn hạn tù trở về địa phương. Mình phải trăn trở, thao thức suy nghĩ làm sao để có thể chia sẻ một cách thật cởi mở, tình cảm chân tình họ mới chịu mở lòng và tiến bộ”. “Chỉ có cái tâm dành cho nhau thật lòng mới khiến người ta mở lòng và thay đổi”, anh nói. Cùng với đó, 8 năm nay anh còn nhận thêm nhiệm vụ làm bảo vệ dân phố.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, anh còn đảm nhận thêm việc quét dọn vệ sinh tự nguyện ở Thành cổ Quảng Trị. Hỏi anh có bao giờ thấy quá sức không? Anh bảo: “Làm được những việc tử tế cho đời thì dù vất vả mình cũng thấy vui, thấy hạnh phúc. Còn việc tự nguyện lau dọn vệ sinh ở Thành cổ là mình muốn góp phần công sức nhỏ bé tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đó cũng là tâm nguyện của ba mình ngày vừa chuyển nhà đến mảnh đất này sinh sống”. Ý tưởng đến với các chiến sĩ ở Thành cổ xuất phát từ một buổi sáng, khi anh tập thể dục qua khuôn viên này, nhìn thấy những quản công cặm cụi làm việc khá vất vả. “Tôi chợt nghĩ nếu mình góp vào mỗi ngày một ít thời gian thì ngôi nhà của các anh hùng liệt sĩ sẽ đẹp sạch hơn, những quản công cũng đỡ vất vả hơn.

3.Chiều Thành cổ mênh mang. Những bước chân trở về của những người thân liệt sĩ từ khắp nơi trên mọi miền đất nước mỗi lúc một đông hơn. Trong đoàn người lặng lẽ ấy, anh Tương vẫn thầm lặng công việc tri ân trong trang phục người bảo vệ tổ dân phố. Với nghĩa cử ấy, ngày 20-7-2016 vừa qua, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Anh bảo, tấm bằng khen của Thủ tướng là động lực giúp anh vững tâm hơn với những việc mình đang làm. Hỏi anh tâm nguyện của mình, anh bộc bạch: “Tâm nguyện lớn nhất của đời mình là sống một cuộc sống giản dị như bây giờ, để làm những điều tử tế. Và nhất là làm sao để nuôi dạy các con thành người tử tế. Ngày nào còn sức khỏe, mình sẽ tiếp tục làm công việc tự nguyện ở Thành cổ, để người thân các anh khi có dịp trở về được ấm lòng hơn!”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên