Thứ hai, 5/12/2016, 15h19

Lão nông làm đổi thay diện mạo sơn cước

Ngôi nhà vườn của lão nông Phùng Đức Hòa ở miền rừng Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đẹp như một biệt phủ tựa lưng chân núi – chỉ là một phần gia tài từ lao động chân đất của ông khi mà lối sống uy tín mà dân bản xứ Mường tin cậy vào người đàn ông 66 tuổi này từ lâu đã là tài sản vô giá.

Lão nông làm đổi thay diện mạo sơn cước
Lão nông uy tín Phùng Đức Hòa kể với nhà báo câu chuyện trồng rừng và chăn nuôi làm giàu bên cạnh biệt phủ trên núi.
Đặt chân đến xứ Mường này hỏi thăm nhà ông Hòa thì ai cũng biết. Đơn giản vì ông là lão nông giầu có và sống rất uy tín.

Người lính Phùng Đức Hòa trở về quê núi sau mười năm quân ngũ, nhìn bản Mường có rừng xanh ngút ngàn, có đất đai tốt tươi nhưng sao cái nghèo cứ đeo đẳng mãi đã mấy mươi đời mà thấy xót. Phải sống khấm khá lên với cây từ đất, người đàn ông mang tất cả vạm vỡ sức khỏe và ý chí đổi thay cuộc đời chốn núi lên những triền đồi sau nhà. 

Đằm với nắng lửa, đằm dưới mưa rừng, có nhiều đêm đốt đuốc mà phát hoang cỏ dại, cày cuốc không biết mệt mỏi, huy động cả nhà lên núi mà trồng nhãn, vải, cam, quýt, xoài, sơn. Chút vốn liếng gia đình chả có là bao, ông vay mượn đồng đội, bạn bè đi khắp nơi tìm mua cây giống và học cách chăm cây. Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, nhà ông Hòa là gia đình đầu tiên ở xứ Mường biến rừng hoang thành trái quả ngọt trên diện tích lớn. 

Cây lớn nhanh tươi tốt và đã sớm đâm hoa kết trái. Ông Hòa sung sướng mê mẩn đến nỗi suốt ngày lọ mọ trên núi quên cả từng bữa ăn. Làn da sạm lại của người đàn ông yêu nghề rừng như muốn hồng hào tươi tắn trở lại. Nhưng núi chỉ mỉm cười với ông ngần ấy. Quả nhãn ăn thấy trơ, vải, xoài thì chua loét, cam quýt từng trùm chĩu xuống dịp tết mà bán chả ai mua. Sơn thì ít mủ bắt đầu héo hon. Ông thất bại. 

Hồi ấy tổng cộng dồn của bỏ vào đất và cây lên đến 60 triệu đồng – đủ tiền mua cả 2 chiếc xe Dream mà cả huyện chưa ai có, tất cả đi tong! Ông khóc khi phải chặt bỏ cánh rừng cây trái có cả một biển mồ hôi của chính mình và biết bao người thân.

Nhưng ông không cô độc. Cái tình đoàn kết của bản Mường còn đó. Dân bản xót thay cho ông mà cùng góp sức. Lại trồng mơ Vân Nam, trồng chè, nuôi ong, nuôi nhím, nuôi bò, bồ câu, lợn rừng… Ông lặn lội khắp nơi, đi cả miền Bắc, mò vào tận miền Nam mà học hỏi cái nghề nông kiểu mới. Thổ nhưỡng phù hợp cây keo nguyên liệu, cứ như bỏ cành xuống đất đã mọc lên ngay. 

Đất, cây, con của đã không phụ công người. 8 ha rừng keo, 7 sào ruộng, 6 sào soi bãi trồng ngô năng suất cao, đàn bò có lúc lên đến hơn chục con, lợn rừng hàng chục con, ong thu được hàng trăm lít mật…

 Ông bảo làm nghề nông thì phải đa dạng và đi bằng mấy cái chân cho vững. Kinh nghiệm đắng cay mà ông tích tụ được từ thất bại cũ và sự học hỏi muôn nơi đã cho ông tất cả. Gia đình đã có sức sống trở lại và vượt lên có của ăn của để, rồi khấm khá hơn hẳn. Ông được người dân bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã, rồi làm Chủ tịch xã. 

33 năm làm cán bộ địa phương là ngần ấy năm ông sống trọn vẹn với nghề rừng để xốc vác cả xã có đến 75% người Mường, Dao, Tày cùng làm đồi rừng. Về hưu hơn chục năm nay, ông còn được bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Nhà ông thu nhập hằng năm đến 250 triệu đồng, bình quân 40-60 triệu đồng/người/năm. 

Bản Mường làm theo ông, giảm cái nghèo của 185 hộ xuống giờ chỉ còn 9 hộ, và có tới 35% là hộ giầu. Nhà ông Hòa giờ xây lên bằng tiền tỷ đẹp như biệt phủ tựa ở ven đồi, như một hình mẫu tươi sáng từ lao động chân đất đi lên cho bản Mường nhìn vào mà làm theo.

Cái danh vị “Người có uy tín” mà bản Mường trao cho ông như điểm tựa tin cậy. Ông tìm về Bộ Văn hóa lấy lại thần tích, thần sắc của ngôi đình cũ từng bị phá hủy trên nền đất xưa, huy động cả bản khôi phục lại đình làng rồi cùng các cụ và thanh niên trẻ tổ chức hội làng đầu Giêng.

Con cháu bản đi làm ăn xa tụ về rước lễ đông vui. Bản có người ốm thì ông bảo dân Mường đừng mời thầy cúng nữa, ông tổ chức thăm hỏi đã thành lệ và đưa bệnh nhân đi viện. Bản có người chết thì mỗi nhà góp 20.000đ và góp một người đi giúp tang gia... Năm nào ông cũng làm hàng trăm xuất bánh tặng các cháu nhỏ ăn ngay tại đêm rước cỗ Trung thu. 

Thanh niên bản nghe lời ông, không có ma túy, mại dâm, cờ bạc dù bản nhỏ chỉ cách vài trăm mét đến khu thị tứ Hương Cần đất mỏ nổi tiếng tệ nạn hồi xưa. Xây dựng nông thôn mới, ông vận động dân bản đóng góp đến 250 triệu đồng, góp công làm 2km đường bê tông, gây quỹ chi hội đoàn kết mặt trận lên đến 100 triệu đồng để cho hội viên vay làm kinh tế… 

Những ngôi nhà tầng mọc lên trong bản. Nhà văn hóa, trạm, trường mầm non xây lên khang trang. Diện mạo sơn cước đổi thay khi có bàn tay, khối óc góp công lớn của lão nông uy tín Phùng Đức Hòa.

Dẫn nhà báo lên đồi thăm cây, ông nói chuẩn bị chặt bỏ đồi chè vì giá quá thấp và sẽ thay trồng bằng chanh lõi hồng xuất khẩu sang Mỹ. Và miền rừng này sẽ bạt ngàn đõ ong – ông nói hoa rừng thơm lắm mật vùng đất này mà không làm nghề ong thì phí lắm. 

Giờ ông vẫn giữ lại mấy cây vải đã mấy chục năm tuổi như một kỷ niệm thời trai trẻ cày xới với đất rừng. Ông có bốn người con thì ba con vào đại học làm nghề y, giáo, nông. 

Ông bảo muốn yêu rừng để làm giầu với đất thì phải có con chữ tầm cao, chứ cứ hồn nhiên làm theo phong trào thì dễ mà thất bại. Con em trong bản đỗ đại học (năm nay bản có 10 cháu) được ông và cả bản tặng quà tiếp sức đến giảng đường.

Ông Hòa phấn khởi khoe rằng hôm nay là đại biểu được về Tp Việt Trì dự đêm tôn vinh người có uy tín cùng hàng trăm đại biểu khác toàn vùng Tây Bắc, và sẽ có truyền hình trực tiếp…

Sáng nay (5/12)  hơn 500 đại biểu người có uy tín vùng Tây Bắc đã có mặt tại Tp Việt Trì, Phú Thọ lên dâng hương Đền Hùng. Tối nay các đại biểu sẽ tham dự đêm tôn vinh những đóng góp của họ tại quảng trường Hùng Vương do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài THVN vào lúc 20h.

Tùng Duy (TPO)