Thứ hai, 30/7/2012, 11h07

Lễ hội của mọi người

Trước khi lễ khai mạc Olympic 2012 diễn ra, Danny Boyle đã hứa sẽ có một màn trình diễn đầy tình cảm - mà ông dùng từ “soulful”, và Thế vận hội 2012 là lễ hội của tất cả mọi người chứ không phải dành riêng cho một vài tầng lớp nào trong xã hội.

Các nhân viên bệnh viện và cả bệnh nhân diễn trong phần quan trọng của buổi khai mạc Olympic - Ảnh: Reuters
Danny Boyle - đạo diễn từng đoạt Oscar với phim Triệu phú khu ổ chuột - đã giữ đúng lời hứa. Hàng tỉ người trên thế giới xem trực tiếp, trong đó riêng nước chủ nhà đã là 30 triệu người, đã chứng kiến lịch sử của một đất nước từ nguồn cội, với những đặc sản văn hóa, từ thời xa xưa đến thời hiện tại và mong ước cho cả tương lai.
Những sự kiện lịch sử, thể thao, văn học đại diện cho giá trị xuất sắc từ Anh đóng góp cho nhân loại lần lượt được giới thiệu. Nhưng với tôi, giá trị của buổi lễ không hẳn nằm ở chỗ đó. Làm cho “hoành tráng” với nước Anh không khó, nhưng cuộc đua về độ hoành tráng thật khó có điểm dừng. Sự “hoành tráng” có thể gây nên cảm giác kinh ngạc nhưng không dễ để khiến người xem trào nước mắt.
Tôi đã nhìn thấy trên màn hình những em nhỏ thật giản dị, nguyên vẹn vẻ trong sáng - không cần tô son điểm phấn lòe loẹt. Có em vẫn còn đang bó bột ở tay. Chắc chắn thầy cô và cha mẹ các em không muốn các em lỡ đi niềm vui hạnh phúc không dễ có được này. Các em hát, biểu diễn một cách tự nhiên, vui vẻ, không gò bó, cầu kỳ. Sân khấu của nước Anh là cuộc sống thật. Nó thật đến mức không phải nước nào cũng dám đưa một dàn các em nhỏ bị khiếm khuyết về khả năng nghe nói, mặc pijama lên hát quốc ca God save the Queen (Chúa phù hộ cho nữ hoàng) vào lễ khai mạc quan trọng như vậy.
Có em không nói, không nghe được, tất cả đều nhìn lên cô hướng dẫn - ăn mặc cũng rất giản dị - để hát, nếu không hát được, các em ra dấu. Các em dù kém may mắn khi sinh ra đã không lành lặn, thế giới này vẫn thuộc về các em, và các em được tham gia vào mọi hoạt động của nó, kể cả ở sân khấu - nơi người ta vẫn nghĩ chỉ dành cho người đẹp (hoặc thật đẹp) và người lành lặn.
Người xem có thể so sánh với Olympic Bắc Kinh 2008 để nhận thấy có thể màn bắn pháo hoa ở London không rực rỡ bằng, nhưng có lẽ London không đi tìm kiếm sự hoàn hảo công thức kiểu vài chục ngàn người như một, hay coi sân khấu là nơi phô diễn hình thức và tiểu xảo kiểu hát hay như Dương Bái Nghi mà không xinh bằng Lâm Diệu Khả thì cũng không được lên sân khấu (“Olympic Bắc Kinh: Xìcăngđan đánh tráo giọng hát”, Tuổi Trẻ ngày 14-8-2008). Nước Anh khiến thế giới ngả mũ trước buổi lễ của lòng nhân ái, chứ không phải mình giàu có và vung tiền ra sao. Sự hoàn hảo mà Bắc Kinh giới thiệu giống như một giấc mơ không có thật, khác với thực tế đầy nhân văn của London.
Sự kiện Olympic lần thứ ba được tổ chức tại London đang thật sự đem lại niềm phấn khích cho mọi tầng lớp. Cơ hội tham gia vào xã hội là bình đẳng. Mong muốn có cảm giác hạnh phúc là giống nhau. Ai cũng cần được chăm sóc, được quan tâm, được đối xử tốt đẹp. Đó mới chính là thông điệp đáng trân trọng mà người Anh đem đến cho thế giới trong màn trình diễn kéo dài ba giờ, trị giá 42,4 triệu USD với sự tham gia của 10.000 tình nguyện viên và 900 em nhỏ, chưa kể 12 con ngựa, 10 con gà, 9 con dê, 3 con bò, một đàn cừu, cộng thêm một đàn chó chăn cừu.

 

theo TTO