Thứ bảy, 4/2/2017, 20h49

Lễ hội vào mùa

Sau Tết Nguyên đán hàng năm là bắt đầu vào mùa lễ hội, mùa hành hương của người Việt. Đây là một trong những nhu cầu về tinh thần mà người dân mong muốn được thỏa mãn khi xuân về.

Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) được tổ chức 2 năm một lần vào mồng 4, mồng 5 tháng giêng âm lịch, với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương và các vùng lân cận

Rộn ràng lễ hội

Tháng giêng là tháng “ăn chơi”, tháng của mùa lễ hội theo quan niệm của dân gian. Do đó, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân khắp các miền lại náo nức tổ chức những hội làng, hội chùa cầu mong một năm mới tốt lành.

Dù mùng 6 Tết, hội chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất nước mới khai mạc nhưng lượng du khách đổ về đông đúc từ nhiều ngày trước. Năm 2016, chùa Hương đón 1,4 triệu khách. Mùa lễ hội 2017, huyện Mỹ Đức dự kiến đón khoảng 1,3-1,5 triệu khách. Mỗi lễ hội đều có giá trị nhất định, gắn liền với những tập tục riêng của từng vùng, miền. Ở khu vực miền Bắc được coi là “thánh đường” của lễ hội. Ngoài hội chùa Hương còn phải kể đến lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), hội Lim (Bắc Ninh), Giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ)...

Ở khu vực phía Nam có thể kể đến lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh). Lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến rằm tháng giêng, còn được gọi là lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu. Đây được xem là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam. Phần đông du khách đến cầu nguyện mong Thánh Mẫu phù hộ gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi. Lễ chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng giêng cũng là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Đông Nam bộ. Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) là dịp để tỏ lòng thành kính và biết ơn Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là bà mẹ của xứ sở Châu Đốc. Tại TP.HCM, lễ hội ở đền Đức Thánh Trần diễn ra từ ngày 8 đến 10 tháng giêng, nhằm tri ân công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, những lễ hội gắn với truyền thống canh tác nông nghiệp, sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp, kể cả lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển, lễ hội cầu mùa của đồng bào thiểu số, mừng lúa mới... cũng được người dân rộn ràng chuẩn bị.

Đừng để lễ hội... mất vui

Các lễ hội mùa xuân ở Việt Nam kéo dài từ Bắc vào Nam, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng, thu hút khách thập phương từ bao đời. Những mặt tốt đẹp các lễ hội đã trở thành một nét văn hóa đẹp, cần được lưu giữ, tránh sự biến tướng. 

Lễ hội đền Hùng năm 2016 đã diễn ra cảnh tượng chen lấn, ùn ứ của hàng triệu người tại khu di tích đền Hùng vào ngày 10-3 âm lịch khiến dư luận hết sức bức xúc. Vừa qua, vụ va chạm giữa nhóm các cô gái trẻ với một cụ già khiến bà cụ bị ngã lăn ra đất tại khu vực cáp treo của chùa Hương. Trong đám đông chen lấn, cụ bà không may giẫm vào chân các cô gái, nhóm này sau đó lao vào xô xát khiến bà cụ ngã ra đất. Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất an khi tham gia lễ hội hiện nay của không ít người dân. Sau nhiều “ồn ào” tại các lễ hội trong những năm gần đây, nhiều hoạt động ở một số lễ hội đã dần đi vào nề nếp. Tuy vậy, vẫn còn đó không ít những bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Trong mùa lễ hội năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào trọng tâm là xử lý những vấn đề nổi cộm của năm 2016 để đảm bảo nếp sống văn minh trong lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khuyến cáo các địa phương không cấp phép tổ chức các lễ hội như vậy bởi đây là lễ hội có yếu tố kích động bạo lực sẽ ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó nêu rõ “tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công”.

Các lễ hội mùa xuân ở Việt Nam kéo dài từ Bắc vào Nam, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng, thu hút khách thập phương từ bao đời. Những mặt tốt đẹp các lễ hội đã trở thành một nét văn hóa đẹp, cần được lưu giữ, tránh sự biến tướng.

Bài, ảnh: Yên Hà