Thứ sáu, 6/11/2015, 06h04

Lịch sử nên là môn độc lập

Học sinh một trường THPT tại TP.HCM trong giờ ôn tập môn lịch sử. Ảnh: A.K

Vấn đề dạy và học chương trình môn lịch sử chưa bao giờ “hạ nhiệt” trong thời gian gần đây. Nhất là khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, trong đó môn lịch sử được tích hợp trong môn giáo dục công dân với Tổ quốc ở cấp THPT. Dự định này của bộ lập tức nhận được sự góp ý rất nhiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử.

Lịch sử sẽ là môn bắt buộc tích hợp?

Trong buổi làm việc với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có những giải thích liên quan những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí của môn lịch sử trong hệ thống các môn học. “Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể, có hai luồng ý kiến của dư luận liên quan đến môn lịch sử. Thứ nhất có ý kiến cho rằng bộ bỏ môn lịch sử ở cấp THPT, chỉ là một môn tự chọn, học sinh có thể chọn, có thể không. Nói như thế không đúng, giáo dục lịch sử có từ lớp dưới lên lớp trên và có tính chất bắt buộc. Do đó, nói tự chọn là không phải. Thứ hai, là trong chương trình tổng thể có môn công dân với Tổ quốc. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là coi nhẹ môn lịch sử và quốc phòng an ninh. Vấn đề này sẽ được những người “giúp việc” cho Ban soạn thảo CT giải thích rõ” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết. Đại diện Ban soạn thảo chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) mới, ông Đỗ Ngọc Thống -  Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết cơ sở xác định nội dung môn học giáo dục công dân với Tổ quốc từ 4 vấn đề: Thứ nhất kinh nghiệm xây dựng CT trước đó, thứ hai từ thử thách đổi mới CT năm 2000, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hiện nay cũng như đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới. Ông Thống cũng trình bày lịch sử tên gọi của môn lịch sử, môn giáo dục công dân cũng như môn quốc phòng an ninh và so sánh với thế giới. “Xem lại CT hiện nay, chúng ta thấy số lượng môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa chọn ít. Nhiều môn học không đưa vào không được nhưng đưa vào với thực tiễn của nhà trường hiệu quả không cao. Kiến thức còn chồng chéo. Các môn học đang cát cứ, không có sự liên kết ngang-dọc giữa các môn học” - ông Thống chia sẻ. Từ đó, theo ông Thống cần tái cấu trúc hệ thống môn học. Vì vậy, qua nghiên cứu thấy 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng an ninh gần gũi với nhau và có chung mục tiêu là hiểu biết trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Thứ nữa đây là sự nối tiếp nâng cao của các kiến thức đã học ở cấp THCS. Do đó, việc lồng ghép 3 môn học này vào một môn học là hợp lý. Hơn nữa, theo ông Thống, trong chương trình THPT có 4 môn học bắt buộc là toán, tiếng Việt, công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ… Ngoài ra  học sinh học còn có tự chọn 1, tự chọn 2 và tự chọn 3, trong đó, học sinh theo ngành khoa học xã hội và nhân văn có thể chọn lịch sử, địa lý…

Lịch sử phải là môn độc lập bắt buộc

Ngược với dự kiến của Bộ GD-ĐT về việc tích hợp 3 môn lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh trong môn giáo dục công dân với Tổ quốc, GS. Phan Huy Lê khẳng định: Việc tích hợp giáo dục lịch sử là không có cơ sở khoa học, bởi ba môn học này có các định hướng khoa học khác nhau, từ đối tượng, phương hướng, nguyên tắc đều khác nhau. Môn quốc phòng an ninh nặng về mặt chính trị, đó là lĩnh vực của thời đại ngày nay, còn môn lịch sử là môn của quá khứ, môn đi có một hệ thống. Nếu chúng ta tích hợp môn lịch sử trong chương trình phổ thông thì hoàn toàn không phải là môn sử. Tích hợp như bộ nêu trong dự thảo là phản khoa học và không thể triển khai được. Theo GS. Lê, cần phải có một hội thảo chuyên đề để tìm ra cơ sở khoa học cho việc tích hợp môn lịch sử trong môn công dân với Tổ quốc. Do vậy, có thể coi môn công dân với Tổ quốc là một môn học rất mới, môn học “sáng tạo” của Bộ GD-ĐT, đây là một sự “sáng tạo” vô tiền khoáng hậu - chưa hề có trong lịch sử. 

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho rằng khi đọc bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông và cũng được chứng kiến lãnh đạo bộ trả lời về tích hợp, bản thân ông thấy rằng làm như vậy là thiếu tường minh, không có trách nhiệm tới sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. GS. Ngọc cho biết, ở giáo dục phổ thông phải đặc biệt đầu tư cho các môn cốt lõi, môn cơ bản, đó là những môn học không thể thiếu được. Thực tế, trên thế giới những nước có nền giáo dục tiên tiến không nước nào “đẩy” môn lịch sử thành môn tự chọn.  PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cũng khẳng định, ở bậc THPT, môn lịch sử phải là môn bắt buộc. Còn GS. Nguyễn Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội -  cũng khẳng định tích hợp như thế là thiếu cơ sở khoa học, mang tính “chắp vá”, gò ép, phá nát chương trình môn lịch sử. Đặc biệt không đúng với nghị quyết 29 (tích hợp sâu lớp dưới, phân hóa cao ở cấp trên). Nội dung giáo dục lịch sử khác với nội dung giáo dục quốc phòng an ninh và khác với  nội dung giáo dục công dân. Nếu ghép 3 môn vào như thế là khập khiễng.

Trước ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định sẽ tiếp thu và có chỉnh sửa cho phù hợp.

Nghiêm Huê