Thứ tư, 26/9/2012, 09h09

Liên thông sẽ không… người học?

SV hệ liên thông Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định trong giờ học ngày 25-9

Nhiều học sinh, sinh viên (HS, SV) tốt nghiệp TCCN, CĐ đang gấp rút thi liên thông vì lo khi có quy chế mới sẽ mất cơ hội học tập…
Dự thảo quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, nếu áp dụng trên thực tế có thể gây nhiều bất lợi cho các trường và chính HS, SV.
“Chặn cửa” học tập
SV Trần Thị Minh Hiền (Đắk Lắk) vừa mới tốt nghiệp ngành kế toán tại Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm. Mặc dù chưa được nhận bằng chính thức, em vẫn xin cấp chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để kịp hoàn tất hồ sơ tham dự kỳ thi liên thông vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ diễn ra ngày 30-9. Minh Hiền cho biết: “Em bị áp lực bởi phải cố gắng thi đậu ngay trong đợt này. Nếu rớt, phải thi vào những đợt sau không biết em có đậu nổi không vì em nghe nói bộ sắp ra quy chế liên thông mới, trong đó có thi đến 2 môn văn hóa. Em bỏ kiến thức phổ thông 3 năm rồi, giờ muốn khôi phục lại phải mất rất nhiều thời gian”. Còn anh Nguyễn Thái Hùng (Gò Vấp, TP.HCM) đã tốt nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và đi làm được 5 năm. Khi nghe thông tin về quy chế liên thông mới, anh cũng chạy đôn chạy đáo tìm lớp ôn để thi lên ĐH. Theo anh Hùng, liên thông mà phải thi đến 2 môn văn hóa chung với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm thì quá… ngặt nghèo bởi đã hơn 5 năm nay anh không hề đụng đến kiến thức cũ.
Dự thảo về quy chế liên thông thời gian qua đã nhận sự phản đối quyết liệt từ phía các trường. Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt Trần Mạnh Thành cho rằng, quy định mới này… đánh đố thí sinh bởi theo quy luật trí nhớ, những kiến thức không được ôn luyện sẽ bị lãng quên. Ông Thành đặt vấn đề, chúng ta đang có lộ trình hướng đến việc bỏ “3 chung”, vậy khi “3 chung” không còn, hình thức thi nào sẽ được áp dụng cho liên thông sau khi “gộp” với kỳ thi ĐH, CĐ? Ông Đỗ Hữu Khoa (Chủ tịch khối liên kết các trường TCCN TP.HCM) nhấn mạnh: “Liên thông là xu hướng tất yếu không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới nên phải linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của người học. Dĩ nhiên, cần có những điều kiện mà những người muốn học liên thông phải đáp ứng, song việc thi 2 môn văn hóa cùng kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ là không hợp lý. Vì hệ thống giáo dục theo từng bậc có khung học khác nhau, qua 2 năm học TC mà quay ngược trở lại thi đầu vào 2 môn văn hóa, các em khó lòng nhớ nổi kiến thức. Và như vậy, nhiều em thà thi ĐH luôn còn hơn”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đăng Liêm (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) khẳng định, nhu cầu xã hội về loại hình liên thông qua cách thi cử, xét tuyển theo quy định mới của bộ sẽ không còn cơ sở thực tiễn để tồn tại. Các trường ĐH cũng sẽ kiếm không ra nguồn tuyển cho hệ liên thông.
Chỉ “cứu” được phần ngọn
Lý giải cho sự “có mặt” của quy định mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian qua chúng ta đào tạo liên thông một cách rất đại trà, thiếu kiểm soát đầu vào dẫn đến tình trạng chất lượng không đảm bảo và xã hội rất kêu ca. Trước đây, bộ cũng tin tưởng giao cho các trường tự chủ đầu vào, miễn sao trong quá trình đào tạo tiến hành sàng lọc để đảm bảo chất lượng đầu ra nhưng các trường không thực hiện được một cách bài bản. Vì vậy, với dự thảo lần này, việc sàng lọc đầu vào sẽ được chú trọng sao cho học sinh đạt ngưỡng trình độ tối thiểu để có thể theo nổi chương trình học.
Trong khi đó, một đại diện Bộ GD-ĐT lại cho rằng, quan điểm giáo dục đừng nghĩ đến đầu vào mà cần chú trọng các yếu tố quan trọng khác, bởi có giáo viên giỏi, điều kiện học và công tác kiểm soát chất lượng tốt hơn thì vẫn có sản phẩm đào tạo đáng tin cậy. TS. Nguyễn Đăng Liêm cũng đồng tình khi đề nghị không nên “quơ đũa cả nắm” là tất cả hệ đào tạo liên thông đều kém chất lượng. Thực tiễn cho thấy không ít SV liên thông tốt nghiệp có trình độ chuyên môn khá tốt vì phần lớn đối tượng này đều có kinh nghiệm thực tế nên dễ tiếp thu lý thuyết trên giảng đường, hiểu sâu và ứng dụng vững hơn SV chính quy. Nhiều ý kiến khác đều mong muốn bộ xem xét lại bởi khi quy định này được áp dụng, bất lợi sẽ là rất lớn.
Ông Trần Mạnh Thành khẳng định dứt khoát, quy định này chỉ giúp chúng ta “cứu” được phần ngọn, “bệnh đâu chữa đó” chứ không giải quyết được thực chất vấn đề cải tiến chất lượng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Được bảo lưu kết quả
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lưu ý, không nhất thiết tất cả HS, SV liên thông đều phải tham gia thi “3 chung” tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm. Những em đã dự thi ĐH-CĐ trước đây có thể được bảo lưu kết quả để áp dụng cho kỳ thi liên thông sau này. Ngoài ra, khi cải tiến hoặc thay thế “3 chung”, bộ cũng sẽ tính phương án tổ chức thi cho cả hệ liên thông.