Thứ ba, 22/12/2015, 09h55

Lở bùn đất tại Trung Quốc: Hệ quả của phát triển xây dựng nóng

Lực lượng cứu hộ ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đang phải chạy đua với thời gian để cứu người. 

Lực lượng cứu hộ phải huy động cả trăm xe máy xúc để đào bới trong ngày 21-12 - Ảnh: Reuters
Lực lượng cứu hộ phải huy động cả trăm xe máy xúc để đào bới trong ngày 21-12 - Ảnh: Reuters

Theo AFP, hơn 1.500 người cùng 151 phương tiện cứu hộ đã được huy động tham gia công tác cứu nạn, trong bối cảnh các chuyên gia cho rằng lở đất có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực này. Đội cứu hộ đã sơ tán kịp thời được hơn 900 người ra khỏi hiện trường.

Hôm qua, trong cuộc họp báo về vụ lở đất tại Khu công nghiệp Liuxi ở quận mới Quang Minh, cơ quan chức năng cho biết có ít nhất 91 người mất tích, 4 người được cứu sống.

Hơn 30 tòa nhà đã bị chôn vùi, 400m đường ống dẫn khí đốt tự nhiên thuộc đường ống dẫn khí tây sang đông của Công ty PetroChina - nhà sản xuất dầu mỏ và khí gas lớn nhất của Trung Quốc - cũng đã bị nổ trong vụ lở đất này.

Hãng tin AFP dẫn tin từ Bộ Đất đai và tài nguyên Trung Quốc cho biết nguyên nhân của thảm họa trên là do đất thải từ khu công nghiệp được trữ trái phép trong các bể chứa cao 100m, đã biến thành bùn và tràn ra ngoài sau trận mưa lớn sáng 20-12.

Cổng thông tin của chính quyền Thâm Quyến khẳng định bãi chứa gây tai nạn lẽ ra phải ngưng nhận tiếp thêm bùn đất từ tháng 2 năm nay. Rõ ràng nó đã bị quá tải và gây tai nạn thảm khốc.

Reuters dẫn báo Shenzhen Evening Post của chính quyền Thâm Quyến cho biết từ tháng 10 năm ngoái, một quan chức địa phương đã lên tiếng cảnh báo về những bãi chứa bùn đất không an toàn vì thành phố đang xây dựng nhiều tòa nhà mới và hệ thống đường tàu điện ngầm nên phát sinh nhiều bùn đất thải.

Quan chức này thừa nhận thành phố có 12 bãi chứa bùn đất thải và sẽ quá tải trong năm 2015. Và dự báo đã trở thành sự thật.

Thành phố Thâm Quyến có hơn 10 triệu dân, gần với Hong Kong, được xem là một thành phố hiện đại ở Trung Quốc với những tiêu chuẩn quản lý cao.

Vì vậy sau sự cố của nơi này, ông Fan Xiao, một kỹ sư cao cấp người Trung Quốc, thừa nhận “không loại trừ những mối lo tương tự ở những nơi khác của Trung Quốc” vì tiêu chuẩn an toàn kém hơn ở Thâm Quyến.

 

N.QUÂN/TTO