Thứ sáu, 24/2/2017, 10h06

Lơ là với dịch cúm gia cầm

Mặc dù TPHCM chưa rơi vào danh sách địa phương phát hiện ổ dịch cúm trên đàn gia cầm, tuy nhiên việc phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch cúm trong giai đoạn hiện nay là cấp bách. Lo sợ dính “cúm”, nhiều người tiêu dùng “cạch” món gà vịt khoái khẩu.

Lơ là với dịch cúm gia cầm
Gia cầm được bày bán tràn lan ở các chợ tự phát.

Không dám ăn

Trưa ngày 23/2, tại khu vực chợ tự phát trên đường Hồ Học Lãm (Q. Bình Tân), bà Minh chuyên bán gia cầm “xuống” những bu gà vịt bày ra ngay bên lề đường. Hễ có khách hỏi mua là người bán sẵn sàng thau, nước sôi làm lông tại chỗ. Thế nhưng mấy ngày gần đây lượng khách giảm hẳn. 

Trước, ngày nào cũng bán được vài chục con, còn giờ có khi ngồi cả ngày, bà Minh vẫn chẳng bán được con nào: “Gà ta chưa làm lông giá vẫn như cũ: 110.000 đồng/kg. Gà này ở quê đem lên rất khỏe mạnh, có tiêm ngừa hẳn hoi nên không lo bệnh. Hơn nữa, dịch ở đâu chứ Sài Gòn này làm gì có. Vậy mà, từ ngày cả nước phát hiện nhiều tỉnh thành có dịch cúm gia cầm thì tình trạng ế ẩm lan sang cả những nơi chưa có dịch” - bà nói.

Tại chợ Hòa Bình (Q.5), chợ tự phát gần Bến xe Chợ Lớn (Q.6) cũng diễn ra tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống. Khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa, một đoạn đường ngắn có tới hàng chục điểm bán gà vịt sống. Người bán chỉ để vài con gà vịt giới thiệu “gà nhà nuôi”, nếu có khách, người bán sẽ chạy vào khu vực nghĩa trang lấy “hàng” được giấu sẵn từ trước ra chào mời. 

Nguồn gốc của những gia cầm này, người bán chỉ nói đem lên từ dưới quê, còn người mua cũng không rõ gia cầm này có phải được đưa lên từ những địa phương bùng phát dịch hay không. Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 50 cũng có hàng chục điểm buôn bán gia cầm còn sống. Điểm chung của những “phiên chợ” này vẫn người bán nhiều hơn người mua.

Ở nhiều siêu thị lớn tại TPHCM, khi chúng tôi đến quầy gia cầm sống thấy khá nhiều khay gà vịt đã được làm lông, không đầu chân nhưng cũng không có bất kỳ thông tin nào của đơn vị cung cấp. Tại quầy gà quay, chế biến sẵn, khi hỏi nguồn gốc sản phẩm, một nhân viên của siêu thị Big C lúng túng: “Gà bán ở đây đều được kiểm dịch nên chị yên tâm”. 

Tuy nhiên, bà Hạnh (56 tuổi, giáo viên về hưu) bày tỏ: “Khi có nghi ngờ về thực phẩm, chọn siêu thị mua hàng để yên tâm hơn. Nhưng thịt gia cầm trong siêu thị cũng không hề có thông tin nhà cung cấp, giết mổ, đã được kiểm dịch hay chưa… nhân viên cam kết “miệng” thì làm sao mình tin tưởng hết được. Hơn nữa, gia cầm hiện nay chưa thể truy nguồn gốc xuất xứ, nếu ăn vào có bị gì thì đơn vị nào chịu trách nhiệm. Thôi, không ăn cho bảo đảm”.

Nguy cơ gà nhập từ vùng có dịch

Từ đầu tháng 2 đến nay, giá gà đang ở mức cực thấp. Trong đó, giá gà lông trắng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nai liên tục giảm mạnh. Theo đó, nếu đầu tháng giá gà ở mức gần 30.000 đồng/kg thì đến giữa tháng giảm 4.000-5.000 đồng/kg. Hiện tại, tại Đồng Nai giá tiếp tục giảm sâu xuống còn 15.000-16.000 đồng/kg. 

Ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết: “Người chăn nuôi phải chịu lỗ 6.000-8.000 đồng mỗi ký. Trại càng nuôi nhiều thì càng lỗ lớn, có trại mất gần tỷ đồng... Nguyên nhân khiến cho giá gà giảm mạnh không phải do ảnh hưởng dịch cúm mà chủ yếu do cung vượt cầu, cộng thêm thịt gà nhập khẩu về bán sỉ rất rẻ khiến cho giá thịt gà trong nước liên tục lao dốc”.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù gà và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát, nhưng các đầu nậu vẫn tìm mọi cách để có thể nhập lậu vào trong nước bởi lợi nhuận rất lớn. 

Thời điểm này, một số doanh nghiệp nước ngoài đang chào bán sản phẩm gà công nghiệp với giá chỉ 13.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo ông Quyết, giá cả thường tương đồng với chất lượng thịt, gà giá rẻ sẽ có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn so với thịt gà giá đắt.

Trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9, trong đó có tỉnh giáp ranh với TPHCM là Đồng Nai, Long An, Chi cục Thú y TPHCM cho biết đã và đang tăng cường triển khai việc tiêu độc khử trùng các điểm chăn nuôi gia cầm, điểm giết mổ gia cầm tập trung. Lãnh đạo Chi cục Thú y TPHCM thừa nhận vẫn còn tình trạng nuôi trái phép gia cầm, nhất là gà đá, gà kiểng tại các khu vực nội thành và quận ven; tình trạng nuôi gà, vịt quy mô nhỏ, không đảm bảo an toàn sinh học, không đăng ký với chính quyền địa phương và ngành thú y xảy ra khá thường xuyên ở ngoại thành. Mặc dù đã giảm 76 điểm so với tuần trước, nhưng vẫn còn 83 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại 14 quận, huyện, như Q.9 (16 điểm), H.Bình Chánh (15 điểm)... Hiện 3 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ còn 19 cơ sở nuôi tập trung gà, vịt, cút và bồ câu với tổng đàn trên 272.000 con.

Uyên Phương - Ngô Tùng (TPO)