Thứ sáu, 17/6/2011, 10h06

Lò luyện thi chui, đến hẹn lại “nóng”

Mặc dù không nằm trong danh sách được Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cấp phép nhưng những trung tâm như thế này vẫn tồn tại từ nhiều năm nay
Dưới cái nắng nóng đổ lửa của mùa hè, trong các phòng trọ chật hẹp như những lò bánh mì, nhiều sĩ tử đang gửi gắm giấc mơ vào ĐH cùng các lò luyện khiến cho không khí ở đây càng thêm “nóng”…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay trên dịa bàn thành phố có 7 trung tâm và 3 cơ sở được cấp phép mở các lớp luyện thi đại học 2012”. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM, thì trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện có hơn 30 lò luyện thi đang rầm rộ vào mùa.
Chóng mặt với lò luyện thi
Đánh đúng tâm lý của nhiều phụ huynh, các lò luyện thi này thường đưa ra chiêu bài quảng cáo như: Đậu 100%; Không đậu hoàn lại tiền học phí; Thí sinh được học bởi các chuyên gia giáo viên, thạc sĩ các trường ĐH uy tín… Trong vai một sĩ tử chúng tôi có mặt tại một lò luyện thi trên đường Núi Thành (Q.Hải Châu). Được biết đây là trung tâm đã hoạt động với thâm niên 5 năm trong lĩnh vực “kinh doanh” luyện thi đại học cấp tốc nhưng không thuộc 1 trong 7 trung tâm được cấp giấy phép hoạt động của Sở GD-ĐT Đà Nẵng. Các suất học của trung tâm này được bắt đầu từ 7h30 đến 21h tất cả các ngày trong tuần. 
Đang trong giai đoạn chạy nước rút, nên số lượng sĩ tử đến đăng ký tại trung tâm này khá đông. Ngay trước cửa ra vào, một bảng giá cỡ lớn được treo nơi dễ nhìn nhất: 380.000 đồng đối với môn văn và sinh, 300.000 đồng đối với các môn còn lại. Thấy chúng tôi thắc mắc về bảng giá, một nhân viên đon đả giải thích: “Không có cao đâu em, văn và sinh ít học viên nên bọn chị phải lấy cao hơn. Còn 300 ngàn đồng là giá chung cả rồi. Chỉ có một suất cuối cho môn văn thôi em à, suy nghĩ gì nữa, chậm tí là mất suất ngay”.
Theo lời quảng cáo của một nhân viên tại TTLT ĐH Trí Đức cũng trên đường Núi Thành (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) thì mỗi lớp học chỉ khoảng từ 30 tới 40 người, “bên chị chủ yếu theo hình thức học kèm chứ không phải dồn như nhiều lò khác đâu em à”. Nhưng khi sĩ tử đề nghị được xem qua lớp học thì nhân viên này không đồng ý với lý do là “thầy dạy mất tập trung”. Nhưng chỉ cần nhìn những xe cộ dựng chật cả lối đi thì có thể đoán thực hư số học viên tại mỗi lớp học phải nhân đôi con số này lên.
Em Nguyễn Thu Thủy, quê Quảng Bình, học viên tại một lò luyện thi gần Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng than vãn: “Em vô đây từ hôm thứ bảy, hôm qua mới đi tìm chỗ học. Cứ thấy nói 30 với 40 người chứ vào lớp rồi mới biết có lớp phải chịu nhét lên 100 người cụ thể là môn toán. Trời bên ngoài nắng nóng, bên trong thì không khí hầm hập phả ra từ hơi người, muốn tập trung học cũng chẳng nổi”.
Lách luật để hoạt động
Phần lớn trên các biển hiệu của các lò luyện thi này thường không có ghi Sở GD-ĐT nhưng một số trung tâm vẫn ngang nhiên đề thêm dòng chữ Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng như một tấm bình phong chắc chắn và uy tín như TTLT Phan Chu Trinh (84 Lê Duẩn).
Trao đổi vấn đề này với PV Báo Giáo Dục TP.HCM, ông Huỳnh Hưng, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: Từ đầu năm đến nay sở đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra tại các cơ sở này nhưng việc xử lý chỉ mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở.
Nhiều cơ sở hoạt động lợi dụng kẽ hở của luật để cố tình hoạt động một cách ngang nhiên. Trong đó hầu như nhiều cơ sở và trung tâm đã hoạt động có thâm niên lâu năm trên địa bàn thành phố. Theo ông Hưng, phần lớn những hoạt động của các cơ sở này đều dựa vào giấy phép kinh doanh do một sở khác cấp. Lợi dụng dưới hình thức cấp giấy phép kinh doanh để mở các lò luyện thi, thu lợi nhuận. Khi được hỏi thì các cơ sở này đều lấy lý do là đã có giấy phép về kinh doanh.
Ông Hưng cũng cho biết, việc cấp giấy phép cho các trung tâm không giới hạn, nhưng các trung tâm và cơ sở phải đảm bảo đúng yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy theo Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND của UBND TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên do hoạt động chui, những lò luyện thi này thường tận dụng nhà ở để tổ chức dạy học nên các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê mướn giáo viên và sinh viên từ nhiều nơi để tổ chức giảng dạy… nên chất lượng dạy học không đảm bảo…
“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị với thành phố về việc sửa đổi và bổ sung Quyết định 38 của UBND TP về việc mở các trung tâm luyện thi đại học cao đẳng. Trong đó sẽ có những quy định mới nhằm thắt chặt tình trạng các lò luyện thi ngang nhiên hoạt động như hiện nay”, ông Hưng nói.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên