Chủ nhật, 25/10/2015, 22h30

Lo sinh viên bỏ học do chọn sai ngành

Các trường ĐH liên tục lo ngại khả năng sinh viên bỏ học chỉ sau năm đầu do chọn ngành không “dính” đến sở thích và cho rằng kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2016 nên để thí sinh đăng ký một ngành vào nhiều trường thay vì một trường nhiều ngành như năm qua.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH-CĐ vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, một lần nữa vấn đề này được đại diện nhiều trường ĐH quyết liệt đề cập.

Cực chẳng đã mới vào ngành… sơ cua

Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm qua, việc thí sinh chọn ngành xa sở thích đã thể hiện rõ và gây lo ngại lớn. Ngay ở đợt xét tuyển đầu tiên (nguyện vọng 1), đợt quan trọng nhất vì phần lớn chỉ tiêu các trường dồn vào đây, thí sinh có tới 4 ngành được lựa chọn nhưng chỉ vào đúng một trường. Thường cao lắm, các em chọn được một ngành đúng sở nguyện và một ngành thuộc nhóm gần sở thích. Nhiều em khi được hỏi đã cho biết, hai ngành còn lại chọn cho yên tâm hoặc chọn đại nhưng không “tha thiết”.

Nhiều trường ĐH hiện đang lo ngại sinh viên bỏ học sớm do chọn ngành không yêu thích tại kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - nêu thực tế, kỳ xét tuyển ĐH-CĐ vừa qua, nhiều thí sinh do áp lực chọi cao vào giờ chót đã ngậm ngùi rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng từ ngành ước mơ sang ngành không phù hợp sở thích. Tuy cuối cùng cũng đậu ĐH nhưng việc học những ngành sơ cua như vậy đối với thí sinh là “cực chẳng đã”.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng thẳng thắn cho rằng không hào hứng với việc cho thí sinh đăng ký nhiều ngành, vì vào sẽ học không nổi. Thực tế tại trường, những trường hợp sinh viên học không nổi dẫn đến bị đuổi chủ yếu do đăng ký ngành mà… cha mẹ yêu thích.

Nên cho đăng ký một ngành vào nhiều trường

GS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM - đánh giá: “Phương án xét tuyển hiện nay mới đạt được mục đích thí sinh sẽ vào được một trường để học. Tức chúng ta đang hướng tới việc làm sao để học sinh vào được ĐH (nếu có mức điểm tốt) chứ chưa đảm bảo định hướng nghề nghiệp trong việc chọn trường”. GS. Quỳ chỉ ra thêm, có thể thấy hiện nay, ở một mức điểm, thí sinh không vào được trường này sẽ vào trường khác, không vào được ngành này sẽ vào ngành khác. Trong khi thực tế, định hướng nghề nghiệp phải đảm bảo để học sinh vào học được trường, ngành mà bản thân thực sự tâm huyết. Có những học sinh “mộng” học một ngành đã lâu nhưng với cách xét tuyển hiện nay, kết quả cuối cùng lại rơi vào ngành hoàn toàn khác.

GS. Quỳ cho rằng, nên để học sinh đăng ký cùng một ngành học vào nhiều trường khác nhau thay vì chỉ vào một trường như hiện nay, tránh triệt tiêu sở thích. Đồng ý quan điểm này, đại diện một trường ĐH cũng đề xuất năm 2016 nên cho thí sinh chọn 1-2 ngành yêu thích vào nhiều trường để hạn chế tình trạng miễn cưỡng học ngành không hứng thú. Đại diện này lo ngại, việc thí sinh “vớ đại” một ngành để vào ĐH tại kỳ tuyển sinh 2015 có khả năng dẫn đến nguy cơ bỏ học chỉ sau năm đầu tiên. “Việc xét tuyển năm 2016 cần phải đạt được mong muốn của thí sinh là đúng ngành nghề, giảm ảo, giảm rủi ro…”, vị này nói.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng đề xuất việc đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 nên có mục để thí sinh xác định rõ ngành, trường các em mong muốn học nhất và coi đây là nguyện vọng chính.

Tại TP.HCM, đại diện nhiều trường ĐH còn đặt vấn đề liên kết nhau đào tạo một số nhóm ngành để khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho người học.

Bài, ảnh: M.Tâm

“Việc xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 cần phải đạt được mong muốn của thí sinh là đúng ngành nghề, giảm ảo, giảm rủi ro…”, đại diện một trường ĐH đề xuất.