Thứ bảy, 6/1/2018, 22h00

“Loạn” giải thưởng âm nhạc!

Các giải thưởng âm nhạc giúp thị trường âm nhạc trở nên rộn ràng nhưng lại có một tỷ lệ nghịch giữa số lượng và chất lượng của các giải thưởng âm nhạc hiện nay.

Lễ trao giải thưởng “Làn sóng xanh” 2016. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Muôn kiểu giải thưởng

Đến hẹn lại lên, thị trường âm nhạc trong nước sôi động hơn với các giải thưởng âm nhạc. Ngoài các giải thưởng âm nhạc vốn đã quen thuộc với khán giả trong nước, nhiều giải thưởng âm nhạc trực tuyến cũng góp mặt làm “muôn màu” thêm giải thưởng âm nhạc Việt Nam.

Tại giải thưởng “Zing Music Awards” (ZMA) năm nay, Chi Pu nhận 4 đề cử bao gồm Music Video của năm (dành cho Từ hôm nay - Feel Like Ooh), Nghệ sĩ mới của năm, Ca khúc Dance/Electronic được yêu thích (cũng cho Từ hôm nay) và Nữ ca sĩ được yêu thích. Chính điều này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận khi chính những ồn ào và thị phi suốt 3 tháng đi hát đã giúp Chi Pu lên như “diều gặp gió” trong sự nghiệp của mình. Trên thực tế, giọng hát của cô chưa thật sự chinh phục khán giả, có chăng là lượng fan hâm mộ của Chi Pu quá hùng hậu, khán giả tìm nghe nhạc Chi Pu vẫn do tò mò phần nhiều chứ không phải là yêu thích lâu dài. Giải thưởng “Zing Music Awards” năm nay không dựa vào chỉ số Z tổng hợp từ lượt xem, nghe, tải… như mọi năm mà dựa vào bảng xếp hạng Zing Chart. Zing Chart đo lường sức ảnh hưởng của tác phẩm hay nghệ sĩ dựa trên người nghe thật  (Unique Listeners). Bảng xếp hạng Zing Chart này cũng được chọn cho các nghệ sĩ Việt Nam ở giải thưởng âm nhạc “Mnet Asian” (Mnet Asian Music Awards - MAMA) của Hàn Quốc. Chính vì điều này nên việc Chi Pu nhận được 4 đề cử ở giải thưởng này cũng không hẳn là điều bất ngờ khi giọng ca của cô vẫn chưa được nhiều đồng nghiệp công nhận là ca sĩ. Thế nên, có những giải thưởng, nếu không đi kèm một vài scandal hoặc không có tần số xuất hiện dày đặt trên truyền thông thì có lẽ, công chúng khó mà biết đến.

Trong “làn sóng” giải thưởng âm nhạc năm nay, giải thưởng âm nhạc “Keeng” (Keeng Music Awards - KMA) là giải thưởng lần đầu tiên được công bố đến khán giả. Đây là giải thưởng của mạng xã hội âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzik tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ dưới 30 tuổi có cống hiến cho âm nhạc. KMA phụ thuộc nhiều vào lượt nghe, xem, tải của user; nhưng với các giải thưởng âm nhạc trực tuyến lâu năm hơn thì các yếu tố này không còn là tiêu chí hàng đầu nữa.

Nhiều nhưng có chất?

Giải thưởng vẫn là một điều khích lệ tinh thần lớn, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của nghệ sĩ đích thực. Nếu giải thưởng, mục đích ban đầu là để tôn vinh giá trị, những cống hiến của nghệ sĩ, cũng như khuyến khích, kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ thì giải thưởng ấy sẽ được công chúng nhớ nhiều hơn. Đáng tiếc thay, có một số giải thưởng vô hình chung đã bị thương mại hóa, là công cụ đánh bóng tên tuổi, tôn vinh những giá trị ảo.

Hiện nay, đếm sơ qua đã thấy có hơn 10 giải thưởng âm nhạc thường niên góp mặt trong làng giải trí Việt. Giải thưởng này khán giả chưa kịp nhớ tên thì đã xuất hiện những “lùm xùm” của giải thưởng khác tràn ngập các mặt báo. Thế nên, giải thưởng thì nhiều nhưng chất lượng thật sự thì rất khan hiếm.

Trên thực tế, những giải thưởng âm nhạc thường niên như giải “Mai Vàng”, “Làn sóng xanh”, “Cống hiến”... cũng đã bớt sức hút trong lòng khán giả. Dù số lượng các giải thưởng âm nhạc vẫn ngày càng tăng nhưng không ít nghệ sĩ và cả khán giả tỏ ra thờ ơ. Đây là năm thứ 20 giải thưởng “Làn sóng xanh” tổ chức và đây cũng là năm đầu tiên VOH phối hợp với một đơn vị ngoài tham gia việc tổ chức giải thưởng. Phương án này có lẽ cũng là giải pháp cho bài toán kinh tế giữa bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chính điều này cũng đã làm giải thưởng “Làn sóng xanh” năm nay mất điểm trừ trong mắt khán giả khi một sự kiện âm nhạc có “thương hiệu” 20 năm đang dần có xu hướng thương mại hóa.

Giải thưởng vẫn là một điều khích lệ tinh thần lớn, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của nghệ sĩ đích thực. Nếu giải thưởng, mục đích ban đầu là để tôn vinh giá trị, những cống hiến của nghệ sĩ, cũng như khuyến khích, kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ thì giải thưởng ấy sẽ được công chúng nhớ nhiều hơn. Đáng tiếc thay, có một số giải thưởng vô hình chung đã bị thương mại hóa, là công cụ đánh bóng tên tuổi, tôn vinh những giá trị ảo.

Giải thưởng âm nhạc đang mất dần uy tín là điều không thể phủ nhận. Thiết nghĩ, làng giải trí Việt không nhất thiết có quá nhiều giải thưởng. Giải thưởng ít nhưng có giá trị và chính xác sẽ luôn tạo niềm tin, sự yêu mến không chỉ cho khán giả mà còn cả nghệ sĩ. Với bản thân nghệ sĩ, khi nhận được giải thưởng danh giá, họ sẽ cảm nhận giá trị đích thực và có thêm động lực để cống hiến.

Yên Hà