Thứ năm, 9/11/2017, 20h55

“Loạn” thi hoa hậu: Mượn cớ để kinh doanh...?

Bên cạnh mục tiêu “tìm kiếm vẻ đẹp thể chất và tâm hồn” thì còn có mục đích kinh doanh. Đó là sự thật không thể phủ nhận tại nhiều cuộc thi nhan sắc hiện nay.

Nhan sắc của Hoa hậu Đại Dương 2017 gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Ảnh: P.H

Thi nhiều, chất lượng chẳng bao nhiêu

Khi xã hội phát triển, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn thì làm đẹp đã trở thành nhu cầu tất yếu và quan trọng của con người. Xã hội hiện nay đang chú trọng đến hình thức nhiều hơn chứ không còn như trước đây. Nhiều thí sinh đi thi phần nhiều vì có “điều kiện” và muốn có một danh hiệu để dễ bề làm ăn hoặc có cơ hội bước vào showbiz. Điều này góp phần làm bùng nổ các cuộc thi từ cấp quận, huyện, cấp tỉnh, thành phố, quốc gia, các ngành, nghề...

Quá nhiều các cuộc thi nhan sắc đang diễn ra nên làm cho danh hiệu hoa hậu, á hậu bị rẻ rúng, mất đi giá trị. Sự kiện vòng bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam diễn ra đúng vào lúc địa bàn tỉnh Khánh Hòa tan hoang vì trận lũ lịch sử lớn nhất 20 năm qua lại tiếp tục gây “bão” trong dư luận với hàng loạt những tranh cãi gay gắt nổ ra. Bên cạnh đó, có thể thấy, rất nhiều xì-căng-đan kiện cáo, tố cáo mua bán giải tại các cuộc thi sắc đẹp, đặc biệt là các cuộc thi hoa hậu mượn danh Việt Nam ở hải ngoại đã diễn ra. Tổ chức các cuộc thi đơn giản, không tốn nhiều thời gian công sức. Các cuộc thi nhan sắc lại thường dễ thu hút tài trợ và sự quan tâm của cộng đồng, nhất là thu hút truyền thông. Do đó, các đơn vị tài trợ sẵn sàng đầu tư.

Ngoài phần thi nhan sắc được tổ chức ngắn gọn, nhiều cuộc thi hoa hậu còn đi kèm cả biểu diễn ca nhạc và tấu hài, không khác gì một chương trình biểu diễn tạp kỹ. Câu chuyện về các cuộc thi nhan sắc càng trở nên lùm xùm khi không ít danh hiệu được mua bán bị phanh phui. Một số người đẹp sau khi đăng quang tại cuộc thi cũng mất hút sau đó không lâu. Bê bối, thiếu trung thực và không tôn trọng các thí sinh là những vấn đề đáng báo động trong công tác tổ chức của các cuộc thi hoa hậu thời gian qua. Những ồn ào của chuyện gạ tình, tiền thí sinh, tình trạng ban tổ chức tìm mọi cách quỵt giải thưởng của thí sinh cũng trở nên phổ biến trong các cuộc thi người đẹp. Nếu chỉ một hoặc một vài cuộc thi hoa hậu mỗi năm, với sự tập trung, có tôn chỉ rõ ràng như thế thì hẳn sẽ không “loạn” danh hiệu hoa hậu như bây giờ. Vì vậy, niềm tin công chúng dành cho những cuộc thi nhan sắc cứ thế vơi dần là điều không thể tránh khỏi.

Không cổ súy những giá trị ảo

Không ít người đẹp dính scandal, vi phạm pháp luật sau khi bước ra khỏi các cuộc thi nhan sắc. Theo thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn, “sau mỗi cuộc thi với giải thưởng mang lại, các bạn trẻ dễ “ảo tưởng” trở thành “sao” chỉ sau một đêm thi. Quản lý Nhà nước đã thoáng hơn rất nhiều làm cho các đơn vị có thể dễ dàng tổ chức các cuộc thi. Nghị định 79/2012/NĐ-CP đã được bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn, chưa được thực thi nghiêm minh, các đơn vị sai phạm chưa được triệt để xử lý... nên các cuộc thi vẫn cứ diễn ra. Chính vì sai phạm thì rút kinh nghiệm, chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe nên dẫn đến sự bê bối tại các cuộc thi nhan sắc hiện nay”.

Chưa bao giờ danh hiệu hoa hậu, á hậu lại được mua bán dễ như thế. “Hoa hậu” là danh vị được rất nhiều người đẹp mong muốn nên các đơn vị tổ chức nhìn vào nhu cầu của các người đẹp để sản sinh ra các cuộc thi kinh doanh nhan sắc. Nhiều người đẹp nhiệt tình đến với các cuộc thi nhan sắc là để tìm kiếm danh phận, một bước đổi đời. Thế nên, chưa bao giờ các người đẹp lại mạnh dạn bỏ tiền mua danh hiệu, dù là danh hiệu ảo, như bây giờ. Chính những vụ lùm xùm xung quanh các đấu trường nhan sắc thời gian qua cũng làm hoa hậu, người đẹp bước ra từ các cuộc thi nghiêm túc cũng bị ảnh hưởng vì tốt - xấu lẫn lộn. “Các tiêu chí về thẫm mỹ, về cái đẹp bị nhìn nhận sai lệch. Ảo tưởng về “sức mạnh, thành công” sẽ làm cho các bạn trẻ không quan tâm đến việc nâng cao tri thức mà chỉ lo về cái đẹp. Xin nhấn mạnh làm đẹp là nhu cầu đúng, không sai, nhưng suy nghĩ “đẹp” hình thức bên ngoài là có tất cả là chưa chính xác. Chính những cuộc thi nhan sắc gần đây đã góp phần không nhỏ làm cho giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về cái đẹp và sự thành công của bản thân, tạo nên những sự lệch chuẩn trong cái đẹp”, thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Có quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp, Bộ VH-TT-DL nói gì?

Liên quan tới hàng loạt những vụ việc lùm xùm quanh các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian qua, ông Nguyễn Thái Bình - Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL đã lên tiếng về vấn đề này.

Với câu hỏi: “Theo quy định, 1 năm chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều cuộc thi sắc đẹp có yếu tố nước ngoài. Liệu đây có phải là kẽ hở khiến một năm có nhiều hơn 2 cuộc thi hoa hậu. Có nhất thiết phải có nhiều các cuộc thi sắc đẹp như vậy trong năm với điều kiện kinh tế, xã hội trong nước hiện nay?”, ông Bình cho biết: “Theo nghị định hiện hành thì đúng 1 năm chỉ được tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu trong nước, chúng ta chưa sửa đổi nghị định vì thế vẫn phải thực hiện theo đúng những quy định này. Còn đối với việc lợi dụng yếu tố quốc tế để tổ chức các cuộc thi sắc đẹp mang danh là hoa hậu, hiện nay, các văn bản quản lý chưa quy định. Tuy nhiên, qua thực tiễn vừa qua, Bộ VH-TT-DL sẽ tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới để cần thiết sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế”.

Vừa qua, có nhiều hình ảnh về thí sinh thi Hoa hậu Đại Dương trước thời điểm thi hoa hậu khác với thời điểm hiện tại, ông Bình cũng thông tin, hiện thanh tra và cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL đang làm việc trực tiếp với ban tổ chức và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Sau khi có báo cáo chính thức sẽ thông tin tới báo chí.

T.B

Phần nhiều các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam và các cuộc thi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay đều “nhuốm màu” kinh doanh. Chính vì lợi nhuận mà ban tổ chức thu về sau mỗi chương trình thường lớn hơn rất nhiều so với mức xử phạt nên bằng nhiều cách, họ vẫn tìm cách “lách luật”, bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý. Những sai phạm trong công tác tổ chức của các cuộc thi hoa hậu thời gian qua cho thấy đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa khâu quản lý, dẹp “loạn hoa hậu”. Việc thả nổi như hiện nay sẽ chỉ làm cho các cuộc thi ngày càng trở nên nhàm chán, khủng hoảng giá trị.

Yên Hà