Thứ tư, 3/1/2018, 10h57

Loay hoay tìm chỗ đứng cho giáo dục STEM

Theo thừa nhận của nhiều cán bộ quản lý, giáo dục STEM hiện vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ, chưa có nhiều điều kiện triển khai tại các trường học. Vì sao?
Loay hoay tìm chỗ đứng cho giáo dục STEM ảnh 1
“Ngày hội em yêu khoa học” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM)

Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại trường học. Tuy nhiên, theo thừa nhận của nhiều cán bộ quản lý, giáo dục STEM hiện vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ, chưa có nhiều điều kiện triển khai tại các trường học. Vì sao?

Quá nhiều rào cản 
Theo nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, giáo dục STEM được hiểu là mô hình học tập tích cực nhờ vào việc tích hợp liên môn giữa 4 lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Math). Mục tiêu của mô hình giáo dục này là giúp học sinh giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống thông qua ứng dụng các kiến thức, hiểu biết, kỹ năng học được từ các môn học.
Theo Th.S Nguyễn Thị Thu Ba, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn học sinh THPT, THCS đặt ra mục tiêu học tập theo các tổ hợp môn thi đại học, trong đó chưa có chỗ đứng cho 2 môn Công nghệ và Tin học. Thêm vào đó, việc kiểm tra, đánh giá hiện nay ở trường phổ thông, cụ thể là kỳ thi THPT quốc gia, được tổ chức theo hình thức làm bài thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức, kỹ năng, trong khi đánh giá theo mô hình giáo dục STEM là đánh giá thông qua sản phẩm.
Đồng quan điểm, Th.S Trần Đức Huyên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), cho biết thi cử hiện nay còn nặng về kiểm tra kiến thức. “Có học sinh đã hỏi tôi rằng em bỏ nhiều thời gian ra nghiên cứu, nhưng vì sao kết quả của em không được các kỳ thi công nhận. Cá nhân tôi cũng hiểu nếu ép các em học nhiều mà thi không đậu, phụ huynh khó thông cảm với nhà trường”, ông Huyên bày tỏ.  
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục về thực trạng năng lực dạy học tích hợp của giáo viên THCS ở các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, có đến 58,4% giáo viên tự đánh giá năng lực dạy học tích hợp và kiến thức liên ngành của mình chỉ ở mức độ trung bình. Phần lớn giáo viên cho biết chỉ được đào tạo đơn môn, do đó sẽ gặp khó khăn nếu triển khai dạy học theo hướng đa ngành. Một nguyên nhân khác, theo TS Đặng Văn Sơn, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, phương pháp giáo dục STEM chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp tốt giữa trường phổ thông với trường đại học (trong việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên), có sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, tổ chức giáo dục và khoa học, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục và giải bài toán “đầu ra” cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các cuộc thi, giải thưởng về lĩnh vực này đều do Bộ GD-ĐT chủ trì, chưa có sự bắt tay của các tổ chức, doanh nghiệp nên quy mô, sức ảnh hưởng còn hạn chế.
Khuyến khích các trường mạnh dạn đổi mới 
TPHCM đã có nhiều trường tổ chức ngày hội nghiên cứu khoa học cho học sinh - một trong những hình thức đẩy mạnh phương pháp giáo dục STEM. Có thể kể đến các trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Trần Văn Ơn (quận 1), THPT Nguyễn Du (quận 10)…
Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, tất cả đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông bày tỏ: “Trường còn dư phòng chức năng nên tôi dự định sẽ cải tạo, sắp xếp lại thành phòng giáo dục STEM thông qua các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Mới đây, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhưng thời gian tới vẫn cần nhiều hơn sự phối hợp, chỉ đạo từ các đơn vị”.
Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) hàng năm đều tổ chức “Ngày hội em yêu khoa học” dành cho học sinh các khối 2, 3, 4 với nhiều hoạt động phong phú như làm thí nghiệm khoa học, thuyết trình sản phẩm theo dự án, nhằm qua đó truyền lửa đam mê nghiên cứu cho các “nhà khoa học nhí”. Song theo thừa nhận của đại diện đơn vị, nếu không có sự đồng lòng, chung tay cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía phụ huynh, trường sẽ không thể duy trì hoạt động.    
Nhìn nhận vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đánh giá trong khoảng 3 năm trở lại đây, STEM bắt đầu được quan tâm, nhưng nhận thức của đại bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều hạn chế.
“Việc tổ chức các chủ đề giáo dục STEM hiện nay chưa chú trọng khâu thiết kế mà chỉ tập trung vào việc thi công, nhiều dự án làm lại theo mẫu hoặc quy trình có sẵn, dẫn đến hiệu quả ứng dụng chưa như mong đợi”, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.
Ở góc độ khác, TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng các trường sư phạm không thể đứng ngoài xu hướng đổi mới. Hiện nay trường này đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng STEM, để đẩy mạnh nghiên cứu và chia sẻ phương pháp dạy học cho giáo viên phổ thông. Tới đây, trường sẽ bổ sung các học phần dạy học theo dự án, dạy học tích hợp, không chỉ với các môn khoa học tự nhiên mà cả môn khoa học xã hội, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, giáo dục theo chuyên đề tại các trường phổ thông.
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội đồng Anh triển khai thí điểm chương trình giáo dục STEM tại 5 trường trung học ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định. Qua 3 năm triển khai, đến nay giáo dục STEM được xem xét đưa vào đại trà trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến lo ngại nếu triển khai đại trà trên cả nước, những vùng nông thôn, miền núi sẽ gặp hạn chế trong việc tiếp cận phương pháp giáo dục này vì phần lớn thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đủ năng lực.

THU TÂM/ SGGP