Thứ năm, 22/6/2017, 22h40

Lời “cay đắng” bỏ ngoài tai…

Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng vẫn còn giá trị của bài học về cách cư xử chưa chuẩn của một đồng nghiệp, dẫn tới vi phạm quy chế coi thi tốt nghiệp.

Hồi đó, N. là một giáo viên mới về trường, rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Lần ấy, nhà trường tổ chức thi học kỳ cho toàn trường và em được phân công làm giám thị phòng thi. Thầy hiệu trưởng sinh hoạt rất kỹ về những quy định trong phòng thi, nhiệm vụ của giám thị là coi thi, giám sát học sinh nhằm tạo sự công bằng giữa các phòng thi… Thầy còn nói rõ là giám thị không được làm việc riêng trong quá trình thi mà phải toàn tâm toàn ý, tập trung cho việc coi thi.

Buổi thi tiếng Anh hôm đó đã được nửa thời gian nên tôi được phân công đi kiểm tra tình hình coi thi. Các phòng thi khác, giám thị đều nghiêm túc thực hiện quy định coi thi. Đến phòng thi của N. làm giám thị thì tôi thấy em ngồi nơi bàn giáo viên và đang chăm chú… chấm bài! Tôi ra hiệu cho N. ra ngoài và nói: “Cô không được chấm bài lúc này. Nếu để học sinh trao đổi với nhau hoặc mở tài liệu thì làm sao biết? Như vậy sẽ không công bằng giữa các phòng thi!”. N. trở lại phòng thi và tỏ vẻ khó chịu khi cất số bài chấm dang dở vào cặp. Hôm sau, tôi báo lại với tổ trưởng và đề nghị nhắc nhở trường hợp này… Từ đó, N. tỏ ra giận tôi vì tại sao lại nói với tổ trưởng làm gì! Tôi tìm cách gặp N. và nói cho em biết: nếu đi coi thi tốt nghiệp THPT mà làm việc riêng sẽ bị lập biên bản gửi về sở GD-ĐT và sẽ không được xét bình chọn thi đua. Em cho rằng tôi “khó khăn”; không “dễ dãi” như thầy B. thường hay bỏ qua những lỗi vi phạm như thế! Đến ngày bỏ phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại phó hiệu trưởng, em nói nhỏ với bạn bè là gạch tên tôi cho “bõ ghét”!

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối năm ấy, em được phân công đi làm giám thị tại hội đồng khác. Quen với việc làm như ở trường trong lúc coi thi, lần này em làm việc riêng là chơi điện thoại trong lúc coi thi và bị hội đồng lập biên bản.

Người xưa có câu: “Mật ngọt thì ruồi chết tươi/Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Lời góp ý của tôi hôm coi thi ở trường đối với N. là lời thật, dù nó cay đắng! Vậy mà em giận dỗi, thù ghét tôi… Để đến khi bị lập biên bản, chắc em mới thấm thía lời “cay đắng” ngày nào mà mình nỡ bỏ ngoài tai!

Hoàng Sa Việt