Thứ ba, 7/2/2017, 20h30

Lời chào cao hơn mâm cỗ

Tôi vừa xấu hổ, vừa trách mình không dạy con từ nhỏ nên mới bị người khác nhắc nhở, không hài lòng trong ứng xử. Chuyện là thế này: Cách đây một tuần, chị gái tôi ở Thanh Hóa vào miền Nam thăm cháu. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên vài năm chị tôi mới có dịp vào thăm gia đình cậu em. Hôm đó, cả gia đình tôi tổ chức bữa cơm thân mật nhân dịp có bác gái vào, không khí gia đình vui vẻ, người lớn mỗi người một việc, bọn trẻ thì thấy bác vào nên cứ tíu tít bám chặt lấy bác. Đến giờ ăn cơm, cả gia đình quây quần, đoàn tụ bên mâm cơm và vẫn như thường lệ mọi người vẫn tự nhiên ăn uống chứ không ai mời ai cả. Lâu nay, vì thói quen này nên mấy đứa nhỏ nhà tôi cũng ít khi mời cơm, chỉ khi nào ba mẹ nhắc thì chúng mới mời một cách gượng ép và khó chịu. Chúng tôi cũng quan niệm rằng, thói quen cũng tùy từng địa phương, quan trọng nhất là thái độ của bọn trẻ với người lớn. Đối với người lớn tuổi, trẻ con biết cách xưng hô, chào hỏi và nghe lời là được.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Buổi tối, chị gái tôi ngồi uống trà và tâm sự với hai vợ chồng tôi khi lũ trẻ ra ngoài. Chị tôi cũng chia sẻ từ đáy lòng làm chúng tôi thật bất ngờ: “Cậu mợ à, chị nói không phải chứ sao chị thấy ở đây các cháu lại không có thói quen mời người lớn ăn cơm nhỉ? Buổi chiều tối, lúc ăn cơm chị ngài ngại làm sao, cứ tưởng các cháu mời cơm rồi thì cả nhà mới ăn, ai dè chẳng thấy ai mời ai cả, mệnh ai nấy ăn thế. Ở ngoài quê thì bọn trẻ vẫn có thói quen này, đứa nào cũng được dạy từ bé nên đến nhà nào trẻ con cũng có thói quen mời cơm, người nhiều tuổi trước, người ít tuổi sau. Lễ nghĩa sâu xa bắt nguồn từ những điều giản dị và gần gũi như thế đó!”.

Chia sẻ và thấu hiểu được nỗi niềm của chị gái tôi, mục đích cũng muốn lũ trẻ lễ phép hơn và giữ được thói quen tốt ở quê. Tuy nhiên, thực lòng mà nói ở địa phương tôi sống, phần lớn các gia đình không có thói quen mời cơm. Qua thực tế, tôi thấy rằng có những địa phương ở nước ta người dân không có thói quen mời cơm trong bữa ăn. Người ta quan niệm như thế là hình thức, khách sáo. Đã là người thân trong nhà thì cần ứng xử sao cho thoải mái chứ câu nệ làm gì. Còn ở ngoài quê tôi thì phần lớn những đứa trẻ đều được dạy từ nhỏ và khi lớn lên gia đình nào cũng thường duy trì thói quen, nét văn hóa này. Bản thân vợ chồng tôi cũng sinh ra và lớn lên ở quê nhưng thực tình mà nói từ khi hòa nhập vào cuộc sống mới ở địa phương này và nhất là khi có con thì thói quen này cũng không được duy trì, bởi khi đến nhà nào cũng vậy nên chúng cũng khó mà hình thành được thói quen này cho riêng mình.

Tuy nhiên, câu chuyện của chị gái tôi mà tôi cũng phải trăn trở. Lẽ nào đây là thói quen tốt sao mình lại không duy trì thường xuyên? “Ăn có mời, làm có khiến”, “đất có lề, quê có thói”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… vẫn là nét văn hóa rất đáng trân trọng của người Việt ta từ xưa tới nay. Dù Bắc, Trung, Nam hay địa phương nào đi nữa thì thói quen lễ phép này cũng cần phải duy trì, nhất là giáo dục từ nhỏ cho thế hệ trẻ. Không nên vì lý do nào đó vì vùng miền để biện hộ cho thói quen này. Gieo thói quen hay, gặt tính cách tốt là vậy.

Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)