Thứ ba, 21/2/2017, 21h35

Lối đi nào cho ca khúc thiếu nhi?

Chuyện thiếu nhi hát nhạc người lớn không còn là điều quá ngạc nhiên. Nhiều gamshow, chương trình thực tế dành cho các em hiện nay còn xem đây là điều hết sức bình thường.

Cậu bé 4 tuổi được mệnh danh là “Thần đồng bolero” khi hát Chuyện tình không suy tư và Duyên phận trong Biệt tài tí hon. Ảnh: Đ.Quân

Bức tranh ảm đạm

Mới đây, hình ảnh cậu bé Dương Công Tuyển xuất hiện trong chương trình Biệt tài tí hon với bài hát Ông bà anh làm khán giả thích thú. Vẻ hồn nhiên, đáng yêu của em thu hút khán giả cũng là điều dễ hiểu nhưng việc một đứa trẻ 7 tuổi đã hát “Ôi tình yêu, thời nay mệt quá ai ơi/ Giận nhau không nói một lời, chỉ vì không rep inbox thôi...” khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Liệu các em có đang bị “già hóa” khi thể hiện những ca khúc có ca từ như vậy. Ở độ tuổi mới 7-10 tuổi thì liệu rằng các em có hiểu hết ý nghĩa, nội dung lời hát đó.

Đây không phải là lần đầu tiên một đứa trẻ hát ca khúc người lớn gây xôn xao trên mạng và tạo nên “cơn sốt” như vậy. Câu chuyện ép những đứa trẻ “chín sớm” vẫn chưa đi đến hồi kết, bởi thực tế hình ảnh đó xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, chương trình giải trí truyền hình. Thế mới thấy, những bài hát người lớn vẫn có một sức hút không hề nhỏ trong một sân chơi thiếu nhi. Trong nhiều chương trình khác như Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids), Người hùng tí hon..., các em nhỏ cũng “gồng mình” thể hiện nhiều ca khúc của người lớn. Không ngạc nhiên khi nhiều tiết mục này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả trong trường quay và khi được đưa lên mạng cũng tạo nên cơn sốt với lượt nghe “khủng”. Nhiều em lựa chọn những ca khúc của người lớn và nhận được sự tán thưởng của chính người lớn. Điều này có thể vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các chương trình truyền hình phiên bản “nhí” xuất hiện ngày càng dày đặc, cho thấy dòng nhạc thiếu nhi đang dần bị lãng quên và thay thế. Do đó, câu chuyện trẻ em hát nhạc người lớn lại càng chưa thể “hạ nhiệt”. Tình trạng này thật đáng được báo động và gióng lên một hồi chuông về tình hình sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay.

Đừng để các em bị “già hóa”

Hiện nay, dạo quanh các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ vừa hát, vừa lắc lư một cách thuần thục ca khúc về tình yêu, sự đau khổ khi chia tay... Đây được xem là một nỗi lo hiển hiện bởi lứa tuổi măng non đang bị ép “trưởng thành sớm”.

Nhiều năm trước, những ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Trương Quang Lục, Hàn Ngọc Bích... đi vào lòng không biết bao thế hệ. Những ca khúc với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bè bạn nhẹ nhàng mà sâu sắc ấy vẫn sống và được các em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, cũng như văn học, một thực tế đáng suy ngẫm hiện nay, đó là nền âm nhạc Việt đang thiếu những sáng tác thật sự có chất lượng cho thiếu nhi và có sức sống lâu bền như giai đoạn trước. Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục: “Hiện nay, ca khúc thiếu nhi không thiếu nhưng lại thiếu bài hay, được các em yêu mến thực thụ. Số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít. Lực lượng các nhạc sĩ trẻ được đào tạo bài bản hiện nay không mấy mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi, trong khi chính các em mới là đối tượng cần được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc”. Hiện nay, dạo quanh các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ vừa hát, vừa lắc lư một cách thuần thục ca khúc về tình yêu, sự đau khổ khi chia tay... Đây được xem là một nỗi lo hiển hiện bởi lứa tuổi măng non đang bị ép “trưởng thành sớm”.

Âm nhạc dành cho thiếu nhi vẫn nhận được sự quan tâm. Bằng chứng là chúng ta vẫn có những đợt vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi nhưng sau mỗi lần trao giải, số phận các ca khúc này cũng không biết sẽ đi về đâu. Trước thực tế đó, những người có khả năng sáng tác thực thụ đã không mấy mặn mà. Họ dành thời gian hơn cho việc sáng tác những ca khúc theo dòng nhạc thị trường, đáp ứng thị hiếu của khán giả.

“Các em thiếu nhi không có lỗi. Bởi, những người lớn đang hướng các em đến sự “già hóa” trong ca khúc và phong cách trình diễn nên dẫn đến sự xuất hiện nhiều em bé được đào tạo để chuyên biểu diễn dòng nhạc không phù hợp lứa tuổi. Âm nhạc nuôi dưỡng cảm xúc. Do đó, các em cần có sự định hướng từ người lớn để có thể phát huy năng khiếu, sở trường của mình”, nhạc sĩ Trương Quang Lục chia sẻ. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có một sự quản lý chặt chẽ các chương trình thiếu nhi để tạo ra sân chơi thực sự lành mạnh, phù hợp lứa tuổi. Để âm nhạc thực sự là cầu nối tâm hồn, giúp các em phát triển tự nhiên, cần quan tâm đến việc sáng tác các ca khúc thiếu nhi và có cách phổ biến hiệu quả chứ đừng làm “nửa vời” như hiện nay.

Yên Hà