Thứ ba, 14/2/2017, 22h43

Lối đi nào cho họa sĩ trẻ?

Khao khát tìm kiếm con đường đi cho riêng mình là mong muốn của nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam hiện nay bởi thị trường mỹ thuật trong nước chưa được tôn vinh đúng mức.

Cần có nhiều sân chơi hiệu quả cho họa sĩ trẻ

Mong chờ từ những cuộc thi

Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường mỹ thuật thật sự chuyên nghiệp. Năm 2016, lần đầu tiên có một cuộc thi mỹ thuật có giá trị giải thưởng “khủng” lên đến 2,6 tỷ đồng dành cho các họa sĩ Việt Nam có tuổi đời dưới 40. Đó là giải thưởng Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp - Vietart Today 2016 do The V Art và CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, giúp đỡ, tạo điều kiện, kích thích các họa sĩ trẻ có tài năng sáng tạo, giới thiệu tác phẩm của họ với hệ thống tiếp thị, tạo ra các nhịp cầu để phòng tranh và họa sĩ trẻ tìm thấy nhau, cố gắng tạo dựng một môi trường mỹ thuật chuyên nghiệp hơn. Nhiều họa sĩ tìm đến với những cuộc thi với hy vọng sẽ là mảnh đất màu mỡ hơn cho họ phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực mỹ thuật đương đại.

Thực tế cho thấy, đội ngũ họa sĩ trẻ Việt đầy sức sáng tạo. Không ít tác giả đã dành được những giải thưởng trong các cuộc thi mỹ thuật trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật ảm đạm hiện nay chính là rào cản để họ bức phá tài năng của mình, vươn đến những tầm cao. Họ khao khát những đứa con tinh thần của mình được trân trọng hơn ở thị trường trong nước, tìm kiếm cơ hội hòa nhập với mỹ thuật khu vực và thế giới. “Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sự phát triển. Những tác phẩm được giải thông thường sẽ nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tập tranh nước ngoài hoặc của nhà sưu tập trong nước. Nhiều họa sĩ trẻ vẫn loay hoay khi chưa tìm được hướng đi bởi mặt bằng chung của thị trường mỹ thuật trong nước, thị hiếu mỹ thuật của người dân chưa nhiều”, một họa sĩ lâu năm trong nghề chia sẻ.

Cần có “sân chơi” thoải mái hơn

Nhiều năm qua, thị trường mỹ thuật nội địa lại hầu như không có nhiều biến động. Vấn đề băn khoăn hơn nữa là nạn “chảy máu nghệ thuật” càng trở nên nhức nhối hơn. Nhiều họa sĩ đã phải ngậm ngùi trước mức giá bèo bọt được định giá theo mét vuông cho tranh của mình. Họ không chọn con đường đưa tranh vào bảo tàng mà phải bán cho các đại gia tranh (chủ yếu là người nước ngoài).

Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Phải nhìn thẳng vào sự thật là thị trường mỹ thuật trong nước chưa có. Tuy nhiên, nhiều họa sĩ trẻ năng động đã tự tìm kiếm những cơ hội cho mình ở các nước trong khu vực. Nếu họa sĩ tự vẽ và tự tìm lối ra cho tác phẩm của mình thì thường gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có sự liên kết với các phòng tranh trong và ngoài nước để giúp họ quảng bá, tiếp thị sản phẩm của mình”. 

Nhiều cơ quan đại sứ quán, lãnh sự quán các nước, nhà văn hóa nước ngoài ở Việt Nam đã dành nguồn quỹ tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật, tài trợ cho các nghệ sĩ tham gia thị trường nghệ thuật… Năm 2016, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc phối hợp cùng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) phát động tổ chức Cuộc thi Mỹ thuật dành cho họa sĩ trẻ Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Hàn Quốc, truyền thống và hiện đại”. Đại sứ quán Đan Mạch và Quỹ phát triển, trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) cũng thường xuyên tổ chức những cuộc thi tìm kiếm tài năng họa sĩ trẻ Việt Nam để tạo cơ hội và khuyến khích các nghệ sĩ trẻ phát triển những sáng tạo mới với phong cách và kỹ thuật riêng.

Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Phải nhìn thẳng vào sự thật là thị trường mỹ thuật trong nước chưa có. Tuy nhiên, nhiều họa sĩ trẻ năng động đã tự tìm kiếm những cơ hội cho mình ở các nước trong khu vực. Nếu họa sĩ tự vẽ và tự tìm lối ra cho tác phẩm của mình thì thường gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có sự liên kết với các phòng tranh trong và ngoài nước để giúp họ quảng bá, tiếp thị sản phẩm của mình”.

Họa sĩ Siu Quý từng đạt một số giải thưởng nổi bật như: Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2000-2005), giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật TP.HCM (2006)... Hiện nay, anh vẫn đang theo đuổi con đường mỹ thuật của mình và tạo nhiều điều kiện để các họa sĩ trẻ có cơ hội đưa tác phẩm của mình đến gần với thị trường.

Việc phát triển thị trường mỹ thuật trong nước gặp nhiều khó khăn, dù trong quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại ở Hà Nội và năm bảo tàng mỹ thuật ở các thành phố lớn. Chặng đường để Việt Nam có được một đội ngũ họa sĩ trẻ ngày càng chuyên nghiệp hơn, có được sân chơi thoải mái hơn để họ được tự do diễn đạt tư tưởng trong sáng tác đòi hỏi sự kiên trì, chung tay từ nhiều phía.

Bài, ảnh: Yên Hà