Thứ tư, 30/1/2013, 14h01

Lời phê và chấm điểm bài làm văn ở trường phổ thông: Thực trạng và một số đề xuất

 học sinh yêu thích môn học, giáo viên không nên chê bai trên bài làm của các em. Ảnh: A. Khôi

Những khảo sát phân tích ở hai số báo trước chưa thể phản ánh một cách chính xác thực trạng của vấn đề đánh giá kết quả bài làm của học sinh, mà ở đây là lời phê và chấm điểm. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giáo viên do vô tình hay hữu ý, chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề.
Từ nhận thức đó, chúng tôi đưa ra một số đề xuất mang tính gợi mở với mong muốn góp phần trả lại vị thế cho môn văn như nó vốn có.
Thứ nhất, đối với giáo viên, trước hết, cần có một nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc ghi lời phê và chấm điểm bài làm văn của học sinh. Cần phải thấy rằng, giữa lời phê và điểm số phải có sự tương thích. Trong đó, ý nghĩa giáo dục trước hết là ở lời phê, điểm số chỉ là cụ thể hóa sự đánh giá kết quả bài làm của học sinh bằng con số. Việc đánh giá đúng chất lượng bài làm của học sinh có tác dụng khuyến khích, uốn nắn việc rèn luyện của các em. Ngược lại, việc đánh giá sai, thiên vị hay thành kiến sẽ làm mất niềm tin, gây tâm lý chán nản, bất bình ở học sinh. Vì thế giáo viên cần có thái độ công tâm, khách quan, điềm tĩnh khi chấm bài và viết lời phê.
Muốn có những lời phê phản ánh trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh, giáo viên  phải có sự đầu tư về thời gian và trí lực.Chấm bài văn không nên chấm theo kiểu “thủ - vĩ” nghĩa là chỉ đọc phần mở bài và kết bài để đánh giá và cho điểm. Tuyệt đối không viết lời phê, chấm điểm theo định kiến, ấn tượng đối với học sinh. Điều này dễ dẫn đến việc không thấy được sự tiến bộ của học sinh có học lực yếu, trung bình; sự chủ quan của học sinh khá giỏi. Đặc biệt, giáo viên không nên tỏ rõ sự chê bai trên bài làm học sinh. Thay vào đó là những lời nhận xét đánh giá, chỉ ra chỗ sai cụ thể. (Có thể dùng kí hiệu đã được qui ước để nhắc nhở, những kí hiệu này cũng giúp cho giáo viên dễ dàng tổng hợp những sai sót để nhận xét, đánh giá chung về bài làm của cả lớp trong một lượt làm bài). Nội dung lời phê, cách phê của giáo viên tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của các em. Kinh nghiệm cho thấy, khi đọc bài xong, giáo viên phải ghi lời nhận xét cụ thể. Nội dung lời phê phải khái quát được những ưu khuyết của bài làm thể hiện trên các phương diện: Nhận thức đề, bố cục và nội dung bài làm, hình thức bài làm (bao gồm: Diễn đạt, dùng từ, trình bày...). Từ đó, giúp các em thấy được ưu, nhược ở mỗi bài làm. Lời phê phải gẫy gọn, sáng rõ và thể hiện sự nâng niu trân trọng những kết quả của các em, dù là nhỏ nhất để động viên khích lệ các em. Không nên dùng  những lời nhận xét chung chung, ít bổ ích, chỉ mang tính xếp loại. Khi cho điểm, cần chú ý đến tương quan giữa nội dung lời phê và điểm số. Giáo viên chấm bài làm văn thực chất là đánh giá, là “đo” năng lực nhận thức và vận dụng kiến thức, kỹ năng các phân môn làm văn, đọc văn, tiếng Việt của học sinh để giải quyết vấn đề do đề bài đặt ra. Việc đánh giá này được thực hiện bằng “bộ công cụ” là đáp án và biểu điểm cho từng tiêu chí cụ thể trong đáp án mà giáo viên xây dựng trên cơ sở yêu cầu của đề bài. Tương ứng với mỗi lời phê là khoảng điểm nào? Muốn vậy giáo viên phải có đáp án chấm bài để làm cơ sở cho việc giải đáp thắc mắc cho học sinh và nhận xét bài làm. Ngoài ra, do tính đặc thù  của bài làm văn là mang dấu ấn cá nhân, thể hiện ở những cảm nhận, phân tích, lý giải, đánh giá vấn đề, nhất là với những học sinh có năng khiếu, nên giáo viên cần quan tâm đến độ mở khi xây dựng đáp án, biểu điểm chấm bài làm văn. Điều đó không chỉ đánh giá đúng năng lực mà còn kích thích sự tìm tòi, bày tỏ quan điểm cá nhân của học sinh, tạo hứng thú cho các em khi đối diện với một đề bài mới, lạ.
Thứ hai, công việc giám sát, điều hành, quản lý chuyên môn của ban giám hiệu các trường phổ thông là rất quan trọng. Sẽ rất khó, nếu chỉ dựa vào ý thức, trách nhiệm của giáo viên để làm được những điều trên. (Người giáo viên không chỉ có “một cõi đi về”. Có vô số điều tác động đến họ, trong đó có thói quen và tâm lý số đông). Ban chuyên môn của các sở GD-ĐT, bên cạnh việc quan tâm đến công tác giảng dạy, cần quan tâm đến đánh giá kết quả đầu ra mà cụ thể là bài kiểm tra... phải xem việc đánh giá bài kiểm tra và lời phê của giáo viên là một yêu cầu nằm trong chất lượng dạy học của giáo viên, một tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại giáo viên. 
Thứ ba, công việc chấm bài làm văn đang trở thành một áp lực đối với giáo viên, nhất là những giáo viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm sư phạm. Để giảm tải áp lực cho giáo viên văn, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần chú ý tới tính đặc thù của môn văn, điều chỉnh định mức giờ dạy của giáo viên môn văn, sao cho giáo viên có thời gian dành cho việc chấm bài cho các em. Theo đó, định mức tối đa đối với giáo viên dạy văn THCS và THPT chỉ nên 12 tiết/tuần... 
Là người đã gắn bó với nghề dạy học lâu năm, và ít nhiều có được thành công, tôi hiểu rằng, muốn học sinh yêu môn văn, trước hết người thầy phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức chuyên môn, những kỹ năng sư phạm và đặc biệt phải tâm huyết với nghề. Có thể những đề xuất và giải pháp mà tôi đã trình bày trên đây không mới đối với đồng nghiệp, nhưng đó là kết quả của sự phấn đấu, lòng say mê nghề nghiệp và sự tích lũy kinh nghiệm của tôi trong công việc giảng dạy môn văn, đặc biệt là trong công tác chấm điểm và viết lời phê bài văn học sinh. Nhờ đó, mỗi giờ lên lớp, tôi đều nhận được thái độ nhiệt thành, hứng khởi yêu mến từ phía học sinh. Những biện pháp được rút ra trên đây chưa phải là tất cả, và càng không phải là duy nhất, nhưng hiệu quả mang lại của nó là điều không thể phủ nhận. Khi phương pháp được vận dụng thành thục sẽ tạo được kĩ năng cho người dạy và người học. Từ đó, niềm hứng thú, say mê khám phá của học sinh sẽ được đánh thức. Khi thói quen trở thành ý thức tự giác của người học thì đến lượt mình, người thầy không thể bằng lòng với những vốn kiến thức có sẵn mà phải luôn không ngừng cập nhật tri thức và đổi mới phương pháp. Và suy đến cùng, tất cả đều ở chúng ta, phụ thuộc vào chúng ta.
ThS. Phan Thị Thanh Vân
(Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An)
* Tài liệu tham khảo
Lê A (chủ biên), Kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì môn ngữ văn lớp 10, 11, 12 (T1, T2), NXB GD, H.2008; Nguyễn Văn Cường - Benrnd Meier: Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường THPT, Berlin/Hà Nội 2010;  Nguyễn Văn Đàn, Phương pháp học và tiêu chí đánh giá, T/C GD, số 138/2006, tr.19-22; Nguyễn Trọng Hoàn (chủ biên) Lê Thị Hằng - Nguyễn Thành Kỳ - Phạm Thị Ngọc Trâm, Tài liệu tập huấn giáo viên dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông, môn ngữ văn, Vụ Giáo dục trung học. HN, 7/2010;  Nguyễn Thị Hiên, Phân môn làm văn trong chương trình, sách giáo khoa ngữ văn 10 mới và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, T/C GD, số 149/2006, tr.24-26.