Chủ nhật, 26/3/2017, 01h44

Lời ru buồn sau rặng núi (*): Đổi thay bắt đầu từ nếp nghĩ

Nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn ngày một nhiều, Tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức triển khai Dự án phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016-2019.

Chuyên viên Dự án phòng chống kết hôn trẻ em đang tuyên truyền, vận động ở xã Đakrông

Nhà trường đồng hành chống tảo hôn

Gần 2 tuần nay, lớp 9A3, Trường THCS Đakrông (xã Đakrông) khuyết một chỗ ngồi. Cô giáo Lê Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp trầm buồn: “Mình đã đến nhà vận động phụ huynh cho con trở lại trường ba lần rồi nhưng vẫn chưa thành công. Chiều nay sau giờ dạy, mình sẽ đến nhà em ấy lần nữa, hi vọng sẽ đổi thay được điều gì”. Trong khi chờ đợi sự trở lại mong manh đó, chỗ ngồi vẫn để trống. Những đôi mắt buồn thi thoảng hướng về chỗ khuyết trong giờ học môn sinh học khi nghe thầy giáo giảng lồng ghép về hệ lụy tảo hôn. Bên hành lang sau giờ học, các bạn học sinh không giấu nỗi nhớ bạn vừa vắng lớp, kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn như dư âm một bài học cần nhớ. Em Hồ Thị Lịch, học sinh lớp 9A3 - một trong hai đoàn viên duy nhất của lớp kể: “Năm trước, một người bạn em cũng bỏ học đi lấy chồng. Năm nay gặp lại, bạn ấy kể lấy chồng khổ lắm. Suốt ngày phải lên nương rẫy. Giá mà được quay lại bạn ấy sẽ đi học. Mấy hôm nay lớp lại vắng thêm bạn nữa, tụi em nhớ bạn lắm, mong bạn ấy sớm trở lại trường. Tụi em tự hứa với nhau cố gắng học để có tương lai. Em cũng ước mơ sau này trở thành cô giáo”. Thầy giáo Võ Đình Trung, Tổng phụ trách Đội của trường cho biết, hơn một học kỳ qua, các tiết học GDCD, kỹ năng sống, văn học, sinh học, giờ sinh hoạt, chào cờ... luôn được các thầy cô giáo lồng ghép vào kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và nhận thức về hệ lụy của tảo hôn. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức đội nòng cốt đã qua các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản, quyền trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình phối hợp với chính quyền xã, thôn để đến từng nhà học sinh nắm tình hình, vận động, tuyên truyền.

Cùng với nhà trường, chính quyền xã, cùng với đội ngũ cộng tác viên xuống tận từng thôn, bản để tuyên truyền cho phụ huynh biết về tảo hôn, sức khỏe sinh sản và quyền trẻ em. Chị Hồ Thị Mai, cộng tác viên dự án cho biết: “Từ ngày tham gia Dự án phòng chống kết hôn trẻ em, tranh thủ được giờ nào tôi đều đến từng nhà có con em trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền trẻ em, pháp luật, hệ lụy của tảo hôn để cho bà con nắm rõ. Đối với các em trong độ tuổi thì phải có phương pháp tuyên truyền mềm dẻo, khuyên răn các cháu chăm lo học hành, thậm chí hướng dẫn cả cách sử dụng bao cao su để tránh trường hợp trẻ em gái vị thành niên mang thai. Mình tuyên truyền mỗi ngày một ít, lặp lại nhiều lần để bà con và các cháu dễ hiểu”.

Cần nhiều hơn một vòng tay

Ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở các địa bàn miền núi khó khăn như Đakrông, Hướng Hóa là một câu chuyện dài và cần sự chung tay của các ban ngành, chính quyền, nhà trường để kết nối thành một vòng tay đủ rộng. Thậm chí cần có những chế tài phù hợp. Thầy Trương Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Đakrông nhìn nhận: “Trách nhiệm của nhà trường là tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh. Nhưng để ngăn chặn tình trạng hôn nhân trẻ em, cần có sự vào cuộc chung tay của chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ huyện, đến xã, xuống từng thôn, bản mới đem đến được kết quả khả quan”.

Về vấn đề này ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2019 đã được khởi động và triển khai trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, sau hơn 3 tháng thực hiện đã có nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực như: Hỗ trợ thiết lập, kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em các cấp, kết nối với các tổ chức địa phương liên quan; tổ chức giao ban nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương để có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống kết hôn sớm ở trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em và pháp luật liên quan đến kết hôn sớm; tâm lý tuổi vị thành niên và kỹ năng làm việc với trẻ vị thành niên; truyền thông cho trẻ em về sức khỏe sinh sản vị thành niên và hậu quả kết hôn sớm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng. “Từ thực trạng kết hôn trẻ em tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông thời gian qua, thấy rằng công tác phòng chống kết hôn trẻ em đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành. Bên cạnh việc nên tổ chức điều tra độc lập, thống nhất về tình trạng kết hôn sớm, đổi mới các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm; tăng cường sự cộng tác giữa nhà trường và cộng đồng... thì vấn đề quan trọng đó là vấn đề thực hiện các quy ước chung dành cho cộng đồng thôn, bản tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số căn cứ trên quy định của pháp luật”, ông Thảng nhìn nhận. 

(*) Xem từ số ra ngày 24-3-2017
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên