Thứ tư, 17/1/2018, 09h38

Lời sau cùng tại tòa, ông Đinh La Thăng nói còn nhiều món nợ

Ông Đinh La Thăng nói không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước tòa, đây thực sự là sự đau xót của bị cáo và gia đình. Ông Thăng cũng nói còn những món nợ với nhiều người.

Lời sau cùng tại tòa, ông Đinh La Thăng nói còn nhiều món nợ - Ảnh 1.

Các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sẽ nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án

Sáng 17-1, ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xét xử vụ tham ô, cố ý làm trái của các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), hội đồng xét xử để các bị cáo được nói lời nói sau cùng trước khi vào nghị án.

Bị cáo còn nhiều món nợ 

"Trước tiên cho phép bị cáo cảm ơn chủ tọa, hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa đổi mới, dân chủ, công khai, khách quan theo hướng cải cách tư pháp và luật mới. Cảm ơn luật sư với tinh thần hiểu biết pháp luật sâu sắc thể hiện trách nhiệm cao khi bào chữa cho bị cáo" - ông Đinh La Thăng nói khi là người đầu tiên được hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng trước tòa.

Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình sai, gửi lời xin lỗi đến nhiều người.

"Cách đây đúng 35 năm khi tốt nghiệp trường đại học, bị cáo cùng bạn gái bây giờ là vợ lên công trường xây dựng sông Đà, mang theo tuổi trẻ với khát vọng chinh phục sông Đà.

Với tất cả mục tiêu, sau 30 năm công tác, trong đó 33 năm đứng trong đội ngũ Đảng cộng sản VN, bị cáo luôn luôn cố gắng hoàn thiện mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Hôm nay bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước phiên tòa, đây thực sự là sự đau xót của bị cáo và gia đình.

Bị cáo bị cáo luôn quyết liệt, dám nghĩ dám làm và chịu trách nhiệm. Bị cáo luôn làm việc không có ngày nghỉ lễ, nghỉ tết. Câu hỏi là Tết này anh đi công trường nào?

Kể cả khi vợ bị cáo sinh 2 con gái, mà bị cáo cũng không ở nhà. Nhưng vợ của cấp dưới đẻ thì bị cáo đi thăm.

Vào năm 2010, vợ anh Giang ở nhà máy lọc dầu Dung Quất xin nghỉ để vợ sinh, bị cáo nói cố làm rồi thăm vợ sau. Sau đó, bị cáo vào TP.HCM thăm vợ anh Giang.

Thưa HĐXX, nhờ Đảng giáo dục rèn luyện, bị cáo luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của mình. Tuy nhiên ở PVN, do bị cáo quyết liệt nên xảy ra sai phạm.

Ở ngành giao thông, 5 năm giữ cương vị người đứng đầu, bị cáo còn nợ đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc để sáng uống cà phê Hà Nội, tối cà phê TP.HCM

Ở TP.HCM, bị cáo còn nợ người dân lời hứa đưa TP trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông. Bị cáo nợ thành phố 1 khát vọng bình an, không cướp giật. Nợ khát vọng đưa Củ Chi thành trung tâm hành chính mới.

Nợ các cháu học sinh một chương trình không bị quá tải

Nợ một cháu bé, đã hứa đến thăm cháu và gia đình, mà không đến thăm được.

Bị cáo còn nhiều món nợ chưa thực hiện được.

Hôm nay đứng trước tòa nói lời sau cùng và đối diện với án phạt, bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, các thế hệ lao động dầu khí, xin lỗi ngành giao thông, xin lỗi nhân dân TP.HCM.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, xử lý để hướng đến tương lai, việc xử lý tốt để người ta khắc phục, để người ta tiến bộ trưởng thành, tự nhận ra khuyết điểm. Đây cũng chính là tư tưởng của Đảng, và thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.

Cố ý làm trái khi chỉ định thầu cho PVC

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (trước đó là hội đồng quản trị) của PVN bị VKS xác định là bị cáo đầu vụ, có vai trò chính đối với những sai phạm xảy ra tại PVN.

VKS cáo buộc ông Thăng là người chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dù nhà thầu không đủ năng lực; ép ký hợp đồng xây dựng trong khi PVC chưa đạt yêu cầu; chỉ đạo tạm ứng tiền cho nhà thầu để nhà thầu sử dụng sai mục đích…

Trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, ông Đinh La Thăng đã cố gắng trình bày thật tỉ mỉ về vai trò của mình tại PVN trong việc chỉ định PVC  làm nhà thầu xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ông Thăng cũng chứng minh mình luôn luôn tuân thủ quy định của pháp luật, làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình được giao theo đúng quy định về quyền hạn của Chủ tịch HĐTV của tập đoàn.

Tuy nhiên, đại diện VKS trong 1 lần luận tội, 2 lần đối đáp tại phiên tòa thì đều cho rằng ông Thăng cùng những bị cáo khác nguyên là lãnh đạo của PVN quanh co chối tội, trong khi các bị cáo cấp dưới thì luôn thành khẩn khai báo và nhận  tội.

Do đó, VKS đề nghị mức án của ông Thăng nặng nhất trong số những bị cáo bị xét xử về tội Cố ý làm trái" với mức án tới 14-15 năm tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC - bị truy tố 2 tội tham ô và cố ý làm trái. 

Kết luận điều tra cũng khẳng định bị cáo Thanh sau khi gây án đã bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan điều tra. 

Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không có vai trò chỉ đạo đối với việc sử dụng toàn bộ số tiền tạm ứng 1.115 tỉ đồng sai mục đích nhưng Thanh chịu trách nhiệm của người đứng đầu tại PVC.

Đối với tội Tham ô tài sản, dù có lời khai của các bị cáo và nhân chứng khác cùng các chứng cứ vật chất được đưa ra tại phiên tòa nhưng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận những gì mà cáo trạng cáo buộc.

Ở tội danh này, ông Thanh cho rằng mình có chứng cứ ngoại phạm và nghi ngờ lời khai của các nhân chứng khác. Các luật sư bào chữa cho ông Thanh đã đưa ra những mâu thuẫn trong lời khai  của các nhân chứng, và khẳng định ông Thanh không phạm tội tham ô.

Tuy nhiên, đến lần đối đáp thứ 2 VKS đã không đối đáp với những quan điểm đánh giá về chứng cứ của các luật sư mà khẳng định bằng chứng đã đủ để kết tội ông Thanh và HĐXX sẽ xem xét và đánh giá.

Lời sau cùng tại tòa, ông Đinh La Thăng nói còn nhiều món nợ - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa

Phiên tòa cải cách tư pháp

Với mong muốn phiên xử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn, mọi công tác chuẩn bị cho phiên tòa này là theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới: Các luật sư, đại diện các nguyên đơn dân sự, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, các giám định viên và các điều tra viên Bộ Công an đã tham gia điều tra vụ án, đều phải có mặt đầy đủ trong những ngày diễn ra phiên tòa.

Thông tin từ tòa án cho biết, việc triệu tập như vậy là để đảm bảo phiên tòa công tâm, khách quan, bất kể khi nào luật sư, VKS hay HĐXX cần thẩm vấn, làm rõ nội dung nào, những người liên quan đều sẵn sàng có mặt để cung cấp câu trả lời.

Trong phiên tòa này, các giám định viên, nhân chứng nhiều lần phải trả lời các câu hỏi của luật sư để làm rõ các hành vi vi phạm của các bị cáo. 

Đó là 2 nhân viên văn phòng tham gia lập quỹ trái phép để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm rút tiền ra chi tiêu cá nhân; là các lái xe thực hiện việc giao số tiền được cho là tham ô cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Các giám định viên tham gia giám định thiệt hại của vụ án cũng nhiều lần phải trả lời các câu hỏi của luật sư về phương pháp, cách thức giám định cũng như cách tính thiệt hại để ra được con số 119 tỉ đồng. 

Điều tra viên của Bộ Công an tham gia điều tra vụ án cũng có mặt tại tòa để trả lời về quy trình tố tụng trong giai đoạn điều tra.

Dành nhiều thời gian cho tranh luận

Đến hôm nay 17-1, phiên tòa đã đi được 90% chặng đường, chỉ còn chờ HĐXX tuyên án. Một phiên tòa có 2 tội danh, mỗi tội danh liên quan đến hàng chục bị cáo, nhưng đã có thể kết thúc sớm là bởi HĐXX đã làm việc nghiệm túc từ 8h sáng đến sau 18h tối mỗi ngày.

Tuy đẩy nhanh tiến độ nhưng tất cả các vấn đề luật sư muốn xét hỏi, thẩm vấn, làm rõ… đều được HĐXX tạo điều kiện. Ngay cả việc bào chữa cho các bị cáo, các luật sư cũng được dành thời gian thoải mái để trình bày, phân tích và cung cấp các tài liệu bằng chứng…

Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới, các luật sư được quyền thu thập bằng chứng và cung cấp các bằng chứng tại phiên tòa để bảo vệ cho thân chủ của mình.

HOÀNG ĐIỆP - THÂN HOÀNG/TTO