Thứ tư, 4/8/2010, 14h08

Lời tỏ tình có cánh

Ngày 3-11-2009, thế giới được nghe một công bố khoa học khá vui: 60% phụ nữ trên trái đất bị phải lòng bởi giọng nói thu hút của đàn ông. Có sức quyến rũ nhất là người Ireland, thứ hai là Ý, Scotland thứ 3, Pháp 4. Úc 5…
Nhưng 200 năm trước ở Việt Nam, có nhà thơ đã nói lên điều ấy: Lặng nghe lời nói như ru/ Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng… Không hiểu Kim Trọng đã nói như thế nào mà cụ Nguyễn bảo như ru khiến cho Thúy Kiều xiêu lòng và ngại ngùng! Chỉ biết lời nói của chàng chứa đựng hai nội dung chủ yếu: tội nghiệp và thiết tha.
Kim Trọng miêu tả nỗi mong đợi, Thúy Kiều nghe thật thảm. Chàng nói: từ ngày gặp nhau nơi mả Đạm Tiên, Kim chỉ biết thầm trông, trộm nhớ. Nỗi mong nhớ ấy không một ai biết đến, đến mức mệt mỏi, chán ngán (đã chồn). Nàng đã biết thân xác tôi hao gầy chỉ còn nắm xương, gầy mòn dáng vóc giống như cành mai (xương mai tính đã rũ mòn). Hàng tháng trời sống trong mong đợi, mơ ước, mà nàng vắng bóng. Tôi cứ tưởng sự ước mơ ấy chỉ còn biết gửi vào cung trăng (cung mây). Tôi giống như chàng Vi Sinh Cao ngày xưa hẹn với người yêu ở cột cây cầu nọ, mãi mà nàng không đến. Nước thủy triều cứ lên dần. Nhưng Vi Sinh Cao quyết giữ lời đã hẹn, ôm lấy cột cầu chàng chết vì nước đã ngập cầu (trần trần một phận ấp cây đã liều). Thôi thì tôi chỉ xin nàng một hai điều, đài gương soi đến dấu bèo cho chăng? (Nàng như một đài gương, đài gương ấy có soi đến thân phận nhỏ mọn (dấu bèo) của tôi chăng?).
Trước những lời chân thực, vừa nhún nhường vừa cầu mong của Kim, Kiều không thể không cất tiếng nói: Ngần ngừ nàng mới thưa rằng/ Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong/ Dầu khi lá thắm chỉ hồng/ Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha/ Nặng lòng xót liễu vì hoa/ Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa.
Nếu lời tỏ tình của chàng Kim như tiếng ru thì Thúy Kiều trả lời nhẹ nhàng đằm thắm. Lời của cô gái nết na, hiền thục con nhà gia giáo. Không phải nghe xong lời của Kim, Kiều đã vội vàng trả lời mà nàng ngần ngừ (một chút đắn đo, e ngại) rồi mới thưa rằng: gia đình (Kiều) đã có nếp sống trong sạch (thói nhà - băng tuyết). Thiếp chỉ là cô gái quê mùa, mộc mạc (chỉ ăn rau phỉ, rau phong, ý nói gia đình nghèo, đạm bạc. Một cách nói nhún mình). Tuy gia đình như vậy nhưng vẫn trọng sự trong sạch. Dẫu chúng ta có yêu nhau, nhưng thành bại đều do quyền cha mẹ quyết định. Thiếp còn trẻ thơ, biết đâu mà dám thưa. Lời nói của Thúy Kiều như một lời từ chối nhưng chính Kiều đã mách nước cho chàng Kim. Thiếp có thể yêu chàng nhưng chàng hãy đến với mẹ cha!
Kim Trọng liền đón lấy ý Kiều. Chàng như câu ca nọ: Chim khôn chưa bắn đã bay/ Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời. Kim liền hứa rồi sẽ liệu bài mối manh, nhưng mấy câu Kim tiếp lời Thúy Kiều ở đây, quả Kim Trọng thông minh tính trời. Nhưng trước khi lo chuyện mối manh ấy, xin được nghe ý của nàng. Bởi cuộc đời rày gió mai mưa (hôm nay thì gió, ngày mai trời mưa, khó khăn nhiều lắm, khó biết trước được). Bây giờ may mắn gặp nhau đây, xin nàng có đôi lời. Nhưng Kim lại rào đón trước: nàng đừng từ chối, bởi thiệt đây mà có ích gì đến ai. Cũng không để Kiều nói, Kim liền tỏ rõ quyết tâm: nếu trời không cho ta nên duyên thì Kim bỏ quá xuân xanh một đời; nếu mẹ cha có ý hẹp hòi, không bằng lòng, tôi chỉ tiếc cái công theo đuổi bấy nay.
Thúy Kiều nể lòng chàng Kim, Kiều thề thốt: Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời, vâng tạc đá vàng thủy chung!
Tại sao ở trên Kiều nói nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha, ngay liền sau đấy Kiều đã thề gắn bó đá vàng? Nguyễn Du không cho tính cách nhân vật thay đổi đột ngột. Nguyễn Du đã chuẩn bị từ trước. Không nói cái đêm sau khi gặp Kim Trọng lòng Kiều đã xốn xang, đã canh cánh một câu hỏi: Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không, mà ngay trong đoạn Kim ngỏ lời này, Nguyễn Du đã chuẩn bị mấy chi tiết. Khi mới gặp nhau, chàng Kim thì nhìn rõ mặt, Kiều chỉ e thẹn cúi đầu. Giả dụ, lúc ấy Thúy Kiều xấu hổ bỏ chạy vào nhà thì sự việc trắc trở biết bao. Rồi khi Kim nói với nàng thì nàng lại lặng nghe (lặng nghe lời nói như ru), Kiều đã để chàng Kim ru mình vào giấc mơ tình ái!
Cái buổi gặp gỡ dưới vườn đào này cùng với việc qua lại tâm sự, thề thốt, Kiều đã làm việc mà 200 năm trước, thời cụ Nguyễn đang sống, khó có được. Nguyễn Du đã đặt tiên đề cho việc tự do yêu đương!n
Lê Xuân Lít