Thứ ba, 28/6/2011, 10h06

Lời tự thú sởn gai ốc của nữ game thủ

“Một ngày cháu ngồi net 20 tiếng. Không ngủ, không ăn, chỉ uống nước trà đá. Một tuần liền cháu không tắm, không thay quần áo".
Đó là lời kể của cô bé Hoàng Thị Tuyết, 16 tuổi với bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Theo Tuyết, trước mắt em lúc nào cũng thấy hiện lên hình ảnh nhảy múa của Au (trò game Audition). 
Khi mới vào viện, Tuyết như một đứa trẻ lên 10 vì em gầy đến độ nhìn phát hãi. Cơ thể thiếu nữ chỉ còn da bọc xương, đôi mắt lờ đờ vì ngồi máy tính nhiều. Phải khó khăn lắm cha mẹ Tuyết mới đưa được em vào bệnh viện để điều trị. Và những ngày đầu tiên nhập viện là những ngày khốn khổ của các bác sĩ, y tá nơi đây bởi Tuyết thường xuyên la hét, đập phá vào ban đêm, đòi được ra ngoài để “cày game”. 
Ăn ngủ ở quán game là chuyện bình thường của các game thủ.
 “Nữ nhi gõ phím... bình thiên hạ” 
Cô bé Hoàng Thị Tuyết, nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội. Tuyết bắt đầu nghiện game từ năm học lớp 8. Ban đầu, mỗi tuần em đều đặn ra hàng nét một ngày duy nhất vào thứ bảy, nhưng đến vài tháng sau thì ngày nào mà không ra hàng net là em bứt rứt tay chân. Đến độ Tuyết bỏ học triền miên để cắm đầu vào net thì bố mẹ cô lo lắng thật sự.
Nhiều khi Tuyết "vật" đến nỗi dù đang nằm trên giường, bị bố mẹ ngồi ngay cửa phòng canh giữ nhưng đôi tay Tuyết vẫn bấm phím liên tục lên không trung, tưởng tượng ra trước mặt mình các bước nhảy quay cuồng.
Đỉnh điểm của cơn "vật" nét là một tuần liền, Tuyết “ngồi đồng” ở quán ruột, không ăn cơm, chỉ uống trà đá, đến nỗi chủ quán cũng phát khiếp vì "nhỡ mà nó lăn đùng ra chết thì phiền to". Không ai khác, chính là ông chủ quán phải đến tận nhà tìm bố mẹ cô để mách. 
Khi bố mẹ cô tới nơi thì hoảng hồn chứng kiến cảnh con gái nằm gục trên bàn phím để... ngủ, còn ông chủ quán net thì lạnh lùng thông báo số tiền Tuyết phải trả lên tới hơn 500 nghìn đồng. Ngủ lăn lóc thế nhưng khi bố mẹ bắt về nhà, Tuyết chống đối quyết liệt, cô lao vào cắn mẹ đến toạc cả tay.
Hôm bị bắt đi cai nghiện game ở Bệnh viện Tâm thần, bố mẹ cô cũng phải nhờ tới hai thanh niên to khỏe kẹp cứng hai bên trên ôtô. Đến được bệnh viện, hai "vệ sĩ" này mệt mỏi phàn nàn: "Nhìn nó gầy như xác ve thế mà đánh đu bọn em cũng phát mệt".
Dân nghiện net có câu: "Làm trai gõ phím bình thiên hạ. Chí anh hùng di chuột định giang san", Tuyết chẳng phải nam nhi và không biết có "bình thiên hạ" được không nhưng cô có khả năng làm gia đình phải khổ sở, lo lắng vì những biểu hiện rối loạn tâm thần của mình.
Đêm xuống mới thực sự là cơn "vật" game cắn xé. Tuyết gào khóc, đi lại trong phòng khiến các bệnh nhân khác phát cáu. Cô bé cũng ra sức chống đối, không chịu ăn, không chịu uống thuốc và nhìn bác sĩ với đôi mắt căm hờn.
Nhưng mà nghiện game không chỉ có giới trẻ. Mỗi lần nhà mạng rục rịch cho ra trò chơi mới là một lần các game thủ sốt sình sịch. Một số dân công sở thì ăn cắp giờ nhà nước, học sinh, sinh viên thì bỏ học đi chơi, thậm chí các bà nội trợ ở nhà trong lúc chờ đợi cơm sôi cũng lao vào mạng bắn nhau bùm bùm. Phải nói là game có sức hấp dẫn kinh khủng. Một nghiên cứu ở nước ngoài cho rằng, nếu chơi game 38 tiếng một tuần tức là nghiện.
Nếu đem tiêu chí ấy áp đặt ở Việt Nam thì e rằng, có rất nhiều kẻ nghiện game đang sống xung quanh chúng ta. Bởi nếu cứ lướt qua những phố nét như khu vực Bách Khoa, Khương Thượng, Trần Đại Nghĩa... thì có thể dễ dàng bắt gặp các game thủ mắt dán vào màn hình, tay nhoay nhoáy di chuột, bên cạnh là cốc trà đá, điếu thuốc lá cháy dở, và thời gian mà họ có mặt ở quán net, người ít nhất cũng dăm ba tiếng một ngày. Tệ nạn cũng từ đó mà ra, nào cứu nét, nào ăn cướp, ăn trộm, thậm chí giết người để có tiền cày game.
Một số nhà mạng thời gian gần đây phải đóng cửa vì chỉ thị mới, nhiều game thủ chuyển sang chơi các mạng nước ngoài, nhưng cuốn hút nhất vẫn là Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, Kiếm tiên... Một game thủ 4 năm nay trung thành với Võ lâm truyền kỳ, nhà ở Mỹ Đình, cách đây hơn tháng cũng phải nhập viện để cai nghiện. Cô bé này vốn là học sinh trường chuyên, nhưng từ khi làm quen với game, cô nàng bê trễ học hành và khi kiến thức bị hổng, cô khoác luôn ba lô “xuống núi”, quyết định lên đường "bình thiên hạ" trong thế giới ảo của mình.
Mẹ cô nước mắt ngắn dài than thở với bác sĩ: "Trước đây em cho cháu tiền ăn sáng cả tháng, nhưng có biết đâu nó nướng hết vào game. Tiền học thêm, tiền mua quần áo nó cũng cho ra hàng net hết. Trước cháu học giỏi lắm, nhưng giờ thì nó không màng đến sách vở. Không cho nó ra ngoài chơi, nó đóng kín cửa phòng, không ăn, không trò chuyện với ai. Đêm xuống nó ôm gối chui vào gầm giường ngủ, bảo là ngủ trên lưng ngựa đau lắm".
Để trò chuyện được với cô bé này, bác sĩ Hùng phải mất vài ngày cho công tác "làm quen". Chủ đề gì cô cũng không bắt lời, nhưng nếu chỉ cần động chạm một tí đến game, tức thì cô mở máy như súng liên thanh. Có lần lên cơn "vật", cô nàng thỏ thẻ với bác sĩ Hùng: "Cháu đã từng giết không biết bao nhiêu "mạng" trong thiên hạ, bác mà không cho cháu ra ngoài chơi game là cháu giết một số người đấy".
Một cô bé khác tên Hương, sau khi được chữa trị ở bệnh viện đã thú nhận với bác sĩ Hùng: "Cả mùa bóng năm ngoái, cháu tắm đúng... 2 lần, còn mùa đông rét như thế này thì 3 tháng không tắm là chuyện bình thường. Ngồi cày game, chỉ cần chai trà xanh không độ, gặm bánh mỳ, sang hơn nữa thì bảo chủ quán làm hộ bát mỳ tôm". Có cô bé thì thú nhận: "Cháu đã từng đặt xe của bạn lấy tiền chơi game, còn mở tủ lấy trộm tiền của bố mẹ thì nhiều lần không đếm được". 
“Anh hùng di chuột định giang sơn”
Từ cuộc sống ảo tới cuộc sống thực tế ngoài đời, đối với những người nghiện game chỉ là ranh giới vô cùng mong manh. Trên đường phố hay trong trường học, và bây giờ là trong bệnh viện, chúng ta có thể bắt gặp những hình nhân gầy như que củi, mắt đeo kính dày như đít chai, mặt mũi ngu ngơ, lúc nào cũng ảo giác mình chém giết được "vô số thằng", thế là một hôm nào đấy, vô tình va chạm giao thông ngoài đường, nhìn đối thủ thấy giống bọn ác thú trong game, ngay lập tức cầm dao xông vào đâm chém. Việc lấy mạng trong game mới dễ dàng làm sao, máu chảy xối xả vẫn cười hơ hơ, và chiến tích để kể cho bạn bè là hôm nay tao giết được bao nhiêu mạng.
Đã có nhiều vụ đột tử do chơi game quá lâu, vụ mới nhất là một người nước ngoài đã tử vong khi liên tục chơi game 27 tiếng trong một quán net ở Trung Yên.
Khi nhân viên quán net phát hiện, đã thấy người này cứng đờ trên ghế. Cái chết vì di chuột trên bàn phím kiểu này xem ra lãng xẹt và mới thấy ai oán cho những thân phận game thủ. 
Khi bác sĩ Hùng đưa trường hợp của người thanh niên chết trên bàn phím này để dọa các bệnh nhân, không ngờ, ông nhận được một câu rất kẻ cả của một cậu nhóc chưa đủ 18 tuổi: "Trình còi, mới 27 tiếng đã chết. Bọn cháu thức liền 3 ngày không phải nghĩ. Còn ngồi cả tuần, vừa ăn vừa cày, ngủ luôn trên ghế là bình thường. Kỷ lục của cháu bác có tin không, 37 ngày cày game, ăn thì nhờ nhân viên quán mua về, ngủ thì gục trên bàn phím. Không tắm, không gội đầu, không cả đánh răng luôn. Khi mẹ cháu "nhổ" được cháu ra, phải trả cho chủ quán gần 5 triệu đồng. Từ hồi cháu vào đây thì không biết bọn bạn cháu ra sao, nhưng cháu biết có thằng đang đòi phá kỷ lục đấy".
Mới đây, một bà mẹ đến tìm bác sĩ Hùng để xin ông chữa bệnh cho thằng con trai nghiện game của bà. Có lần nó bỏ nhà đi cả tháng mới về, quần áo hôi mù, đầu tóc bê bết. Không biết nó chơi trò gì nhưng cứ rình lúc mẹ làm bếp là sà vào tuốt ngay con dao trên giá múa may, dọa mẹ. Có lần, bà lạnh hết xương sống khi nó cứ kề dao vào sát cổ bà, hét lên những tiếng kinh hoàng: "Con tiện tỳ kia, ta sẽ giết ngươi...".
Lại có lúc nó trầm ngâm đứng bên cửa sổ cả mấy tiếng đồng hồ nhìn xuống lòng đường đông đúc. Bà đứng theo dõi và run lẩy bẩy khi hình dung đến cảnh nó nhảy phốc xuống đường, bẹp dúm trước dòng xe ồn ào đang lao vun vút.
Gần đây nhất thì nó bắc ghế ngồi ở góc nhà, cả ngày nhìn vào một chỗ không chớp mắt, miệng lảm nhảm những câu gì không rõ. Bố mẹ nịnh ra ăn, nó chắp tay xin lỗi rất cẩn thận và móc túi đưa 2 nghìn lẻ cho mẹ: "Biếu cô nương, mong cô nương hãy bảo trọng". Đến lúc ấy thì bà mẹ không thể không khóc, game đã hành hạ con bà ra nông nỗi này, nó cao to đẹp trai là thế mà bây giờ ngây ngây dại dại không khác gì đứa dở hơi.
Chưa hết, cứ bước chân ra đường là nó xin lỗi mọi người, gặp ai cũng xin lỗi. Hôm trước, nó kiếm đâu được 10 nghìn đồng, mang ra cho cô bán xôi, cô này rớt nước mắt khi nghe nó bảo: "Cháu xin lỗi cô, mong cô tha thứ cho cháu...". Cô hàng xôi gặp mẹ nó, miệng méo xệch: "Chị ơi, thằng cu nhà mình dở hơi rồi chị ạ...".
Kiểu rối loạn tâm thần thế này, bác sĩ Hùng bảo, ông nghi thằng con trai của bà không những nghiện game mà còn nghiện cả ma túy. Ông khuyên bà nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp khám. Nhưng cách đây vài hôm, bà mẹ gọi điện thoại cho bác sĩ Hùng khóc lóc than vãn: "Bác sĩ ơi, thằng con trai tôi đi ăn trộm ở đâu bị người ta đánh cho thâm tím mặt mũi, tôi chưa kịp đưa nó đi viện thì nó lại bỏ nhà đi bụi rồi. Bác sĩ khuyên tôi phải làm sao bây giờ...".
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo, những rối loạn cảm xúc, hành vi của những người nghiện game, nghiện ma túy cần phải được gia đình quan tâm, cho đi chữa trị kịp thời. Nhiều thanh thiếu niên khi vào cai game cho biết, họ đều sống trong những ngôi nhà sang trọng, bố mẹ nhiều tiền nhưng ít có thời gian quan tâm tới con cái.
Cuộc sống ảo hấp dẫn hơn khi các cậu ấm, cô chiêu được toàn quyền định đoạt số phận của mình, thích làm gì, thích nói gì tùy ý, chứ không phải chịu sự sắp đặt của bố mẹ, từ việc học trường gì, đi xe gì, ăn gì, ngủ ở đâu... Thậm chí có người còn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, kiểu "chết như trong phim" nên một ngày đẹp trời nào đó, sẵn sàng "chết thử" xem thế nào. Một thống kê mới nhất cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người chơi game. Không hiểu trong số ấy, có bao nhiêu game thủ đã thành con nghiện?
Theo Công an nhân dân