Thứ hai, 7/1/2013, 14h01

Lớp học của “Đội bảo vệ Kim Đồng”

Chị Hà cùng với những học sinh của “Đội bảo vệ Kim Đồng”

Căn phòng chỉ là ki ốt của bảo vệ khu phố, rộng chừng 6m2, bàn ghế tạm bợ chiếc cao chiếc thấp độ chục cái, thế nhưng hàng tuần, nhiều đứa trẻ nghèo vẫn đến nghe “cô giáo” hiện đang là cán sự khu phố giảng dạy. Đó là những tiết học của “Đội bảo vệ Kim Đồng” KP.6, P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM.
Từ học kiến thức
Đều đặn 3 buổi trong tuần, từ 7-9 giờ tối, những đứa trẻ KP.6 lại tập trung về căn phòng chật hẹp này để học tập, sinh hoạt. Bài học chỉ là các phép toán đơn giản; từ, câu tiếng Anh giao tiếp hàng ngày hay những luật lệ khi tham gia giao thông; 5 điều Bác Hồ dạy… Song hôm nào lớp học cũng đông đúc, đầy hứng khởi.
Bài học hôm ấy tôi được học cùng các em về Luật An toàn giao thông đường bộ. Theo đó đám học trò được tìm hiểu quy tắc bảng hiệu, quy tắc sang đường đến những kinh nghiệm sang đường khi có vật che khuất… Tiến Đạt (14 tuổi) cho biết: “Ngày nào cũng đi trên đường nhưng con không để ý đến những bảng hiệu, thậm chí con cũng không nắm chính xác ý nghĩa các ký hiệu trên biển báo.  Được “má Hà” (cô Lê Thị Hà - thành viên Tổ cán sự P.Cầu Kho, Q.1 cũng là cô giáo của đám nhỏ - PV) chỉ dẫn, chúng con biết cách đi đúng làn đường, hiểu thêm nhiều về Luật An toàn giao thông đường bộ. Còn Nguyễn Ngọc Thảo, cô bé có làn da đen nhẻm khoe: “Học về giao thông con có thêm kinh nghiệm xuống xe buýt phải biết quan sát trước sau, bước chân xuống và hướng mặt về phía trước là an toàn nhất; đi trên đường gặp ô tô lớn che khuất tầm nhìn thì không vội vàng vượt qua, phải quan sát thật kỹ lưỡng… Chúng con đã được trang bị nhiều kỹ năng đi đường thật an toàn”.
Có thể những kiến thức này không có gì mới mẻ với HS tiểu học trong các trường chính quy, bởi các em đều được học qua song lại khá mới với những đứa trẻ của KP.6. Các em tỏ ra thích thú khi được học và khám phá. Theo chị Hà, hầu hết các em ở tuổi từ 5-17, có chung hoàn cảnh: Gia đình nghèo khó, ba mẹ bỏ nhau, vướng vào ma túy hoặc ba mẹ đã mất vì nhiễm HIV… Cuộc sống thiếu sự quản lý, quan tâm của cha mẹ, các em thiếu học và nghịch ngợm, quậy phá đủ trò. Cụ thể là các em vô tư làm những chuyện đại loại như: Múc nước vào bịch nilon rồi lên cầu Nguyễn Văn Cừ thả ướt đầu người khác, bấm chuông cổng hàng xóm, đá banh làm vỡ kính nhà… Chưa kể, thời gian về đêm, nhiều em còn tụ tập, đi lang thang ngoài đường. Như Tiến Đạt (14 tuổi), ba mẹ chia tay khi em mới tròn vài tháng tuổi. Ở với người chú họ nhưng ngặt nỗi cái nghèo bủa vây. Đạt chỉ học đến lớp 5 Trường TH C.D (Q.5) rồi nghỉ để đi làm thuê kiếm thu nhập. Nhiều lần theo chân những thanh niên quậy phá, Đạt nhanh chóng bị “nhiễm” và cũng quậy phá không kém đàn anh, đàn chị bụi đời khác. Không thua kém Đạt, M.A (15 tuổi) học chỉ đến lớp 4, ba mẹ mỗi người một nơi. Chán chường, M.A, thường tụ tập cùng nhiều thành phần quậy phá vào ban đêm, ném đá người đi đường và nhiều hôm lang thang ngoài đường đến giữa đêm. Ngoài Đạt, M.A còn nhiều em khác cá biệt thích quậy phá không kém. Có một điều đặc biệt, không chỉ thích thú khi tham gia học văn hóa mà dưới lời khuyên răn của “má Hà”, các em dần ngoan lên, không nghịch ngợm, quậy phá nữa.
Đến thực hành làm bảo vệ
Lớp học được thành lập năm 2009. Ngoài những kiến thức cơ bản, các em nhỏ còn được học hát, học múa, học kể chuyện, tham gia giao lưu văn nghệ trong quận. Các em đều học rất giỏi. Minh chứng cho tinh thần ham học đó là trong những lần tham gia thi kể chuyện “Bác Hồ - Người cho em tất cả”; thi vở sạch chữ đẹp, đá bóng giao lưu, thi hành trình khám phá bản thân… giữa các quận, các em đều được giải cao. Trên 4 bức tường chật hẹp treo đủ các loại giấy khen cho các cuộc thi. Nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc, chị Hà tiếp tục phân công những “giang hồ nhí” làm “bảo vệ” KP.6. Cụ thể, đội bảo vệ nhí ấy lấy tên là Kim Đồng, có nhiệm vụ báo cáo lại những tệ nạn xã hội trong khu phố cho chị Hà mà các em bắt gặp. Để tạo tinh thần phấn đấu thi đua, đội Kim Đồng chia ra làm nhiều nhóm nhỏ: Nhóm Dế Mèn, Dế Lửa, Dế Than, Dế Cơm. Nhóm nào làm tốt, báo cáo được nhiều sự việc sẽ nhận phần thưởng là những lần được mượn sách, mượn truyện tranh ở lớp về nhà đọc. Cứ như thế, “Đội bảo vệ Kim Đồng” luôn học tập và hoạt động tích cực.
“Giao việc cho các em làm không phải để mình đỡ vất vả mà cốt yếu để các em thấy được việc chúng làm có ý nghĩa. Trước đây chúng nghịch phá, gây nhiều phiền phức cho hàng xóm thì nay chúng đã và đang góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội tại khu phố mình để khu phố an ninh, trật tự hơn”, chị Hà cho biết. Theo chị Hà, địa bàn KP.6 có chợ Nancy “nổi danh” là nơi phức tạp có nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, chích hút, buôn bán ma túy và hoạt động thường hay diễn ra ở các con hẻm. Đám nhỏ có lợi thế thường hay đi chơi khắp ngõ các khu phố vì thế nhận nhiệm vụ này các em cũng dễ dàng thực hiện. Từ khi có “Đội bảo vệ Kim Đồng”, nhiều sự việc đã được các em phát hiện báo lên Tổ cán sự khu phố kịp thời giải quyết.
So với ngày đầu chỉ 5, 6 em thì nay con số đã hơn 20 em và lớp học luôn rộn rã tiếng cười. Em Võ Thị Hồng Vân (17 tuổi), chạy thận nhiều năm, thân hình như một đứa trẻ lên 8, nước da xanh xao, thế nhưng kể từ khi tham gia lớp học, sức khỏe em đỡ nhiều hơn, khuôn mặt tươi tắn, hồng hào và… lạc quan hơn. Còn em T., sau giờ tan trường, T. ở nhà học bài, bố mẹ không cho giao lưu với một số trẻ trong xóm vì sợ ảnh hưởng xấu. Thế nhưng thấy “đội bảo vệ Kim Đồng” học tập sinh hoạt thật vui nên T. thường hay trốn nhà ra lớp học, sinh hoạt cùng các bạn. Có hôm các em đến nhiều, lớp học nhỏ đành phải chia làm hai ca, song điều đó không cản được việc hoạt động và chuyện học hành của “Đội bảo vệ Kim Đồng”.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh